Cần quy định mức hỗ trợ cụ thể cho việc chuyển đổi xe xăng sang xe điện ở Hà Nội
Ông Nguyễn Xuân Đại - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường cho biết, khi chuyển đổi xe xăng sang xe điện, cần có quy định mức hỗ trợ cụ thể.
Việc chuyển đổi phương tiện từ xe xăng sang xe điện nhận được sự quan tâm của người dân. Ảnh: Hữu Chánh
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa yêu cầu Thành phố Hà Nội thực hiện các biện pháp để tổ chức, cá nhân chuyển đổi phương tiện, lộ trình đến ngày 1.7.2026 không có xe mô tô, xe gắn máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch (xe chạy bằng xăng, dầu) lưu thông trong Vành đai 1.
Thủ tướng cũng yêu cầu Hà Nội từ ngày 1.1.2028 không có xe mô tô, xe gắn máy, hạn chế ôtô cá nhân sử dụng nhiên liệu hóa thạch lưu thông trong đường Vành đai 1, Vành đai 2 và từ năm 2030 tiếp tục mở rộng thực hiện trong đường Vành đai 3.
Ông Nguyễn Xuân Đại - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường TP Hà Nội cho biết, theo số liệu đăng ký, Hà Nội hiện có khoảng 6 triệu phương tiện, nhưng thực tế lên tới hơn 8 triệu, chưa kể số lượng phương tiện từ các địa phương khác vào thành phố giao thương mỗi ngày, tạo áp lực lớn.
Theo ông, để có môi trường sạch thì phải đầu tư. Để có đầu tư hiệu quả, cần có chính sách hỗ trợ cụ thể và rõ ràng. "Việc kêu gọi xã hội hóa chỉ thu hút được một số doanh nghiệp, trong vài lĩnh vực nhất định.
Do vậy, cần hoàn thiện thể chế theo hướng quy định mức hỗ trợ cụ thể, ví dụ: hỗ trợ bao nhiêu phần trăm cho người dân khi chuyển đổi xe xăng sang xe điện; bao nhiêu phần trăm khi chuyển đổi sang nhiên liệu sạch, xanh.

Ông Hoàng Văn Thức - Cục trưởng Cục Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Môi trường cho biết, hiện nay với số lượng phương tiện như ôtô, xe máy rất lớn, Chính phủ đã ban hành lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải.
“Việc này phải thực hiện quyết liệt, đặc biệt tại các địa phương như Hà Nội. Từ 1.1.2027, TP Hà Nội sẽ triển khai kiểm soát khí thải đối với hơn 6 triệu xe máy và hơn 1 triệu ô tô đang lưu hành”, ông nói.
Tại buổi làm việc với Hiệp hội Các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM) ngày 9.6, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh khẳng định thành phố kiên định thực hiện chủ trương đã được HĐND thông qua từ năm 2017 về quản lý phương tiện cá nhân nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường.
Theo ông Thanh, Hà Nội sẽ giữ nguyên lộ trình hạn chế xe máy tại các quận nội thành vào năm 2030, đồng thời từng bước thúc đẩy chuyển đổi từ xe máy sử dụng xăng sang xe máy điện. Ông nhấn mạnh đây là định hướng đã được ban hành hơn 7 năm nên không gây bất ngờ đối với cả người dân và doanh nghiệp. Thành phố quyết tâm đẩy nhanh quá trình chuyển đổi phương tiện từ sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng sạch.
Để hiện thực hóa mục tiêu, Hà Nội sẽ ban hành các chính sách hỗ trợ người dân trong việc chuyển đổi phương tiện, đầu tư hệ thống trạm sạc điện, nâng cao tiêu chuẩn an toàn tại các điểm sạc tập trung, đồng thời đẩy mạnh phát triển vận tải công cộng.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội giao Sở Xây dựng làm đầu mối phối hợp với các sở, ngành và đơn vị liên quan xây dựng lộ trình chuyển đổi phù hợp, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân.