A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chung tay triển khai hiệu quả gói hỗ trợ lãi suất 2% (Bài 6)

Để tháo gỡ khó khăn/vướng mắc các ngân hàng đang gặp phải trong quá trình triển khai Nghị định 31/2022/NĐ-CP, giới chuyên môn và các ngân hàng cho rằng, cơ quan quản lý cần chung tay tháo gỡ về mặt cơ chế, chính sách, giúp các ngân hàng có thể đẩy nhanh tiến độ giải ngân trong thời gian tới.

Chia sẻ của các ngân hàng trong bài viết trước đăng tải trên Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ, đã nêu rõ những “nút thắt” đang gặp phải trong quá trình triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2% từ nguồn vốn ngân sách. “Nút thắt” nảy sinh ở rất nhiều khâu như xác định đối tượng hỗ trợ lãi suất; vướng mắc liên quan đến hồ sơ, chứng từ chứng minh mục đích sử dụng vốn vay; đánh giá khả năng phục hồi của khách hàng; doanh nghiệp hoạt động kinh doanh đa ngành; tiêu chí để ngân hàng cho vay…. Do đó, muốn đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn từ chương trình sẽ có nhiều việc phải tập trung giải quyết.

Hình minh họa - Nguồn: Sacombank

Xem xét lại quy định về điều kiện và đối tượng hỗ trợ lãi suất

“Vì là tiền ngân sách nhà nước nên chúng tôi đã triển khai từ đơn vị cho đến hội sở hết sức thận trọng, chặt chẽ, để dòng vốn hỗ trợ được triển khai đúng mục đích, đúng đối tượng nhằm tránh sai sót trong công tác kiểm tra, kiểm toán sau này”, ông Đào Nguyên Vũ, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) khẳng định.

Để giải quyết “nút thắt” liên quan đến xác định đối tượng được hỗ trợ lãi suất, ông Đào Nguyên Vũ đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành nên mở rộng đối tượng khách hàng (ví như các doanh nghiệp hoạt động đa ngành), ngoài những ngành nghề được thụ hưởng theo quy định của chương trình. Bởi ngoài 9 ngành nghề, phần lớn khách hàng lại hoạt động đa ngành. Do đó, nên có tỷ lệ quy định trong các hoạt động đa ngành, 9 ngành được hỗ trợ chiếm tỷ trọng bao nhiêu giúp các ngân hàng yên tâm xem xét hỗ trợ lãi suất. Ngoài ra, những ngành sản xuất trong đó có hoạt động thương mại cũng nên có quy định để các ngân hàng yên tâm.

Cùng chung quan điểm, ông Phạm Toàn Vượng, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) đề nghị, Chính phủ và các bộ, ngành và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) xem mở rộng đối tượng hỗ trợ lãi suất, cụ thể là với khách hàng hộ kinh doanh không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

Agribank cũng đề nghị, NHNN hướng dẫn, chủ trì phối hợp với Kiểm toán Nhà nước, cơ quan quản lý Nhà nước thống nhất các nội dung trong triển khai Chương trình hỗ trợ lãi suất theo Nghị định 31, đặc biệt là các nội dung về hóa đơn, chứng từ chứng minh mục đích sử dụng vốn đối với khách hàng khi giải ngân tiền mặt trên 100 triệu đồng và sử dụng bảng kê thu mua hàng hóa, dịch vụ.

Đối với các trường hợp khách hàng đã giải ngân và ký hợp đồng tín dụng từ ngày 1/1/2022 đang trong quá trình hoàn thiện hồ sơ, thống nhất về đối tượng và điều kiện áp dụng đã quá kỳ hạn trả lãi, ông Phạm Toàn Vượng đề nghị: “NHNN, các bộ, ngành xem xét cho phép các tổ chức tín dụng thống kê và hạch toán bổ sung hỗ trợ lãi suất đối với các khách hàng này”.

Đại diện Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank), ông Nguyễn Việt Cường, Phó Tổng Giám đốc mong muốn NHNN phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cùng các bộ, ngành khác có liên quan có hướng dẫn cụ thể hơn tiêu chí khách hàng có khả năng phục hồi trong phạm vi đối tượng khách hàng được hưởng hỗ trợ lãi suất.

Để triển khai hiệu quả gói hỗ trợ lãi suất tránh phát sinh những hệ lụy xấu trong tương lai, các NHTM đều cho rằng, không thể vì hỗ trợ doanh nghiệp mà cấp tín dụng tràn lan, thực tế, vẫn phải chú trọng đến hiệu quả đề án vay vốn, khả năng trả nợ của doanh nghiệp.

Giới chuyên môn cũng đều thống nhất với Chỉ thị số 03/2022/CT-NHNN vừa được NHNN ban hành, trong đó có nhấn mạnh đến việc không thể nới điều kiện cho vay. Các chuyên gia thuộc MSB Research nhấn mạnh: “việc cho vay phải dựa trên điều kiện tín dụng chặt chẽ, vì đây là khoản vay có rủi ro. Và rủi ro này có thể nói là cao hơn các khoản vay cho doanh nghiệp có sức khỏe tốt; đồng thời đây không chỉ là rủi ro ở ngân hàng cho vay, mà là rủi ro của cả hệ thống ngân hàng”.  

Các bộ, ngành cam kết đồng hành để gói hỗ trợ lãi suất đạt hiệu quả

Trước những khó khăn vướng mắc các ngân hàng đang gặp khi triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2% từ nguồn vốn ngân sách nhà nước, chia sẻ tại “Hội nghị trực tuyến toàn quốc phổ biến, giải đáp, tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất” do NHNN tổ chức mới đây, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, nếu cần mở rộng đối tượng thụ hưởng chính sách thì cần phải đánh giá kỹ lưỡng tác động của chính sách khi mở rộng đối tượng, cân đối nguồn lực của nhà nước trong khi nguồn lực còn có hạn, quan trọng nhất là phải có số liệu thực tế phản ánh tính chính xác, phân tích đầy đủ. Trên cơ sở đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ phối hợp với NHNN kiến nghị lên cấp có thẩm quyền.

Còn đối với vướng mắc liên quan đến đánh giá một số tiêu chí mang tính chất định tính, ví như “có khả năng trả nợ, có khả năng phục hồi”, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, sẽ phối hợp với NHNN xem xét để có những hướng dẫn cụ thể.

Về mục đích và phạm vi vay vốn, đại diện các bộ, ngành cho rằng, rất đa dạng và được đan chéo với nhau, trong rất nhiều trường hợp rất khó để tách biệt. Tuy nhiên, khi căn cứ vào câu chữ của Nghị định, đại diện Bộ Tư pháp cho rằng, có những giải pháp kỹ thuật, có cơ sở để triển khai được.

Đối với nội dung xác định doanh nghiệp “có khả năng phục hồi”, đại diện Bộ Tư pháp cho biết, Bộ đồng ý với giải pháp kỹ thuật được đưa ra ở đây là Chính phủ giao cho các ngân hàng thương mại đánh giá, vì các ngân hàng là người cho vay sẽ hiểu đối tượng vay và đánh giá chính xác nhất khả năng trả nợ, phục hồi của đối tượng vay.

“Thời gian tới, NHNN, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cùng các bộ, ngành có liên quan cùng tham gia tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đảm bảo mục tiêu cuối cùng là áp dụng pháp luật một cách thống nhất và tạo thuận lợi cho các TCTD triển khai trong thực tiễn cũng như tạo thuận lợi cho quá trình thanh tra, kiểm tra sau này. Như vậy sẽ đạt được tính khả thi của chương trình hỗ trợ”, đại diện Bộ Tư pháp nhấn mạnh.

Đối với kiến nghị của các ngân hàng về mở rộng đối tượng, đại diện Bộ Tư pháp cho biết: “Bộ Tư pháp cũng có trao đổi và đề xuất cụ thể Bộ Kế hoạch và Đầu tư để rà soát lại nhằm đảm bảo tính khả thi và phù hợp với bối cảnh mới, quá trình phục hồi sau đại dịch COVID-19”.

Về phía Bộ Tài chính, ông Nguyễn Hoàng Dương, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính - Ngân hàng (Bộ Tài chính) cho biết, thời gian qua, Bộ Tài chính đã phối hợp chặt chẽ với NHNN, Bộ Kế hoạch và Đầu tư để triển khai quyết liệt chương trình này. Liên quan trực tiếp đến Bộ Tài chính có hai nội dung, về bố trí nguồn, quy trình, thủ tục về quyết toán hồ sơ đã được quy định rất rõ trong các văn bản quy phạm pháp luật, nếu trong quá trình triển khai có vướng mắc hoặc chưa rõ, Bộ Tài chính sẵn sàng phối hợp và có những hướng dẫn cụ thể.

Đại diện Bộ Tài chính cũng khẳng định: “Nguồn vốn thực hiện chương trình cơ bản đã được bố trí. Bộ Tài chính cam kết sẽ thực hiện cấp kinh phí theo đúng các quy định và kịp thời, đảm bảo cho các ngân hàng có nguồn lực để triển khai chương trình này. Về khâu quyết toán cuối cùng, trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ phối hợp với NHNN, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có những giải đáp một cách thống nhất và rõ ràng”.

Đánh giá cao ngành Ngân hàng nói chung và các ngân hàng đã và đang triển khai tích cực chương trình hỗ trợ lãi suất,  do đó, để chương trình triển khai có hiệu quả, đại diện Văn phòng Chính phủ đề nghị: “các bộ, ngành có liên quan khẩn trương phối hợp cùng tháo gỡ các vướng mắc các ngân hàng đang gặp phải để quá trình triển khai Nghị quyết 31 đạt hiệu quả”.

Dưới góc nhìn của chuyên gia tài chính ngân hàng, PGS.TS Nguyễn Thị Mùi, Ủy viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính và tiền tệ quốc gia cho rằng, để đẩy nhanh hoạt động giải ngân gói hỗ trợ lãi suất cần có sự chỉ đạo sát sao từ Chính phủ, sự vào cuộc đồng bộ của các bộ ngành, địa phương và đối tượng được thụ hưởng. Trong đó, Chính phủ cần chỉ đạo một số bộ, ngành có liên quan rà soát một số điều kiện để đối tượng thụ hưởng phải đáp ứng, cũng như một số quy định đối với việc xét duyệt cho vay của NHTM. Các doanh nghiệp thuộc đối tượng thụ hưởng từ chương trình đang chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch COVID-19, họ rất cần phải được hỗ trợ vốn. Vì thế, Chính phủ nên chỉ đạo các bộ, ngành có liên quan, nới điều kiện cho các đối tượng thụ hưởng theo hướng đơn giản, trong một chừng mực nhất định phải chấp nhận một tỷ lệ rủi ro nhất định, có như vậy mới đẩy nhanh tiến độ thẩm định, giải ngân.

Đối với các các doanh nghiệp thuộc đối tượng được thụ hưởng, PGS.TS Nguyễn Thị Mùi lưu ý: “cần nhanh chóng hoàn thiện hệ thống sổ sách kế toán, tài chính. Bởi, sự rõ ràng, minh bạch, kịp thời về thông tin tài chính, kế toán, là điều kiện cần thiết và rất quan trọng để NHTM đánh giá thực trạng về năng lực tài chính của khách hàng… Từ đó, đưa ra các quyết định cho vay”.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật