A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hội nghị lần thứ 8 của Ủy ban tư vấn Văn phòng Tăng cường năng lực của Quỹ Tiền tệ quốc tế tại Thái Lan

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) vừa làm đầu mối phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tổng cục Thống kê tham dự Hội nghị thường niên lần thứ 8 của Ủy ban Tư vấn (ADCOM) Văn phòng Tăng cường năng lực của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) tại Thái Lan (CDOT). Do dịch bệnh COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp ở một số quốc gia trên thế giới, Hội nghị năm nay tiếp tục được tổ chức theo hình thức trực tuyến.

Các đại biểu tham dự hội nghị

Tham dự Hội nghị có các nhà tài trợ cho hoạt động của CDOT là Bộ Tài chính Nhật Bản và Ngân hàng Trung ương Thái Lan; các đơn vị chuyên môn, đơn vị đào tạo của IMF, các nước nhận hỗ trợ từ CDOT gồm Lào, Campuchia và Việt Nam.

Trong khuôn khổ Hội nghị, đại diện Vụ Châu Á – Thái Bình Dương của IMF đã có bài trình bày về các nội dung liên quan đến tình hình triển khai hoạt động phát triển năng lực của IMF cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương nói chung cũng như của CDOT nói riêng trong bối cảnh sức ép về lạm phát gia tăng, hệ lụy của việc đứt gẫy chuỗi cung ứng và căng thẳng địa chính trị.

Theo đó, IMF cho biết, tại thời điểm này, chiến lược của IMF hướng tới tích hợp hoạt động phát triển năng lực và công tác giám sát của Quỹ để xây dựng năng lực quốc gia trong việc tiếp cận những thách thức và có các chính sách đối phó.

Đồng thời, IMF cũng chia sẻ về cách thức dự kiến cho các hoạt động nâng cao năng lực nhằm hỗ trợ giải quyết những khó khăn, thách thức mới mang tính toàn cầu.

Theo kế hoạch, IMF sẽ dành 30% nguồn ngân sách cho hoạt động nâng cao năng lực, trong đó 1/2 ngân sách này là dành cho các nước thu nhập thấp và khoảng 1/3 ngân sách này là dành cho các trung tâm đào tạo của IMF tại châu Á.

Từ khi thành lập đến nay, CDOT nhận được nhiều sự hỗ trợ, đóng góp của các nhà tài trợ và các đơn vị phát triển năng lực khác của IMF. Do đó, Hội nghị cũng đã lắng nghe thêm quan điểm của các nhà tài trợ và các đơn vị chức năng khác của IMF về những kết quả đạt được cũng như kế hoạch tương lai của CDOT.

Trước các thông tin cập nhật của IMF và nhà tài trợ, đại biểu các nước Campuchia, Lào và Việt Nam đánh giá cao sự hỗ trợ của IMF nói chung và các đơn vị chức năng của IMF nói riêng, đồng thời bày tỏ sự cảm ơn đến các nhà tài trợ chính cho hoạt động của CDOT là Bộ Tài chính Nhật Bản và NHTW Thái Lan.

Các dự án của CDOT trong năm tài chính 2021 - 2022 tiếp tục thể hiện tính hiệu quả cao, đáp ứng nhu cầu tăng cường năng lực của các cơ quan, bộ ngành hữu quan trong khu vực.

Hiện nay, bên cạnh 6 lĩnh vực chuyên môn chính (quản lý kinh tế vĩ mô, quản lý tài chính công, thống kê khu vực đối ngoại, thống kê tài chính chính phủ, nghiệp vụ tiền tệ và ngoại hối, nghiệp vụ kho quỹ) CDOT còn đưa ra nhiều chương trình đào tạo tập trung vào 2 vấn đề mới nổi là chuyển đổi số và biến đổi khí hậu.

Với sự đa dạng chủ đề đó, các nước ghi nhận những nỗ lực của CDOT trong việc phát triển không chỉ theo chiều sâu mà còn theo chiều rộng đối với các lĩnh vực công tác, thể hiện tính thích ứng cao với các diễn biến mới trên thế giới.

Trong bối cảnh nhiều nước đã nới lỏng hạn chế đi lại, từ giữa năm 2022, CDOT đã khởi động lại các hoạt động nâng cao năng lực theo hình thức trực tiếp. Đây cũng là một nỗ lực đáng được ghi nhận của CDOT.

Tại Phiên thảo luận về ưu tiên cho phát triển năng lực trong thời gian tới, bà Hoàng Thị Phương Hạnh, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế NHNN, thay mặt cho các cơ quan hữu quan của Việt Nam, đã trình bày tổng hợp nhu cầu tăng cường năng lực của Việt Nam tập trung không chỉ vào các lĩnh vực truyền thống như tài chính, tiền tệ và thống kê mà còn các lĩnh vực mới nổi như chuyển đổi số, biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.

Các Bộ, ngành của Việt Nam cũng nhấn mạnh nhu cầu cao được đào tạo, bồi dưỡng trực tiếp với CDOT, thể hiện qua số lượng lớn học viên đăng ký và tham dự tại 2 Khóa học về “Các nguyên tắc cơ bản của dự báo và mô hình dự báo tức thời” và “Chẩn đoán kinh tế vĩ mô” đã và đang diễn ra tại Hà Nội, lần lượt từ ngày 7 - 10/6/2022 và 4 - 08/7/2022. Theo đó, phía Việt Nam hoan nghênh và đánh giá cao chủ trương khởi động lại các chương trình, dự án của CDOT nói riêng và IMF nói chung theo hình thức trực tiếp.

Kết thúc Hội nghị, các đại biểu thống nhất rằng bên cạnh việc duy trì hoạt động trực tuyến như hai năm vừa qua, CDOT cần tập trung hơn cho các chương trình, dự án trực tiếp. Thông qua Hội nghị, đại diện các đơn vị hữu quan của IMF và các nước tài trợ thể hiện sự đồng lòng trong việc hợp tác với CDOT để cùng đáp ứng các nhu cầu về tăng cường năng lực cho các cơ quan chức năng của các nước nhận hỗ trợ trong khu vực, hướng tới một khu vực phát triển tài chính ổn định và bền vững.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật