Lợi ích và thách thức khi duy trì chế độ ăn thuần chay
Chuyển sang ăn thuần chay không chỉ tác động đến sức khỏe mà còn ảnh hưởng tinh thần, cảm xúc và môi trường nếu biết cân bằng dinh dưỡng một cách khoa học.
Ăn thuần chay có giúp cải thiện hệ tiêu hóa và sức khỏe tim mạch. Ảnh: Thùy Dương
Khi ngày càng nhiều người trên thế giới lựa chọn ăn thuần chay vì lý do sức khỏe, môi trường hoặc đạo đức, câu hỏi đặt ra là: Việc cắt bỏ hoàn toàn các sản phẩm từ động vật khỏi khẩu phần ăn sẽ ảnh hưởng thế nào đến cơ thể. Những thay đổi này không chỉ về thể chất mà còn bao gồm cả sự biến chuyển về tinh thần và cảm xúc.
Cải thiện hệ tiêu hóa và sức khỏe tim mạch
Ngay từ những tuần đầu tiên, hệ tiêu hóa là nơi chịu ảnh hưởng rõ rệt nhất. Với lượng chất xơ dồi dào từ rau, củ, ngũ cốc nguyên hạt và các loại hạt, bạn có thể trải qua cảm giác đầy hơi, chướng bụng nhẹ trong thời gian đầu, đây là biểu hiện cho thấy đường ruột đang thích nghi với lượng chất xơ tăng đột ngột.
Bác sĩ Arooshi Aggarwal - chuyên gia dinh dưỡng tại New Delhi, Ấn Độ - cho biết: “Một chế độ ăn thuần chay nếu được thiết kế hợp lý có thể cải thiện mức cholesterol, ổn định huyết áp và tăng cường sức khỏe tim mạch nhờ sự phong phú của chất béo lành mạnh và chất chống oxy hóa".
Chế độ này còn có thể hỗ trợ kiểm soát cân nặng nhờ lượng calo và chất béo bão hòa thấp, đồng thời giúp người ăn cảm thấy tràn đầy năng lượng hơn nhờ hấp thụ nhiều vitamin và khoáng chất từ thực vật.
Những thiếu hụt cần lưu ý
Tuy nhiên, không phải ai ăn chay cũng khỏe mạnh. Việc cắt bỏ toàn bộ sản phẩm động vật khiến cơ thể dễ thiếu hụt vitamin B12, một dưỡng chất quan trọng cho hệ thần kinh. Theo khuyến nghị của Văn phòng Thực phẩm Bổ sung Hoa Kỳ (ODS), người ăn chay nên sử dụng thực phẩm bổ sung hoặc các sản phẩm tăng cường B12 để phòng tránh thiếu máu và rối loạn thần kinh.
Bên cạnh đó, sắt từ thực vật (non-heme) kém hấp thụ hơn so với sắt từ động vật. Do đó, việc kết hợp thực phẩm giàu vitamin C như cam, ớt chuông vào bữa ăn sẽ giúp tăng khả năng hấp thu sắt. Axit béo Omega-3, thường có nhiều trong cá, cũng cần được bổ sung từ hạt lanh, hạt chia hoặc dầu tảo.
Tác động tinh thần và cảm xúc
Không chỉ thay đổi về mặt thể chất, chế độ ăn thuần chay còn có thể cải thiện tâm trạng. Một nghiên cứu đăng trên Tạp chí Y khoa Anh (BMJ) chỉ ra rằng, thực phẩm giàu chất chống oxy hóa giúp làm giảm triệu chứng lo âu và trầm cảm.
Đồng thời, nhiều người ăn chay cũng chia sẻ rằng, họ cảm thấy hài lòng hơn về mặt đạo đức và tinh thần khi không góp phần vào hành vi ngược đãi động vật hay làm tổn hại môi trường.
Ảnh hưởng dài hạn: Nguy cơ bệnh mãn tính giảm, tuổi thọ tăng
Các nghiên cứu đăng trên Tạp chí Tim mạch Lão khoa cho thấy, chế độ ăn thực vật có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch, tiểu đường tuýp 2 và một số loại ung thư. Thậm chí, một phân tích từ Tạp chí Foods còn cho rằng, người ăn thực vật có thể sống lâu hơn nhờ lượng chất chống oxy hóa và chất dinh dưỡng cao hơn.
Dù vậy, tiến sĩ Lisa Young - chuyên gia dinh dưỡng và giảng viên tại Đại học New York - cảnh báo: “Không phải cứ ăn chay là khỏe mạnh. Việc lựa chọn thực phẩm chế biến sẵn, nhiều đường hoặc thiếu cân đối vẫn có thể dẫn tới tình trạng suy dinh dưỡng".
Chuyển sang chế độ ăn thuần chay là một hành trình không chỉ thay đổi sức khỏe thể chất mà còn mở ra cánh cửa đến với một lối sống cân bằng hơn về tinh thần, đạo đức và môi trường. Điều quan trọng là bạn cần trang bị đủ kiến thức dinh dưỡng và lắng nghe cơ thể để đảm bảo hành trình ấy diễn ra bền vững và hiệu quả.