A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tìm giải pháp thúc đẩy tín dụng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch

Ngày 12/11/2024, tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tổ chức hội thảo khoa học “Tín dụng cho nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch tại Việt Nam: thực trạng và giải pháp”.

Hội thảo do Phó Thống đốc NHNN Đoàn Thái Sơn chủ trì với sự tham dự của đại diện các cơ quan quản lý nhà nước; các tổ chức chính trị - xã hội; các tổ chức tín dụng; hiệp, hội, doanh nghiệp, trường đại học, học viện thuộc lĩnh vực nông nghiệp...

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Thống đốc NHNN Đoàn Thái Sơn nhấn mạnh: Kinh nghiệm của các quốc gia đi đầu trong sản xuất nông nghiệp trên thế giới cho thấy, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch là xu hướng tất yếu nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của hàng hóa nông sản, thỏa mãn nhu cầu ngày càng cao của xã hội, thích ứng với tình hình biến đổi khí hậu, hướng tới phát triển nông nghiệp bền vững.

Tại Việt Nam, xác định tầm quan trọng của ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, nông nghiệp sạch, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 176/QĐ-TTg ngày 29/1/2010 phê duyệt Đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2020, Quyết định số 1895/QĐ-TTg ngày 17/12/2012 phê duyệt Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thuộc Chương trình Quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2020 và Quyết định số 575/QĐ-TTg ngày 04/5/2015 phê duyệt quy hoạch tổng thể khu và vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2020, định hướng đến năm 2030....

Tuy nhiên, việc phát triển nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch ở nước ta còn chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra, có những tồn tại, bất cập, hạn chế cần tiếp tục được quan tâm giải quyết. Vì vậy, Phó Thống đốc Đoàn Thái Sơn cho biết, việc tổ chức hội thảo có ý nghĩa thực tiễn cao, là cơ hội để các nhà hoạch định chính sách, cơ quan quản lý, các tổ chức tín dụng trao đổi, thảo luận, tìm ra các khoảng trống pháp lý nhằm tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách và đề xuất các giải pháp góp phần nâng cao hiệu quả cung ứng vốn và tiếp cận vốn tín dụng cho các hợp tác xã, hộ nông dân và doanh nghiệp sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch.

z6023928744049_e536303ce15bf1c8e5bb1b01167aaee8.jpg

Phó Thống đốc NHNN Đoàn Thái Sơn phát biểu khai mạc hội thảo

Vốn tín dụng ngân hàng luôn ưu tiên cho nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch

Tại hội thảo, bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế cho biết, thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, trong những năm qua, NHNN đã ban hành/trình cấp có thẩm quyền ban hành nhiều chính sách ưu đãi đối với lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, như: NHNN đã trình Chính phủ đã ban hành Nghị định 55/2015/NĐ-CP ngày 9/6/2015 và Nghị định 116/2018/NĐ-CP ngày 27/9/2018 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 55/2015/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, trong đó quy định nhiều cơ chế tín dụng ưu đãi khuyến khích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, như: được ngân hàng xem xét cho vay không có tài sản bảo đảm tối đa từ 70-80% giá trị của dự án, phương án; cơ chế xử lý rủi ro do nguyên nhân khách quan, bất khả kháng (cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ, khoanh nợ); ban hành các Thông tư hướng dẫn triển khai Nghị định 55 để hỗ trợ các tổ chức tín dụng cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn...

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và NHNN, các TCTD đã chủ động trong việc ban hành các sản phẩm, chính sách cho vay nội bộ và tìm kiếm khách hàng thực hiện dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao để thẩm định và xem xét cho vay. Đáng chú ý, doanh số cho vay nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch lũy kế từ khi triển khai theo Nghị quyết 30/NQ-CP đến nửa đầu năm 2022 đạt trên 110 nghìn tỷ đồng, vượt 10 nghìn tỷ đồng so với quy mô ban đầu (100 nghìn tỷ đồng).

Đối với cho vay lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo quy định tại Nghị định 55/2015/NĐ-CP và Nghị định 116/2018/NĐ-CP đạt kết quả đáng khích lệ, cụ thể: đến cuối tháng 9/2024, dư nợ cho vay lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt khoảng 27 nghìn tỷ đồng, với trên 9.100 khách hàng còn dư nợ; doanh số cho vay năm 2022 khoảng 15 nghìn tỷ đồng, năm 2023 trên 20 nghìn tỷ đồng, 9 tháng năm 2024 đạt khoảng 17 nghìn tỷ đồng; nợ quá hạn ở mức thấp (chiếm tỷ lệ khoảng 1,1% tổng dư nợ).

Chia sẻ góc nhìn thực tế từ ngân hàng thương mại, ông Nguyễn Văn Bách, Trưởng ban Chính sách tín dụng, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, trong chiến lược kinh doanh, Agribank luôn xác định cho vay nông nghiệp, nông thôn trong đó có nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch là lĩnh vực ưu tiên. Theo đó, ngân hàng đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, qua đó giúp khách hàng tiếp cận vốn vay kịp thời để phát triển sản xuất kinh doanh. Đến nay, doanh số cho vay từ khi bắt đầu triển khai chương trình tín dụng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch của Agribank đã đạt trên 35.000 tỷ đồng, với hơn 40.000 lượt khách hàng vay vốn (trong đó, hơn 98% khách hàng là cá nhân, hộ gia đình, chủ trang trại,...).

Cũng là một trong những ngân hàng tích cực triển khai cho vay nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, đại diện Ngân hàng TMCP Bắc Á (BAC A BANK) cho biết, đến nay, ngân hàng đã tư vấn đầu tư và cấp tín dụng cho một thế hệ khách hàng phát triển bền vững, đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ cao, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và an sinh xã hội như nông - lâm - ngư nghiệp, dược liệu sạch, y tế và giáo dục… với nhiều dự án thành công như: Dự án chăn nuôi bò sữa ứng dụng công nghệ cao quy mô công nghiệp lớn của Tập đoàn TH tại Nghĩa Đàn, Nghệ An; Dự án trồng và chiết xuất dược liệu sạch…

“Tín dụng xanh đang là xu thế và đang được khuyến khích nên sẽ có những ưu đãi, doanh nghiệp khi tiếp cận được nguồn vốn này sẽ được hưởng ưu đãi từ cơ chế chính sách và các gói tín dụng của ngân hàng, như: ưu đãi về lãi suất, ưu đãi về thời gian vay và thời gian trả nợ”, đại diện BAC A Bank chia sẻ và cho biết thêm, ngân hàng đang triển khai nhiều chương trình tín dụng xanh với lãi suất ưu đãi, ưu tiên về tiếp nhận và xử lý hồ sơ, cũng như tạo mọi điều kiện thuận lợi cho khách hàng.

z6023928757715_284d92020318f710c863d0fafc07e3d9.jpg

Quang cảnh hội thảo

Vẫn còn thách thức, cần giải pháp đồng bộ

Dù đã đạt được những kết quả tích cực, tuy nhiên các đại biểu tham dự hội thảo cũng chỉ ra rằng, việc cung ứng tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch thời gian qua còn gặp những khó khăn, vướng mắc.

Chia sẻ tại hội thảo, đại diện Tập đoàn TH cho biết, TH và các doanh nghiệp khác nhìn chung vẫn khó tiếp cận các nguồn tín dụng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch. Nguồn này chủ yếu đến từ các quỹ đầu tư quốc tế và việc tiếp cận, đáp ứng các tiêu chí của họ không hề đơn giản.

“Ngay cả đối với các ngân hàng trong nước thì quá trình cấp tín dụng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch cũng gặp những khó khăn do rất khó xác định thế nào là một dự án “xanh”. Định nghĩa và tiêu chí để xác định một dự án "xanh" hiện được các tổ chức tín dụng áp dụng chưa rõ ràng và đồng nhất cũng dẫn đến khó khăn trong quá trình xét duyệt”, đại diện Tập đoàn TH bày tỏ.

Các khó khăn, vướng mắc dưới góc nhìn cơ quan quản lý được bà Hà Thu Giang chỉ ra, có thể kể đến như: các dự án nông nghiệp công nghệ cao thường yêu cầu vốn vay lớn, thời gian dài, trong khi sản xuất nông nghiệp luôn tiềm ẩn rủi ro, các công cụ phòng ngừa và hạn chế rủi ro còn chậm triển khai; số lượng các dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch hiện nay còn hạn chế, nhiều dự án chưa được đầu tư bài bản, chưa chứng minh được tính khả thi, hiệu quả, thị trường tiêu thụ không ổn định..., nên các ngân hàng khó khăn trong thẩm định và quyết định cho vay; việc công nhận khu, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao còn chậm...

Bổ sung thêm các khó khăn, vướng mắc trong thực tế triển khai cho vay, ông Nguyễn Văn Bách cho rằng, các chính sách liên quan đến phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch còn nhiều những bất cập, như: việc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản trên đất nông nghiệp, tạo điều kiện hỗ trợ khách hàng làm thủ tục thế chấp vay ngân hàng còn gặp nhiều khó khăn; tiêu chí xác định chương trình, dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch còn chưa cụ thể, chưa quy định cơ quan nào xác nhận các tiêu chí của dự án, nên ngân hàng thiếu căn cứ để xác định cho vay...

Ngoài ra, nguồn vốn đầu tư để phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch còn thiếu; việc tích tụ đất đai và kết cấu hạ tầng ở khu vực nông thôn còn nhiều bất cập; khó khăn về nghiên cứu và chuyển giao công nghệ; tính tuân thủ của các bên khi tham gia chuỗi giá trị và thị trường bảo hiểm nông nghiệp vẫn chưa phát triển tương xứng; thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp còn hạn hẹp, không ổn định; chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực nông nghiệp vẫn còn nhiều bất cập so với yêu cầu phát triển và hội nhập... cũng là những khó khăn nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch đang phải đối mặt.

Trước những khó khăn các ngân hàng, doanh nghiệp đang gặp phải, để đẩy mạnh đầu tư tín dụng có hiệu quả phục vụ phát triển nông nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao, Phó Thống đốc Đoàn Thái Sơn cho biết, thời gian tới sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng, lãi suất linh hoạt, phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế, tạo điều kiện giảm lãi suất thị trường; phối hợp với các bộ ngành, đơn vị liên quan hoàn thiện Báo cáo tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện Nghị định 55/2015/NĐ-CP, Nghị định 116/2018/NĐ-CP, đề xuất sửa đổi, bổ sung chính sách.

NHNN tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng triển khai có hiệu quả chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn (trong đó có chính sách cho vay ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp) theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP và Nghị định 116/2018/NĐ-CP; triển khai một số chương trình cho vay, như: chương trình cho vay lĩnh vực lâm sản, thủy sản; chương trình cho vay Phát triển bền vững 1 triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao và giảm phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL; đơn giản hóa quy trình, thủ tục nội bộ; đa dạng hóa các sản phẩm tín dụng tăng khả năng tiếp cận vốn cho người dân và doanh nghiệp…

Bên cạnh các giải pháp của ngành Ngân hàng, cần có sự phối hợp của các bộ, ngành liên quan để nâng cao hiệu quả đầu tư vốn tín dụng phục vụ lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, góp phần thực hiện thành công Kế hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp, trong đó, tập trung vào một số giải pháp chính về: quy hoạch, đánh giá, dự báo về nhu cầu thị trường đối với sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao làm cơ sở định hướng phát triển nông nghiệp công nghệ cao; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ các doanh nghiệp tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm, khuyến khích mạnh mẽ hơn việc ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển thương mại điện tử, tăng cường số hóa và ứng dụng kinh tế chia sẻ trong nông nghiệp; hoàn thiện đồng bộ các văn bản hướng dẫn Luật Đất đai 2024, tổ chức thực hiện có hiệu quả các chính sách mới đặc biệt là các chính sách về đất nông nghiệp như tập trung, tích tụ đất nông nghiệp để phục vụ hoạt động sản xuất nông nghiệp hàng hóa, tập trung, quy mô lớn.

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật