Những lần nhà máy rác duy nhất Cà Mau đóng cửa, cả tỉnh loay hoay ứng phó
Cà Mau - Tỉnh chỉ đạo không để rác thải ùn ứ gây ô nhiễm trong dân. Chủ đầu tư khẳng định đóng cửa không phải yêu sách với chính quyền.
Nhà máy xử lý rác thành phố Cà Mau đóng cửa, rác thải nhiều nơi tại Cà Mau được gom lại chờ chôn. Ảnh: Nhật Hồ
Trao đổi với Lao Động ngày 8.7, ông Tô Hoài Dân - Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Xây dựng - Thương mại - Du lịch Công Lý - đơn vị vận hành Nhà máy rác thành phố Cà Mau - cho biết: "Tôi khẳng định là việc đóng cửa không phải yêu sách với chính quyền. Nhà máy càng vận hành càng lỗ.
Việc lỗ này được các cơ quan xác định rõ. Doanh nghiệp đang cố thực hiện theo yêu cầu của các cơ quan chức năng trong việc lập hồ sơ để trình biểu giá mới. Hiện nay đang tiếp tục điều chỉnh theo yêu cầu của ngành chuyên môn tỉnh Cà Mau".

Đây không phải lần đầu tiên Nhà máy xử lý rác thành phố Cà Mau đóng cửa. Từ khi vận hành đến nay, nhà máy này đã có ít nhất 4 lần đóng cửa.
Đó là vào các năm 2014, năm 2018, năm 2022 và năm 2025.
Trong lần tạm ngưng nhận rác năm 2022, đơn vị bảo trì, bảo dưỡng 13 hạng mục với hơn 40 danh mục thiết bị kỹ thuật có liên quan.

Đó là dịp cận Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, chính quyền tỉnh Cà Mau phải hỏa tốc chỉ đạo các đơn vị chức năng liên quan và chính quyền các địa phương trong tỉnh bằng nhiều cách khác nhau phải tổ chức tiếp nhận, thu gom, xử lý rác tại các khu đất của đơn vị quản lý, bảo đảm không để gây ô nhiễm môi trường khi nhà máy đóng cửa trong 90 ngày (tính từ 4.12.2022) để bảo trì thiết bị.

Trước đó, vào năm 2018, nhà máy này tạm ngưng để bảo trì thiết bị cũng đã khiến ùn ứ rác thải gây ô nhiễm môi trường nhiều nơi.

Mới đây nhất, như Lao Động đã thông tin, ngày 16.6.2025, Nhà máy xử lý rác duy nhất ở Cà Mau lại thông báo đóng cửa với lý do lỗ hàng trăm tỉ đồng do giá dịch vụ xử lý rác quá thấp không thể vận hành được.
Để giải quyết câu chuyện rác khi Nhà máy xử lý rác thành phố Cà Mau đóng cửa, tỉnh đưa ra phương án tập kết xử lý rác tạm thời trên tinh thần không để rác thải ùn ứ gây ô nhiễm trong dân. Trong khu vực thành phố, tạm thời sử dụng khu vực đường vào nhà máy để tập kết rác.

Các địa phương khác cũng “kích hoạt” các bãi chôn lấp rác. Trong đó, các xã của huyện Thới Bình cũ sẽ tập kết rác tại bãi chôn lấp rác hơn 41.700m2 tại ấp 6 của xã Thới Bình (cũ); các xã của huyện Cái Nước (cũ) tập kết rác tại 4 bãi chôn lấp rác thuộc địa bàn các xã Hưng Mỹ, Tân Hưng, Cái Nước và Lương Thế Trân; các xã của huyện Trần Văn Thời (cũ) tập kết rác tại bãi chôn lấp rác thải của xã Trần Văn Thời.

Tương tự, các xã của huyện U Minh cũ sử dụng bãi chôn lấp rác thải tại xã Nguyễn Phích và bãi rác xã Khánh Lâm. Các xã còn lại của huyện Phú Tân, Năm Căn và huyện Ngọc Hiển (cũ) sẽ thu gom, vận chuyển rác về bãi rác thị trấn Rạch Gốc (nay là xã Phan Ngọc Hiển) để chôn lấp.

Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tạm thời. Để giải quyết bài toán rác thải, cơ quan chức năng tỉnh Cà Mau một mặt xúc tiến cùng Công ty Công Lý để sớm vận hành lại nhà máy, mặc khác kêu gọi đầu tư ở lĩnh vực xử lý rác sau khi 2 tỉnh Bạc Liêu và Cà Mau được hợp nhất.