Ngát hương sầu riêng từ vùng núi Khánh Sơn
Mùa sầu riêng chính vụ tại xã miền núi Khánh Sơn (tỉnh Khánh Hoà) năm nay cho chất lượng cao, doanh nghiệp tìm đến ngày càng đông, chuỗi liên kết định hình rõ nét.
Trái đầu mùa vàng ruộm, doanh nghiệp "săn" hàng tại vườn
Giữa tháng 7, vùng núi Khánh Sơn ( Khánh Hòa) rộn ràng không khí thu hoạch trái cây. Trái sầu riêng chính vụ bắt đầu chín rộ, tỏa mùi thơm đặc trưng từ các sườn đồi xanh thẳm, từ Tây Khánh Sơn đến Ba Cụm Bắc, Ba Cụm Nam.
Khánh Sơn hiện có khoảng 3.000 ha trồng sầu riêng, trong đó hơn 1.600 ha đang cho thu hoạch, sản lượng ước tính hàng chục ngàn tấn. Do địa hình đồi núi đặc thù và khí hậu mát mẻ, thời điểm thu hoạch của Khánh Sơn trễ hơn từ 1-2 tháng so với các vùng trồng lớn như Đắk Lắk, Đồng Nai hay Tiền Giang. Nhờ vậy, trái sầu riêng nơi đây tránh được tình trạng “đụng hàng”, giúp nông dân bán được giá cao hơn.
Sầu riêng Khánh Sơn mang lại giá trị cao cho bà con miền núi (Ảnh: Hội Nông dân Khánh Hoà)
Ngay từ đầu mùa, nhiều doanh nghiệp và thương lái từ các tỉnh phía Nam và Tây Nguyên đã có mặt tại địa phương để ký hợp đồng bao tiêu. Một số cơ sở thu mua tại chỗ như vựa Ánh Tuyết (xã Sơn Bình) đã hoạt động hết công suất, mỗi ngày thu gom từ 20-30 tấn, chủ yếu giống Monthong và Ri6. Giá thu mua tại vườn dao động từ 65.000-85.000 đồng/kg, cao hơn cùng kỳ năm trước.
Ông Nguyễn Văn Bảy - chủ vườn tại xã Ba Cụm Bắc chia sẻ: “Vụ này tôi thu hơn 20 tấn. Trái đẹp, gai đều, cơm vàng, giá bán tại vườn lên tới 80.000 đồng/kg. Tính sơ sơ cũng thu hơn 1,5 tỷ đồng. Đây là mùa được giá nhất trong 5 năm trở lại đây”.
Thấy được tiềm năng từ cây trồng chủ lực này, chính quyền địa phương đã chủ động kết nối nông dân với các doanh nghiệp, xây dựng các mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ nhằm ổn định đầu ra và nâng giá trị trái sầu riêng.
Hiện nay, một số vùng trồng tại địa phương đã được cấp mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu, trong đó có ba vùng đủ điều kiện kỹ thuật về truy xuất nguồn gốc, điều kiện canh tác sạch và bảo đảm dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Đồng thời, hơn 350 ha sầu riêng đang áp dụng quy trình VietGAP hoặc canh tác hữu cơ, giúp tăng độ tin cậy và chất lượng đầu ra cho trái cây.
Việc cấp mã số vùng trồng không chỉ là bước tiến kỹ thuật, mà còn mở đường để sầu riêng Khánh Sơn vươn ra thị trường quốc tế, nhất là Trung Quốc - thị trường đang mở rộng nhập khẩu chính ngạch sầu riêng Việt Nam.
Một số doanh nghiệp lớn như Công ty Vạn Hòa, Công ty Chánh Thu, đã chủ động đặt cọc trước, cam kết bao tiêu với giá ổn định. Ngoài ra, các hợp tác xã nông nghiệp như Hợp tác xã Ba Cụm cũng đang từng bước tham gia vào chuỗi liên kết sản xuất - thu mua - đóng gói - tiêu thụ, đảm bảo quyền lợi cho người trồng, giảm lệ thuộc vào thương lái nhỏ lẻ.
Tại Lễ hội trái cây Khánh Sơn được tổ chức thường niên, nhiều hoạt động xúc tiến thương mại đã được đẩy mạnh, trong đó tập trung vào việc kết nối cung - cầu, thúc đẩy tiêu thụ sầu riêng thông qua các sàn thương mại điện tử, siêu thị và hệ thống phân phối hiện đại.
Nút thắt hạ tầng và ý thức sản xuất sạch
Dù vụ mùa được giá, song ngành sầu riêng Khánh Sơn vẫn đối mặt với nhiều thách thức. Đầu tiên là vấn đề hạ tầng. Đường lên các vùng trồng còn nhỏ hẹp, quanh co, xe tải lớn khó tiếp cận. Việc vận chuyển sau thu hoạch, nhất là vào ngày mưa, tiềm ẩn nguy cơ hư hỏng, giảm chất lượng trái.
Bên cạnh đó, một số nông dân vẫn chưa thay đổi thói quen canh tác truyền thống. Lạm dụng phân bón, thuốc hóa học khiến dư lượng vượt ngưỡng, ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận thị trường xuất khẩu. Khâu bảo quản sau thu hoạch còn đơn giản, thiếu kho lạnh, máy sấy, dây chuyền đóng gói. Nhiều hộ vẫn “bán xô”, chưa phân loại theo kích cỡ, chất lượng, gây khó khăn cho khâu chế biến sâu.
Một vấn đề khác là tâm lý "ăn xổi". Khi thấy giá cao, nông dân có xu hướng phá vỡ cam kết liên kết, bán trôi nổi ngoài hợp đồng, khiến doanh nghiệp gặp rủi ro lớn trong thu mua và xuất khẩu. Việc xây dựng lòng tin giữa nhà vườn và doanh nghiệp đang là bài toán cần thời gian và sự đồng hành của cả chính quyền địa phương.
Ông Phạm Duy - Giám đốc một công ty xuất khẩu trái cây tại TP. Hồ Chí Minh cho biết: “Sầu riêng Khánh Sơn có tiềm năng xuất khẩu lớn nhờ chất lượng trái tốt, mùa vụ lệch pha. Tuy nhiên, để vào được thị trường khó tính, cần vùng nguyên liệu ổn định, canh tác theo chuẩn, và quan trọng là phải tuân thủ cam kết trong hợp đồng”.
Từ món trái cây dân dã vùng núi, sầu riêng Khánh Sơn đang từng bước trở thành mặt hàng nông sản có giá trị cao, đóng vai trò quan trọng trong cơ cấu kinh tế nông nghiệp của địa phương.
Không chỉ giúp nông dân “lên đời” nhờ thu nhập tiền tỷ, cây sầu riêng còn mở ra cơ hội để Khánh Sơn thoát nghèo bền vững, phát triển kinh tế nông thôn theo hướng hàng hóa. Quan trọng hơn, sự phát triển của cây sầu riêng đang gợi mở một hướng đi mới: xây dựng thương hiệu trái cây bản địa gắn với địa danh, phát triển theo chiều sâu, không chạy theo sản lượng, mà đi vào chất lượng và tính bền vững.
Nếu giải quyết được bài toán hạ tầng, canh tác sạch, liên kết chặt chẽ, sầu riêng Khánh Sơn hoàn toàn có thể trở thành “ngôi sao sáng” trong ngành trái cây Việt Nam, một ngày không xa sẽ “xuống núi” và xuất hiện trên kệ siêu thị các thị trường lớn của thế giới.