A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Ngăn chặn lừa đảo xuất khẩu lao động ở Đắk Lắk

Tỉnh Đắk Lắk có nhiều người mong muốn được tham gia chương trình xuất khẩu lao động để có việc làm, tăng thu nhập cho gia đình. Nắm được tâm lý đó, kẻ gian đã tung ra nhiều phương thức, thủ đoạn để lừa đảo người tham gia xuất khẩu lao động.

Ngăn chặn lừa đảo xuất khẩu lao động ở Đắk Lắk

Cán bộ chức năng ở Đắk Lắk tuyên truyền giới thiệu việc làm gắn với hỗ trợ xuất khẩu lao động cho người dân khu vực vùng sâu, vùng xa. Ảnh: Bảo Trung

Không nghe theo những thông tin không chính thống

Ông Nguyễn Quang Thuân - Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) tỉnh Đắk Lắk cho biết, thời gian qua, trên các mạng xã hội xuất hiện tình trạng một số tổ chức, cá nhân lợi dụng thông tin về chương trình đi làm việc tại Australia (Úc) trong ngành nông nghiệp để lừa đảo.

Các đối tượng đã làm giả đăng giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) cấp, đăng các thông tin giới thiệu về chương trình với các nội dung hấp dẫn... Sau đó, các đối tượng đề nghị người lao động chuyển trước một khoản tiền để làm các thủ tục xuất cảnh. Nhận được tiền, các đối tượng xóa dấu vết trên mạng, bỏ trốn...

Liên quan đến vấn đề này, Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐTBXH) đã phát đi cảnh báo về tình trạng nhiều tổ chức, cá nhân có dấu hiệu lừa đảo đưa lao động có thời vụ sang Hàn Quốc làm việc trái phép.

Toàn quốc hiện có 17 tỉnh, thành phố ký thỏa thuận với địa phương của Hàn Quốc để đưa lao động thời vụ đi làm việc theo diện visa E8 (trong đó có tỉnh Đắk Lắk). Visa E8 là lao động thời vụ ngắn hạn chủ yếu làm nông nghiệp theo chương trình hợp tác của tỉnh phối hợp với tỉnh của Hàn Quốc. Tại tỉnh Đắk Lắk chỉ duy nhất huyện Ea Sup là có tuyển Visa E8.

Bà Trần Thị Minh Lý - Trưởng phòng Lao động, Việc làm và Giáo dục nghề nghiệp (Sở LĐTBXH tỉnh Đắk Lắk) chia sẻ, thời gian qua, cơ quan chức năng đã nhiều lần cảnh báo, khuyến cáo người lao động. Nhưng vẫn tiếp tục xảy ra tình trạng đối tượng môi giới đưa tin, lừa đảo người lao động có nhu cầu đi làm việc thời vụ trong lĩnh vực nông nghiệp tại Hàn Quốc theo diện visa E8.

“Người dân tuyệt đối không nghe theo các thông tin quảng cáo không chính thống” - bà Trần Thị Minh Lý khuyến cáo.

Đã có gần 1.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài

Giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Đắk Lắk đặt mục tiêu giải quyết việc làm cho 150.000 người. Trong đó, địa phương phấn đấu đưa 7.000 - 7.500 người đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Từ đầu năm 2024 đến nay, toàn tỉnh đã có gần 1.000 lao động ra nước ngoài làm việc có thời hạn và hơn 200 lượt lao động ra nước ngoài làm việc theo thời vụ.

Bà Trần Thị Minh Lý cho hay, tỉnh Đắk Lắk đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong xuất khẩu lao động, góp phần thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn tiếp diễn tình trạng lệch pha giữa cung - cầu lao động. Mặt khác, kỹ năng mềm của người lao động còn yếu, nên kết quả kết nối cung - cầu lao động chưa cao. Hiện nay, thông tin tuyên truyền về xuất khẩu lao động rất nhiều, đặc biệt là từ các công ty ngoài tỉnh gây rối loạn thông tin, làm mất lòng tin của người lao động... Từ thực trạng trên, trong thời gian tới, cơ quan chức năng của tỉnh sẽ tạo điều kiện và phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp để tư vấn và tuyển dụng lao động. Song song với đó, tiếp tục thực hiện có hiệu quả chính sách hỗ trợ vay vốn để duy trì, mở rộng và tạo việc làm trong nước; vay vốn đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng từ Quỹ quốc gia về việc làm và từ nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội. Đặc biệt, trang bị kiến thức, kỹ năng cần thiết cho NLĐ.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật