A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chính thức khai mạc Hội nghị quốc tế về du lịch nông thôn lần thứ nhất

Hội nghị quốc tế về du lịch nông thôn lần thứ nhất sẽ tập trung trao đổi xác định các thách thức, chia sẻ kinh nghiệm tốt, thúc đẩy hợp tác du lịch nông thôn.

Sáng 10/12, tại tỉnh Quảng Nam, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Tổ chức Du lịch Liên Hợp Quốc (UN Tourism), UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức Hội nghị quốc tế về du lịch nông thôn lần thứ nhất.

Đây là sự kiện mang tính toàn cầu đầu tiên của UN Tourism về du lịch nông thôn, thu hút sự tham dự của hơn 300 đại biểu từ 50 quốc gia trên toàn thế giới, đại diện cho các cơ quan quản lý cấp quốc gia, địa phương các nước thành viên UN Tourism và Việt Nam, tổ chức quốc tế, cộng đồng du lịch và khu vực tư nhân.

Hội nghị quốc tế về Du lịch Nông thôn lần thứ nhất thảo luận các chính sách thúc đẩy du lịch nông thôn bền vững
Hội nghị quốc tế về du lịch nông thôn lần thứ nhất thảo luận các chính sách thúc đẩy du lịch nông thôn bền vững

Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Hồ Anh Phong - Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch - cho biết, Việt Nam là đất nước nông nghiệp với hơn 70% dân số sống ở khu vực nông thôn. Trong những năm qua, Việt Nam đã quan tâm phát triển các loại hình, sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn đặc sắc, hấp dẫn, có khả năng thu hút khách du lịch trong và ngoài nước, đem lại sự đa dạng trong cung ứng dịch vụ của du lịch Việt Nam, thúc đẩy kết nối tour tuyến, mở rộng không gian đón khách về nông thôn. Ngược lại, du lịch nông thôn cũng là nhân tố quan trọng trong thúc đẩy sự phát triển nông nghiệp, nông thôn thông qua chuyển đổi sinh kế, thúc đẩy tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp, tăng thu nhập cho người dân, hỗ trợ duy trì được các nghề truyền thống, phát triển các sản vật địa phương có giá trị, tạo niềm tin gắn bó với quê hương và thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

Tuy nhiên, du lịch nông thôn Việt Nam cũng còn những hạn chế. Theo đó, đa số các mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn ở vùng sâu, vùng xa của Việt Nam có quy mô nhỏ, lẻ, thiếu tính chuyên nghiệp, gặp khó khăn về hạ tầng giao thông và các điều kiện kinh tế xã hội khác, hạn chế về nguồn lực đầu tư; nguồn nhân lực và khả năng kết nối thị trường..."Tôi kỳ vọng, với sự chia sẻ của các nhà lãnh đạo du lịch, tổ chức, chuyên gia quốc tế và trong nước tại hội nghị, các quốc gia thành viên của UN Tourism nói chung và Việt Nam nói riêng sẽ có cơ hội để học hỏi, nâng cao nhận thức, định hướng tầm nhìn và ban hành, thực thi các chính sách, giải pháp phát triển du lịch nông thôn phù hợp với điều kiện của mỗi quốc gia” - Thứ trưởng Hồ An Phong nói.

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hồ An Phong
Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hồ An Phong

Theo bà Zoritsa Urosevic - Phó Tổng Thư ký UN Tourism, du lịch có khả năng thúc đẩy đa dạng hóa kinh tế địa phương, tăng cường liên kết giữa du lịch và nông nghiệp, trao quyền cho cộng đồng bản địa, kích thích đổi mới, thu hút đầu tư... Khi tập trung vào du lịch nông thôn, sẽ thúc đẩy tất các hoạt động kinh tế, cùng nhau tăng cường kết nối giữa con người và môi trường, bảo vệ truyền thống.

Chia sẻ về định hướng phát triển du lịch xanh, du lịch nông thôn trong thời gian tới tại tỉnh Quảng Nam, ông Lương Nguyễn Minh Triết - Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam - cho biết, đến nay, toàn tỉnh Quảng Nam có 126 điểm tài nguyên du lịch nông nghiệp nông thôn, trong đó, nhiều điểm hoạt động rất hiệu quả như: Làng gốm Thanh Hà, làng rau Trà Quế, rừng dừa Bảy Mẫu - Cẩm Thanh, làng mộc Kim Bồng (Hội An), làng du lịch dựa vào cộng đồng Cơtu (Nam Giang)… Ước tính, trên 30% du khách đến Quảng Nam có trải nghiệm sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn. Nổi trội nhất là điểm du lịch rừng dừa Bảy Mẫu - Cẩm Thanh, thành phố Hội An, thu hút gần 1 triệu lượt khách; làng rau Trà Quế thu hút gần 25.000 lượt khách theo ước tính vào năm 2024.

Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã xác định, ngành du lịch là nền tảng tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế xã hội. Quảng Nam tập trung phát triển, tạo ra những sản phẩm du lịch xanh, dựa vào nền tảng nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, đa dạng và các giá trị văn hóa bản địa đặc trưng, tạo cơ hội cho việc bảo tồn tài nguyên và phát triển du lịch bền vững. Tỉnh xác định, phát triển kinh tế không phải bằng mọi giá mà có sự hài hòa giữa kinh tế, văn hóa, xã hội và môi trường.

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Lương Nguyễn Minh Triết
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Lương Nguyễn Minh Triết

Tại Hội nghị quốc tế về du lịch nông thôn lần thứ nhất, các đại biểu thảo luận và định hướng các chính sách phát triển du lịch nông thôn bền vững, đảm bảo phân phối công bằng lợi ích du lịch, tạo việc làm, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và văn hóa, hòa nhập xã hội, trao quyền cho cộng đồng địa phương và các nhóm dễ bị tổn thương, bao gồm phụ nữ, thanh niên và người dân bản địa.

Cụ thể, các đại biểu tham dự hội nghị được nghe chuyên gia chia sẻ về vai trò của du lịch trở thành động lực phát triển nông thôn; cùng trao đổi thảo luận, góp ý về những chính sách thúc đẩy du lịch nông thôn; ứng dụng công nghệ để chuyển đổi du lịch nông thôn; vấn đề trao quyền cho cộng đồng địa phương để dẫn dắt sự phát triển du lịch nông thôn; vấn đề liên kết chặt chẽ giữa nông nghiệp và du lịch. Đồng thời, thảo luận các vấn đề về Làng du lịch tốt nhất như đổi mới, tạo sản phẩm và thu hút sự tham gia của thanh niên vào kinh doanh du lịch nông thôn; vấn đề tiếp cận thị trường với những trải nghiệm du lịch.

Giới thiệu các sản phẩm truyền thống của tỉnh Quảng Nam tại Hội nghị
Giới thiệu các sản phẩm truyền thống của tỉnh Quảng Nam tại hội nghị

Tại chương trình, cũng sẽ chứng kiến lễ trao giải Làng du lịch tốt nhất năm 2024 cho làng rau Trà Quế (tỉnh Quảng Nam).

Trước đó, ngày 9/12, cũng tại tỉnh Quảng Nam, đã diễn ra phiên họp thường niên Mạng lưới Làng du lịch tốt nhất lần thứ 2 của UN Tourism.

Ngày mai (11/12), các đại biểu tham dự hội nghị sẽ tham gia khảo sát, trải nghiệm các sản phẩm du lịch nông thôn tại tỉnh Quảng Nam như làng rau Trà Quế; làng gốm Thanh Hà; tham quan phố cổ Hội An.

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật