Nâng cao sứ mệnh bảo vệ, thúc đẩy quyền con người của báo chí
Sáng nay (30/5), tại Lâm Đồng, Học viện chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, cơ quan Thường trực Ban điều hành Đề án đưa nội dung quyền con người vào chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân năm 2021 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2022 (Đề án) đã khai giảng lớp tập huấn “Quyền con người và báo chí” đầu tiên dành cho Tổng biên tập, biên tập viên, phóng viên các cơ quan báo chí toàn quốc.
Lễ khai giảng lớp tập huấn “Quyền con người và báo chí” tại Lâm Đồng.
Phát biểu khai giảng lớp tập huấn, PGS.TS Lê Văn Lợi, Phó giám đốc Học viện CTQG Hồ Chí Minh, Trưởng ban Điều hành Đề án nhấn mạnh, báo chí có vai trò lớn trong việc bảo vệ, thúc đẩy quyền con người trong xã hội. Thời gian qua, báo chí đã có nhiều bài viết sắc sảo về quyền con người, về đảm bảo quyền công dân, quyền con người, qua đó góp phần bảo vệ và thúc đẩy quyền con người, đồng thời đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái.
PGS.TS Lê Văn Lợi, Phó giám đốc Học viện CTQG Hồ Chí Minh, Trưởng ban Điều hành Đề án phát biểu khai giảng lớp tập huấn. |
Tuy nhiên để báo chí thực hiện tốt hơn nữa sứ mệnh cao cả cao cả này cần khắc phục những hạn chế, tồn tại, đó cũng là lý do Ban điều hành Đề án tổ chức lớp tập huấn “Quyền con người và báo chí” đầu tiên dành cho báo chí.
Lớp tập huấn diễn ra từ ngày 30/5 đến 1/6/2022 với 6 chuyên đề, qua đó trang bị cho học viên những kiến thức cơ bản về quyền con người; đường lối, chính sách, pháp luật Việt Nam về quyền con người và tự do báo chí; kỹ năng tác nghiệp báo chí nhằm thúc đẩy, bảo vệ quyền con người và ngăn ngừa vi phạm quyền con người ở Việt Nam…
Ngay sau lễ khai giảng, các học viên đã bước vào chuyên đề đầu tiên của chương trình tập huấn. |
Ngày 5/9/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1309/QĐ-TTg phê duyệt Đề án đưa nội dung quyền con người vào chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân.
Mục tiêu chung của Đề án nhằm tuyên truyền, phổ biến, giáo dục quyền con người nhằm tạo sự chuyển biến trong nhận thức của người học, của đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục về tầm quan trọng, ý thức tự bảo vệ các quyền của bản thân, tôn trọng nhân phẩm, các quyền và tự do của người khác; ý thức về trách nhiệm, nghĩa vụ của công dân đối với nhà nước và xã hội, góp phần phát triển toàn diện con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển bền vững của đất nước.
Theo Đề án, mục tiêu trong giai đoạn 2017 - 2020 sẽ đưa nội dung quyền con người vào chương trình giáo dục phù hợp với từng cấp học, trình độ đào tạo trong hệ thống giáo dục quốc dân.
Giai đoạn 2021 - 2025 sẽ triển khai đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về quyền con người cho toàn bộ đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, giảng viên, giáo viên các cấp trong hệ thống giáo dục quốc dân. Phấn đấu đến năm 2025, 100% cán bộ quản lý, giảng viên, giáo viên trực tiếp tham gia giảng dạy về quyền con người trong hệ thống giáo dục quốc dân được tập huấn, bồi dưỡng; Hoàn thành việc biên soạn và đưa vào sử dụng sách giáo khoa, giáo trình, các tài liệu tham khảo về quyền con người phục vụ giảng dạy, đào tạo phù hợp với từng cấp học và trình độ đào tạo trong hệ thống giáo dục quốc dân; Đến năm 2025, 100% các cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân tổ chức giáo dục quyền con người cho người học.
Để tiếp tục đẩy mạnh giáo dục quyền con người phù hợp với từng cấp học, trình độ đào tạo của hệ thống giáo dục quốc dân trong tình hình mới, ngày 21/12/2021, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã ký ban hành Chỉ thị số 34/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường thực hiện Đề án đưa nội dung quyền con người vào chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân.
Việt Nam thời gian qua đã đạt được nhiều thành tựu về đảm bảo, thúc đẩy quyền con người. |
Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, UBND các cấp tiếp tục quán triệt sâu sắc và chỉ đạo thực hiện nghiêm Đề án; quan tâm bố trí đủ nguồn lực để triển khai đồng bộ, hiệu quả nội dung giáo dục quyền con người; đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền trong nước và quốc tế về sự quan tâm của Đảng, Nhà nước về công tác giáo dục quyền con người.
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với các Bộ: GD&ĐT; LĐ-TB&XH; Quốc phòng; Công an; Tài chính; Ngoại giao; Thông tin và Truyền thông; UBND các tỉnh, thành phố và các tổ chức có liên quan triển khai việc đưa nội dung quyền con người vào chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân một cách có hiệu quả; chủ động, tích cực hợp tác, tranh thủ nguồn lực, kinh nghiệm quốc tế về giáo dục quyền con người; chú trọng công tác nghiên cứu lý luận và tổng kết thực tiễn về quyền con người để nâng cao hiệu quả giáo dục quyền con người ở nước ta…