“Gỡ” e ngại cho người dân yên tâm đón Tết
Tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, với sự lây lan trên diện rộng và xuất hiện chủng mới Omicron. Tại một số tỉnh, thành khiến chính quyền nhiều địa phương lo lắng trước làn sóng về quê ăn Tết. Đây cũng là nỗi băn khoăn của những người xa quê muốn về đoàn tụ với gia đình.
Nhiều người vẫn còn tâm lý e ngại về quê đón Tết. (Ảnh minh họa)
Ngổn ngang trăm mối
Sau khi Thủ tướng Chính phủ cũng như Bộ Y tế có ý kiến đề nghị một số địa phương thực hiện đúng quy định và tạo điều kiện cho những người xa quê được về ăn Tết với gia đình, nhiều người dân mở cờ trong bụng nhưng còn đó lo vẫn hoàn lo vì thủ tục nhiêu khê, phức tạp và sợ bị kỳ thị.
Tết năm ngoái không được đón Xuân mới cùng người thân nên chị Mai Hiên (Văn Quán, Hà Đông, Hà Nội) khấp khởi mừng thầm chuẩn bị đồ đạc về quê ở Hạ Long – Quảng Ninh đón Tết. Mới hôm qua thôi gọi điện thoại về nhà, bố chị vẫn vui vẻ hướng dẫn cụ thể việc ra phường khai báo y tế. Nhưng đến trưa hôm sau ông đã gọi điện lại khuyên không nên về trong thời điểm này vì tình hình dịch COVID-19 ở tỉnh nhà đang rất căng.
Cùng với số gia tăng các ca nhiễm, Quảng Ninh đã phát hiện những ca bệnh chủng Omicron đầu tiên. Và điều mà người nhà chị Hiên lo ngại nhất là hàng xóm láng giềng kỳ thị người ở nơi khác về. Không muốn bố mẹ suy nghĩ, chị Mai Hiên đành hủy chuyến xe, khi vừa đặt cách đó mấy giờ đồng hồ…
Cùng chung tâm trạng, anh Ngô Xuân Trọng ở khu chung cư Linh Đàm, Hoàng Mai, Hà Nội chia sẻ, vợ chồng anh chị dự định về cả quê vợ ở Thanh Hóa và quê chồng ở Hà Nam ăn Tết vì cả năm rồi dịch bệnh hoành hành không về được. Nhưng kế hoạch cụ thể thế nào anh vẫn chưa dám quyết vì mọi thứ tùy thuộc vào diễn biến của dịch bệnh và quy định ở quê như thế nào.
Cần thấu hiểu và áp dụng chính sách cho phù hợp!
Thấu hiểu nỗi lòng của những người xa quê, nhiều đơn vị, doanh nghiệp đã linh động cho người lao động nghỉ Tết sớm để về quê, trong đó tính cả thời gian cách ly 7 ngày. Theo quan điểm của Bộ Y tế thì hiện nay, tiêm phòng vắc xin COVID-19 tại các tỉnh, thành phố đã đạt tỷ lệ cao. Để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong nước về quê nhân dịp Tết Nguyên đán năm 2022 và đảm bảo công tác phòng, chống dịch, Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo triển khai các nội dung, cụ thể:
Hướng dẫn người dân về quê nhân dịp Tết Nguyên đán thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 gồm: Thực hiện 5K, tự theo dõi sức khỏe, không phải cách ly y tế. Nếu có biểu hiện nghi ngờ mắc COVID-19 như ho, sốt, khó thở… thì hạn chế tiếp xúc và hạn chế đi lại, thông báo ngay cho y tế địa phương để được hướng dẫn, xét nghiệm SARS-CoV-2 và xử trí theo quy định; Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo đúng quy định; Kịp thời chấn chỉnh việc áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch không phù hợp…
Đây không phải lần đầu tiên Chính phủ thể hiện rõ quan điểm về việc tạo điều kiện cho những người xa quê về quê ăn Tết và Bộ Y tế đề nghị các địa phương “chấn chỉnh việc áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch không phù hợp”, nhưng dường như việc chỉ “yêu cầu”, “đề nghị”, mà không có chế tài xử phạt cụ thể khiến tình trạng “trên bảo dưới không nghe” vẫn cứ tiếp diễn. Nơi thì bắt xét nghiệm, có nơi vẫn yêu cầu cách ly… Mỗi nơi làm một kiểu khiến những người đang có nhu cầu về quê đón Tết mông lung không khỏi dùng dằng, băn khoăn trước quyết định về hay ở.
Theo Luật sư Đặng Văn Cường – Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), thời gian nghỉ Tết chỉ có 9 ngày nhưng không phải ai cũng được nghỉ đủ từng đó ngày để thực hiện các quy định cách ly. Do đó, các địa phương cần áp dụng biện pháp cách ly theo quy định phòng, chống dịch của Chính phủ, hướng dẫn của Bộ Y tế, không nên có những quy định thái quá.
Cũng theo Luật sư Cường: “Việc đưa ra các quy định phòng, chống dịch phải phù hợp với quy định của pháp luật. Còn tâm lý sợ hãi dịch, từ đó có những quy định phòng, chống dịch cực đoan sẽ ảnh hưởng tới đời sống tâm lý, sức khỏe của người dân. Vì vậy chính quyền địa phương cần xem xét lại các quy định của mình, đảm bảo thống nhất trong việc áp dụng phòng, chống dịch hiệu quả, hạn chế tối đa phiền hà, trở ngại, khó khăn cho người dân!”.
Chia sẻ về vấn đề này, Luật sư Hà Đăng Luyện (Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh) cho hay, thời kỳ bình thường mới nên chính quyền địa phương cũng cần hiểu và áp dụng chính sách cho phù hợp, không nên hiểu máy móc, có thể dẫn đến “sai lầm” trong phòng, chống dịch. Thêm vào đó, hiện nay người dân đã tiêm ít nhất 1 mũi đến 3 mũi rồi nên cũng cần sự “thấu hiểu” của chính quyền địa phương. Đặc biệt, chính sách phòng, chống dịch cần sự thấu hiểu và cần được áp dụng đồng bộ trên phạm vi cả nước. Ở đây, cơ quan chịu trách nhiệm cao nhất về chuyên môn là Bộ Y tế đã có văn bản chính thức về việc này thì chính quyền địa phương cần tôn trọng và triển khai thực hiện, trừ trường hợp có ý kiến khác khi áp dụng văn bản cho từng địa phương.