Chính phủ ưu tiên xây dựng thể chế, tháo gỡ vướng mắc làm hạn chế sự phát triển
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long khẳng định như vậy tại phiên thảo luận ở hội trường của Quốc hội (QH) về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, sáng nay, 24/5.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long giải trình, làm rõ một số nội dung tại phiên họp.
Tích cực hoàn thiện hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất
Trình bày Tờ trình về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 (Chương trình) tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Hoàng Thanh Tùng khẳng định, năm 2021 và những tháng đầu năm 2022, công tác xây dựng pháp luật được bảo đảm liên tục, hiệu quả, không bị gián đoạn do việc chuyển giao nhiệm kỳ của các cơ quan nhà nước.
Chương trình xây dựng pháp luật năm 2021 và các tháng đầu năm 2022 được triển khai thực hiện nghiêm túc, hoàn thành vượt chỉ tiêu đề ra, góp phần tích cực hoàn thiện hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất.
Nhờ công tác chuẩn bị kỹ lưỡng, thời gian tổ chức kỳ họp của QH, phiên họp của UBTVQH được rút ngắn, bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả; các luật, nghị quyết được QH, UBTVQH thông qua đều đạt tỷ lệ đồng thuận rất cao.
Chất lượng văn bản được nâng lên, kịp thời thể chế hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các nghị quyết, kết luận của Trung ương, đáp ứng yêu cầu cấp bách của công tác phòng, chống dịch COVID-19, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, tháo gỡ các điểm nghẽn, nút thắt về thể chế, tạo động lực cho phát triển bền vững, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Hoàng Thanh Tùng cũng chỉ ra rằng, công tác lập và triển khai thực hiện Chương trình vẫn còn một số hạn chế, bất cập, như một số hồ sơ đề nghị xây dựng luật, nghị quyết chưa bảo đảm chất lượng, chưa đầy đủ theo quy định, chưa được UBTVQH chấp thuận đưa vào Chương trình để có thời gian hoàn thiện thêm.
Việc gửi hồ sơ dự án, dự thảo đến cơ quan thẩm tra, UBTVQH, QH không ít trường hợp chưa bảo đảm thời gian theo quy định; vẫn còn tình trạng dự án đã được đưa vào Chương trình nhưng không chuẩn bị kịp để trình QH theo đúng kế hoạch. Những hạn chế này có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan, nhưng chủ yếu là do công tác tổ chức thực hiện chưa tốt, kỷ luật, kỷ cương trong công tác xây dựng pháp luật chưa nghiêm.
Về dự kiến Chương trình năm 2023, điều chỉnh Chương trình năm 2022, theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, nếu được QH thông qua, dự kiến, tại kỳ họp thứ 3 (tháng 5/2022), trình QH thông qua 5 luật, 4 nghị quyết; cho ý kiến 6 dự án luật. Tại kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2022), trình QH thông qua 7 luật (gồm 1 luật theo quy trình tại một kỳ họp mới được bổ sung, 6 luật đã có trong Chương trình); cho ý kiến 7 dự án luật. Năm 2023, tại kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2023), trình QH thông qua 6 luật đã được QH cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4 và Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024; cho ý kiến 6 dự án luật. Tại kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023), trình QH thông qua 6 luật đã được cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5; cho ý kiến 2 dự án luật.
Xây dựng thể chế là ưu tiên số một của Chính phủ
Cho ý kiến tại phiên họp, các đại biểu QH cơ bản nhất trí với nhận định của UBTVQH về những kết quả đã đạt được cũng như một số tồn tại, hạn chế trong công tác xây dựng pháp luật thời gian qua. Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung (đoàn Long An) đánh giá cao các cơ quan của QH, Chính phủ đã linh hoạt, chủ động đề xuất QH kịp thời thông qua các quyết sách cấp thiết để vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân, đáp ứng yêu cầu phục hồi kinh tế - xã hội trong tình hình mới và hội nhập quốc tế.
Theo đại biểu Phan Thị Mỹ Dung, các cơ quan của Chính phủ cũng đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của QH và các cơ quan khác có liên quan để tổ chức xây dựng các luật và chương trình lập pháp với cách thức, hình thức phù hợp với tình hình như làm việc từ xa, hội nghị, hội thảo, tọa đàm trực tuyến…; thể hiện trách nhiệm của các chủ thể trong quy trình xây dựng luật tiếp tục được tăng cường.
Toàn cảnh phiên họp. |
Nhờ đó, chất lượng các dự án, văn bản luật, Nghị quyết được QH, UBTVQH thông qua ngày càng được nâng lên, kịp thời thể chế nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ 13, các nghị quyết, kết luận, quyết sách của Trung ương Đảng, đặc biệt là Kết luận số 19 của Bộ Chính trị về định hướng chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ QH khóa XV.
Chỉ ra một số hạn chế, bất cập trong công tác xây dựng pháp luật đã tồn tại trong nhiều năm chưa được khắc phục triệt để, ĐB Phan Thị Mỹ Dung kiến nghị QH, Chính phủ quan tâm tăng cường tính dự báo, tính chủ động của các cơ quan đề xuất các dự án luật cho kịp thời, điều chỉnh các vấn đề phát sinh liên quan phát triển kinh tế xã hội, quốc phòng, an ninh và quan hệ quốc tế; hạn chế việc xây dựng chính sách bằng bằng các nghị quyết thí điểm…
Phát biểu giải trình tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long khẳng định chất lượng và những cố gắng của Chính phủ trong việc lập và thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh thời gian qua.
Bộ trưởng Tư pháp khẳng định, tương tự nhiệm kỳ trước, nhiệm kỳ này, Chính phủ vẫn coi xây dựng thể chế, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc làm hạn chế sự phát triển kinh tế - xã hội là ưu tiên số một.
“Chính phủ đã tổ chức một hội nghị về công tác thể chế, 6 phiên họp chuyên đề về công tác xây dựng pháp luật, 42 cuộc họp về các dự án luật”, Bộ trưởng Tư pháp cho hay.
Chỉ ra rằng thực tiễn cuộc sống liên tục biến đổi, thay đổi; công tác thể chế phải theo cho kịp, Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết, cách triển khai xây dựng Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm nay cũng có những điểm khác, cải tiến với những năm trước nhằm đáp ứng yêu cầu thực tế đề ra.
Về việc lùi một số dự án luật được các đại biểu QH đề cập, Bộ trưởng Tư pháp cho biết, Chính phủ kỳ này không xin rút các dự án luật. “Có một số dự án chưa đáp ứng được yêu cầu về chất lượng, UBTVQH chưa cho phép trình QH, Chính phủ đang tiếp tục nghiên cứu để đề xuất bổ sung vào chương trình”, ông Long thông tin.
Về việc một số Nghị quyết của QH chưa được đưa vào chương trình, Bộ trưởng Lê Thành Long cho rằng, ở giai đoạn hiện nay, việc chưa đưa các nghị quyết vào chương trình mà dùng Nghị quyết như một công cụ để xử lý các vấn đề cụ thể, thực tiễn là chấp nhận được. Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long cũng tiếp thu các ý kiến góp ý của các đại biểu QH, trong đó có các gợi ý về các dự án luật cụ thể, để tiếp tục tham mưu Chính phủ có các giải pháp để lập và thực hiện Chương trình ngày một tốt hơn.
Về dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Chính phủ đề nghị lùi thời hạn trình QH đối với dự án Luật này đến khi có chủ trương, định hướng, chỉ đạo của Trung ương về đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai. UBTVQH nhận thấy, yêu cầu sửa đổi Luật Đất đai là rất cấp thiết để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thi hành Luật; đáp ứng yêu cầu huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực đất đai để thúc đẩy sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời, tạo cơ sở để sửa đổi, bổ sung đồng bộ, khắc phục những hạn chế, bất cập trong các văn bản luật khác có liên quan. Tuy nhiên, đây là dự án luật lớn, có nhiều nội dung phức tạp, cần nghiên cứu, chuẩn bị kỹ lưỡng.
Mặt khác, Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII (tháng 5/2022) mới tiến hành tổng kết thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW để ban hành Nghị quyết mới nên cần có thêm thời gian để nghiên cứu, thể chế hóa đầy đủ chủ trương, chính sách của Đảng, hoàn thiện dự án Luật. Do đó, đề nghị QH cho phép lùi thời hạn trình dự án Luật này từ kỳ họp thứ 3 sang kỳ họp thứ 4 và vẫn giữ quy trình xem xét, thông qua tại 3 kỳ họp QH (cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4 và thứ 5, thông qua tại kỳ họp thứ 6).