A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cuối năm, cảnh giác với chiêu trò lừa đảo mới qua mạng xã hội

Gần đây, cơ quan chức năng liên tục cảnh báo về hình thức lừa đảo đang nở rộ ở nhiều thành phố lớn, kẻ gian giả danh cán bộ cơ quan thuế, nhân viên ngân hàng, dịch vụ công gọi điện thông báo sai sai dữ liệu dân cư; mời mở thẻ ngân hàng…Các đối tượng đe dọa hoặc thúc ép người dùng tải và cài đặt phần mềm độc hại với mục đích đánh cắp thông tin nhằm chiếm đoạt tài sản của người dùng.

Nhiều thủ đoạn lừa đảo mới

Mới đây, hệ thống tiếp nhận phản ánh tin nhắn rác của Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam (VNCERT/CC) ghi nhận nhiều phản ánh với nội dung “mạo danh nhân viên ngân hàng gọi điện thông báo các nội dung liên quan đến thẻ tín dụng với mục đích lừa đảo, đánh cắp thông tin nhằm chiếm đoạt tài sản của người dùng”. Hình thức lừa đảo là giả mạo là nhân viên ngân hàng gọi điện/nhắn tin mời chào mở thẻ tín dụng, thẻ phi vật lý online và hướng dẫn khách hàng nộp tiền vào tài khoản, sử dụng các dịch vụ thẻ.

Các đối tượng gọi điện dụ dỗ người dùng kết bạn/tham gia hội nhóm qua mạng xã hội (Zalo, telegram…) để trao đổi trực tiếp, hối thúc khách hàng click vào đường link giả mạo dẫn tới website giả mạo. Sau khi click vào link giả mạo, người dùng sẽ được tiếp tục yêu cầu nhập thông tin cá nhân như: Họ và tên, CMT/CCCD, chụp ảnh CMT/CCCD 2 mặt, số thẻ, mã bí mật CVV, ngày hết hạn thẻ và OTP gửi về số điện thoại, thông tin đăng nhập user và password tài khoản ngân hàng…. Ngay sau khi nhập/cung cấp mã OTP, kẻ gian sẽ chiếm được quyền sử dụng tài khoản ngân hàng và thực hiện giao dịch chiếm đoạt tiền của khách hàng.

Tin nhắn lừa đảo mới liên quan đến thẻ tín dụng

Tin nhắn lừa đảo mới liên quan đến thẻ tín dụng

Trước tình trạng trên, Trung tâm VNCERT/CC khuyến cáo người dân thận trọng trả lời khi nhận được các cuộc gọi điện nội dung mời chào mở thẻ tín dụng, thẻ phi vật lý online, những tin nhắn có đường dẫn yêu cầu cung cấp thông tin số thẻ, mã xác thực OTP, số CVV2/CVC2 (ba số bảo mật ở mặt sau của thẻ tín dụng) hoặc bất kỳ thông tin cá nhân qua mạng xã hội (Zalo, Telegram…);

Tuyệt đối không cung cấp mã xác thực OTP/Smart OTP cho bất kỳ ai kể cả nhân viên ngân hàng; cảnh giác với các tin nhắn, cuộc gọi, email yêu cầu quét mã QR hoặc truy cập đường link lạ.

Khi nhận được các tin nhắn, cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo cần lưu lại các bằng chứng (tin nhắn hoặc ghi âm cuộc gọi) thực hiện phản ánh tới doanh nghiệp viễn thông quản lý thuê bao để yêu cầu xử lý; bên cạnh đó cung cấp các bằng chứng đã có tới các cơ quan chức năng của Bộ Công an nơi gần nhất đề nghị xử lý vi phạm theo đúng quy định của pháp luật.

Trước đó vào ngày 7/11, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Tuyên Quang đã khởi tố 34 bị can tại 24 tỉnh, thành phố trong chuyên án đấu tranh, triệt xóa đường dây hoạt động phạm tội lừa đảo trên không gian mạng, sử dụng công nghệ cao có quy mô lớn với số tiền chiếm đoạt hơn 16,4 tỷ đồng.

Nhóm đối tượng liên quan chủ yếu có độ tuổi dưới 30 tuổi, bị khởi tố liên quan các tội danh "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", "Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức", "Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản và đánh bạc".

Từ cuối tháng 11/2022 đến nay, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, môi trường, phối hợp với Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - Công an tỉnh Tuyên Quang cùng các đơn vị liên quan tiến hành điều tra, làm rõ phương thức, thủ đoạn, hành vi phạm tội, bắt giữ các đối tượng phạm pháp, trong đó các đối tượng chủ mưu, cầm đầu đường dây "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", "Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức", "Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản và đánh bạc".

Thủ đoạn của các đối tượng sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, lợi dụng các sơ hở, thiếu sót trong công tác quản lý cho vay trực tuyến để lừa đảo chiếm đoạt tiền của một công ty tài chính...

Các đối tượng sử dụng mạng xã hội, mua bán dữ liệu cá nhân, thuê tài khoản ngân hàng; thực hiện các chiêu thức tinh vi để kiểm tra, xác định thông tin những người đủ điều kiện vay tiền; dùng sim rác, ứng dụng, chỉnh sửa ảnh, tài liệu, làm giả hồ sơ vay tiền… để chiếm đoạt tiền của công ty.

Cơ quan Công an đã xác định có 282 cá nhân bị các đối tượng lợi dụng, lấy thông tin để lập 282 hợp đồng vay tiền giả với tổng số tiền chiếm đoạt trên 16,4 tỷ đồng. Đồng thời, phong toả 7 tài khoản ngân hàng, tạm giữ số tiền trên 705 triệu đồng; thu giữ 1 xe ô tô, 3 máy in màu, 4 cây máy tính, 7 máy tính xách tay, 4 máy tính bảng, 157 điện thoại di động, 3 GSM Modem (khay cắm sim di động) và nhiều sổ sách, giấy tờ liên quan. Hiện Công an tỉnh Tuyên Quang tiếp tục điều tra mở rộng chuyên án.

Các đối tượng liên quan đường dây lừa đảo trên không gian mạng vừa bị Công an tỉnh Tuyên Quang triệt phá

Các đối tượng liên quan đường dây lừa đảo trên không gian mạng vừa bị Công an tỉnh Tuyên Quang triệt phá

Liên tục gọi điện quấy rối để giăng bẫy

Theo thống kê của Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông, trong năm 2023, số lượng các vụ lừa đảo công nghệ cao tăng gần 70% so với năm 2022. Các đối tượng lừa đảo với nhiều chiêu bài trên không gian mạng và qua các cuộc gọi, tin nhắn điện thoại, khiến nhiều người nhẹ dạ cả tin mất sạch tiền.

Không những thế, thủ đoạn lừa đảo của các đối tượng ngày càng tinh vi. Trong đó có một chiêu thức mới, khi người dùng tắt máy điện thoại là chính thức “sập bẫy” của các đối tượng lừa đảo.

Cụ thể, các đối tượng lừa đảo thông qua mạng xã hội sẽ dễ dàng mua được các thông tin cá nhân như họ tên, số thẻ ngân hàng, số căn cước công dân, số điện thoại di động... Sau khi mua được các thông tin đó một cách bất hợp pháp, chúng bắt đầu các trò lừa đảo.

Đầu tiên, mục tiêu chúng nhắm đến là những người sử dụng ứng dụng thanh toán hoặc ứng dụng mua sắm trực tiếp cho phép người dùng có thể lấy mật khẩu bằng cách đọc đúng thông tin cá nhân hoặc các ứng dụng cho phép sử dụng số điện thoại dự phòng để thực hiện giao dịch.

Sau đó, các đối tượng liên tục gọi điện thoại cho những người sử dụng ứng dụng thanh toán hoặc mua sắm trực tiếp. Khi người dùng cảm thấy phiền và tắt máy hoặc chuyển sang chế độ máy bay để không bị làm phiền tức là người đó đã rơi vào “bẫy” của những đối tượng lừa đảo.

Khi chắc chắn nạn nhân đã tắt máy, đối tượng lừa đảo gọi điện thoại lên tổng đài của ứng dụng bằng một số điện thoại khác và báo mất điện thoại hoặc báo quên mật khẩu, cần đổi sang điện thoại mới hoặc lấy lại mật khẩu.

Vì các ứng dụng này chỉ yêu cầu đọc đúng số căn cước và một số thông tin khác qua điện thoại, nên kẻ xấu có thể dễ dàng vượt qua bước này bằng những thông tin đã mua được trước đó. Sau khi lấy được mật khẩu mới, kẻ xấu sẽ thành công truy cập vào tài khoản ứng dụng của nạn nhân và bắt đầu thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.

Cơ quan công an khuyên cáo, khi gặp tình huống bị quấy rối bởi số lạ, người dùng đừng vội vàng tắt máy. Việc nên làm đầu tiên là gọi điện thoại đến số máy chăm sóc khách hàng của nhà mạng và báo cáo về sự việc liên tục nhận được các cuộc gọi rác, tin nhắn rác. Ngoài ra, trong các hoạt động giao dịch trực tuyến, người dùng nên sử dụng hình thức bảo mật gắn với mã xác minh thời gian thực (mã OTP) và tuyệt đối không cung cấp mã OTP cho bất cứ ai.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan