A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Ngân hàng Khu vực 15: Khơi thông vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa

Trong thời gian qua, hệ thống ngân hàng trên địa bàn Khu vực 15 đã có nhiều chính sách đồng hành thiết thực với doanh nghiệp tư nhân, đồng thời không ngừng đổi mới, đa dạng hóa sản phẩm tín dụng, số hóa quy trình cho vay nhằm tiết giảm chi phí, rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ. Nhờ đó, nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa đã tiếp cận nguồn vốn vay thuận lợi dễ dàng.

Thực tế trong thời gian qua, hệ thống ngân hàng Khu vực 15 luôn hướng nguồn tín dụng vào các lĩnh vực thúc đẩy tăng trưởng của nền kinh tế, trong đó có các doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt là khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa.

image-cuocsongkinhdoanh-vn_vietinbank-7169.jpg

Ảnh minh họa

Số liệu thống kê từ Ngân hàng Nhà nước Khu vực 15 cho thấy, đến cuối tháng 6/2025 dự nợ tín dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa đạt 57.764 tỷ đồng, tăng 8,15% so cuối năm 2024, chiếm 12,7% tổng dư nợ tín dụng Khu vực 15. Đặc biệt, dư nợ tín dụng đối với doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt 24 tỷ đồng, chiếm 0,01% tổng dư nợ tín dụng Khu vực 15.

Dù nỗ lực từ phía ngân hàng rất lớn, song nhiều doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn gặp khó khi tiếp cận tín dụng. Nguyên nhân chủ yếu đến từ hồ sơ tài chính thiếu minh bạch, không đủ tài sản thế chấp, năng lực quản trị hạn chế và thiếu kế hoạch kinh doanh rõ ràng.

Ngoài ra, để kích hoạt tiềm năng vô cùng to lớn của khu vực kinh tế tư nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa cần nâng cao quản trị minh bạch dòng tiền và có phương án/dự án sản xuất kinh doanh khả thi.

Thực tế cho thấy, trong thời gian qua, hệ thống ngân hàng đã có nhiều chính sách đồng hành thiết thực với doanh nghiệp tư nhân như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi suất, hỗ trợ phục hồi sau dịch bệnh và thiên tai. Các ngân hàng thương mại cũng không ngừng đổi mới, đa dạng hóa sản phẩm tín dụng, số hóa quy trình cho vay nhằm tiết giảm chi phí, rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ.

Ngành Ngân hàng xác định rõ nhiệm vụ nâng cao nhận thức, thay đổi tư duy, đối xử bình đẳng và hỗ trợ thiết thực cho kinh tế tư nhân phát triển nhanh, bền vững. Từ khi chính sách hỗ trợ với doanh nghiệp tư nhân khi vay vốn thực hiện các phương án sản xuất kinh doanh được Ngân hàng Nhà nước cụ thể hóa bằng Quyết định số 2415/QĐ-NHNN thực hiện Nghị quyết số 138/NQ-CP ngày 16/5/2025 về Kế hoạch hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 4/5/2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân, đồng thời tiếp tục ban hành Quyết định số 2416/QĐ-NHNN về việc ban hành Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng thực hiện Nghị quyết số 139/NQ-CP ngày 17/5/2025 của Chính phủ triển khai Nghị quyết số 198/2025/QH15 ngày 17/5/2025 của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân. Các kế hoạch này đã cụ thể hóa tất cả chương trình hành động tới các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước cũng như ngân hàng thương mại và tổ chức tín dụng, tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp tư nhân có thể tiếp cận nguồn vốn.

Song song với đó, hệ thống ngân hàng Khu vực 15 cũng tích cực phối hợp triển khai hiệu quả các chương trình tín dụng ưu đãi, như: tín dụng nhà ở xã hội, tín dụng nông nghiệp, hỗ trợ kinh tế tập thể và hợp tác xã, tín dụng cho doanh nghiệp khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo… Đặc biệt, Chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp tiếp tục được triển khai sâu rộng, đến cuối quý I/2025, trên địa bàn Khu vực 15 có 89 buổi gặp gỡ, đối thoại giữa ngân hàng và doanh nghiệp được tổ chức. Thông qua chương trình, các tổ chức tín dụng cho vay 51.801 tỷ đồng cho 4.019 doanh nghiệp, 200 đối tượng khác; cơ cấu lại nợ cho 3 khách hàng với dư nợ 118 tỷ đồng; ngoài ra các tổ chức tín dụng còn thực hiện hỗ trợ bằng các hình thức khác như giảm lãi suất, phí... Qua đó, hàng loạt doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã và hộ kinh doanh cá thể đã được tiếp cận nguồn vốn giá rẻ, kịp thời mở rộng sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Trên tinh thần đó, thời gian tới Ngân hàng Nhà nước Khu vực 15 tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng tăng cường chuyển đổi số, phát triển ngân hàng số và đẩy mạnh giao dịch không dùng tiền mặt đến cấp phường, xã, nhất là ở khu vực nông thôn và ven đô. Đây là giải pháp then chốt nhằm mở rộng khả năng tiếp cận tài chính cho người dân và doanh nghiệp… triển khai đồng bộ các giải pháp tín dụng, cải thiện chỉ số tiếp cận vốn, thúc đẩy cho vay sản xuất, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi xanh. Các tổ chức tín dụng cũng được khuyến khích đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tinh gọn quy trình, áp dụng ngân hàng số đến cấp cơ sở, đồng thời tăng cường năng lực phân tích thị trường và chủ động thực hiện Nghị quyết 68 nhằm hỗ trợ hiệu quả cho khu vực doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh cá thể… Ngành Ngân hàng Khu vực 15 sẽ tiếp tục phát huy vai trò huyết mạch của nền kinh tế, đồng hành cùng địa phương trên hành trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển bền vững.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật