A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đảm bảo yếu tố đặc trưng, đặc thù của Luật Thủ đô

Không chỉ nhận diện Luật Thủ đô trong bối cảnh mới, điều kiện mới, phân tích những cơ hội, thách thức đặt ra trong việc triển khai, các ý kiến tại hội thảo còn bổ sung thêm các căn cứ thực tiễn để triển khai Luật Thủ đô đi vào cuộc sống, bảo đảm yếu tố đặc trưng, đặc thù của Luật.

Sáng 14/11, Thành ủy, HĐND, UBND TP Hà Nội phối hợp với Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản tổ chức Hội thảo khoa học “Triển khai Luật Thủ đô số 39/2024/QH15: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn”.

Tham dự hội thảo về phía Trung ương có: PGS.TS Lê Hải Bình, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản cùng các đồng chí trong Ban Biên tập Tạp chí Cộng sản, đại diện lãnh đạo các bộ, ngành liên quan của Trung ương.

Về phía TP Hà Nội có: Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Phong, Phó Chủ tịch HĐND TP Phạm Quí Tiên, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TP Phạm Thị Thanh Mai, cùng đại diện lãnh đạo các đơn vị liên quan của TP.

Đảm bảo yếu tố đặc trưng, đặc thù của Luật Thủ đô
Các đại biểu chủ trì hội thảo

Nhận diện Thủ đô trong bối cảnh mới

Luật Thủ đô có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025. Luật gồm 7 chương, 54 điều (tăng 3 chương, 27 điều so với Luật Thủ đô năm 2012), bám sát 5 quan điểm chỉ đạo xây dựng dự thảo và 9 nhóm chính sách đã được Quốc hội quyết định với nhiều nội dung mới, hướng đến việc phân quyền, phân cấp mạnh mẽ trên các lĩnh vực... cùng nhiều giải pháp chính sách đặc thù, vượt trội, phù hợp với tình hình thực tiễn, định hướng phát triển đất nước, Thủ đô Hà Nội trong giai đoạn mới.

Theo PGS.TS Lê Hải Bình, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản, đây là luật có ý nghĩa đặc biệt vì Hà Nội là trung tâm chính trị, hành chính, văn hóa và kinh tế quan trọng của cả nước. Luật Thủ đô đã xóa nhiều rào cản hành chính, tháo gỡ các điểm nghẽn, đáp ứng nhu cầu phát triển ngày càng cao của Hà Nội trong bối cảnh đô thị hóa nhanh chóng, đồng thời khơi thông pháp lý để Thủ đô Hà Nội phát triển một cách bền vững và hiện đại.

Đảm bảo yếu tố đặc trưng, đặc thù của Luật Thủ đô
PGS.TS Lê Hải Bình phát biểu đề dẫn hội thảo
Tại hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận vào 5 nhóm vấn đề: (1)Xây dựng hệ thống các văn bản, quy định, giải pháp để cụ thể hoá các cơ chế, chính sách đặc thù; (2) các giải pháp, cơ chế, chính sách cụ thể trên tất cả các lĩnh vực; (3)kinh nghiệm quốc tế; (4)cơ chế, chính sách mới chưa được quy định trong Luật Thủ đô; (5) nội dung cần tiếp tục nghiên cứu để có đóng góp thêm vào những thể chế, chính sách lớn của đất nước mà trong Luật Thủ đô chưa đề cập đến...

Hội thảo khoa học “Triển khai Luật Thủ đô số 39/2024/QH15: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn” được tổ chức nhằm làm rõ những vấn đề lý luận và thực tiễn thúc đẩy việc ban hành Luật Thủ đô (Luật số 2024/QH15); tuyên truyền nâng cao nhận thức về ý nghĩa, vai trò của Luật Thủ đô trong xây dựng và phát triển Thủ đô; nhận diện Luật Thủ đô trong bối cảnh mới, điều kiện mới, phân tích những cơ hội, thách thức đặt ra trong việc triển khai Luật Thủ đô.

Cùng với đó là lộ trình, trách nhiệm, sự phối hợp của các cấp, các ngành và địa phương trong việc thi hành Luật Thủ đô thực hiện Luật trên các lĩnh vực, nội dung cụ thể; đề xuất một số giải pháp tổ chức thi hành Luật Thủ đô bảo đảm kịp thời, đồng bộ, thống nhất, hiệu lực, hiệu quả, phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh, sử dụng có hiệu quả cao nhất các nguồn lực để phát triển Thủ đô trong tình hình hiện nay...

Tham luận tại hội thảo, GS.TS Trần Ngọc Đường, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nhấn mạnh đến việc xây dựng và hoàn thiện chính quyền Thủ đô theo định hướng tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và thực hiện Luật Thủ đô năm 2024.

Đảm bảo yếu tố đặc trưng, đặc thù của Luật Thủ đô
Quang cảnh hội thảo

Trong đó, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện thể chế về phân cấp, phân quyền; cải cách thủ tục hành chính; cụ thể hóa chức năng, nhiệm vụ của cơ quan hành chính Nhà nước ở các cấp của chính quyền; xây dựng cơ chế, chính sách kiểm soát chặt chẽ, bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch và đề cao trách nhiệm giải trình trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ phân cấp của các cấp chính quyền Thủ đô…

GS.TS Trần Ngọc Đường cũng nhấn mạnh việc xây dựng và hoàn thiện chính quyền điện tử, chính quyền số vận hành thông suốt hệ thống thông tin một cách thông minh nhằm tạo ra tri thức và thông tin mới trong hoạt động quản lý và điều hành của các cơ quan đơn vị và mối quan hệ tương tác giữa chính quyền và công dân …

Trong khi đó, TS Đoàn Thị Tố Uyên, Trưởng khoa Pháp luật hành chính, nhà nước, Trường Đại học Luật Hà Nội nhấn mạnh đến nhiệm vụ bảo đảm chất lượng các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Thủ đô.

Với 9 chính sách đã được quy phạm hóa cụ thể trong Luật Thủ đô, nhiều chính sách vượt trội, đặc thù nên để soạn thảo được nội dung của các văn bản quy định chi tiết đòi hỏi các cơ quan tham mưu phải nghiên cứu thấu đáo. Việc kiểm soát chất lượng của các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật thuộc trách nhiệm của cơ quan thẩm định, thẩm tra dự thảo nghị định, nghị quyết, quyết định và thông tư trong giai đoạn soạn thảo văn bản.

Đảm bảo yếu tố đặc trưng, đặc thù của Luật Thủ đô
TS Đoàn Thị Tố Uyên tham luận tại hội thảo

Quan tâm đến vấn đề phát triển nông nghiệp, nông thôn trong Luật Thủ đô, TS Cao Đức Phát, nguyên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhấn mạnh rằng, để đáp ứng kịp thời yêu cầu phát triển một số lĩnh vực trọng tâm liên quan đến phát triển nông nghiệp, nông thôn, thành phố cần sớm có quyết sách về chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp số. Đồng thời, TP sớm có chủ trương, định hướng và cơ chế chính sách phát triển nông nghiệp đô thị. Đặc biệt là xây dựng một nền nông nghiệp ứng phó với biến đổi khí hậu.

Với tham luận “Quy định thử nghiệm có kiểm soát trong Luật Thủ đô: Kinh nghiệm quốc tế và khuyến nghị đối với TP Hà Nội”, PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Thủ đô Hà Nội nhấn mạnh đến việc TP cần tập trung vào các lĩnh vực mũi nhọn.

Cụ thể, TP cần xác định rõ các ngành nghề mũi nhọn, có tiềm năng phát triển cao và phù hợp với định hướng phát triển của thành phố như công nghệ số, công nghệ thông tin và truyền thông, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới, công nghiệp bán dẫn, công nghệ chế tạo - tự động hóa, công nghệ môi trường, giảm phát thải carbon, ứng phó với biến đổi khí hậu, tài chính, dịch vụ... Đồng thời, TP cần tăng cường đầu tư vào các chương trình đào tạo, nghiên cứu trong các lĩnh vực này, nhằm cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Tháo gỡ điểm nghẽn, tạo động lực để Thủ đô phát triển

Đảm bảo yếu tố đặc trưng, đặc thù của Luật Thủ đô
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Phong kết luận hội thảo

Phát biểu kết luận hội thảo, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Phong đánh giá cao các ý kiến tham luận của các chuyên gia, nhà khoa học đầy tâm huyết, trách nhiệm, thẳng thắn, cụ thể, tập trung vào những nội dung quan trọng, nội dung khó, đóng góp cho thành phố những giải pháp, cách thức triển khai thi hành Luật Thủ đô.

Đồng chí Nguyễn Văn Phong cho biết, đây là lần đầu tiên TP tổ chức hội thảo khoa học lớn để triển khai thực hiện, cụ thể hóa các nội dung của Luật Thủ đô sau khi được Quốc hội thông qua. Hội thảo khoa học lớn này nhằm chuẩn bị cho kỳ họp HĐND TP vào tháng 12 tới khi TP cụ thể hóa các điều trong Luật.

“Chúng tôi cảm thấy vui mừng, tự tin hơn khi nhận được sự tham gia của các cơ quan, nhà khoa học Trung ương và TP. Các tham luận và ý kiến tại hội thảo thể hiện mong muốn Luật Thủ đô sớm đi vào thực tiễn, tính khả thi cao, tạo điều kiện như mục tiêu của Luật là tháo gỡ điểm nghẽn nhằm tạo động lực mới để Hà Nội phát triển nhanh, bền vững”, đồng chí Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh.

Đồng chí Nguyễn Văn Phong nêu các đặc thù cũng như 4 chức năng của Hà Nội mà ít Thủ đô của các nước trên thế giới có như: Trung tâm chính trị, hành chính, trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, khoa học giáo dục, trung động lực của vùng… Đồng thời, không có Thủ đô nào trên thế giới mà xã nhiều hơn phường, huyện nhiều hơn quận, người dân sống ở nông thôn nhiều hơn người dân sống ở đô thị, song Hà Nội được xếp vào loại đô thị đặc biệt.

Đảm bảo yếu tố đặc trưng, đặc thù của Luật Thủ đô
Quang cảnh hội thảo

Từ những phân tích trên, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Phong cho rằng, việc triển khai Luật Thủ đô cùng với các Nghị quyết, Chỉ thị quan trọng của Trung ương như một cú hích quan trọng, tạo cơ sở pháp lý để Hà Nội phát triển nhanh và bền vững; thực hiện đúng chức năng và nhiệm vụ được nêu trong Nghị quyết 15 của Bộ Chính trị.

Theo đồng chí Nguyễn Văn Phong, việc cụ thể hóa các nội dung trong Luật Thủ đô cũng như triển khai thực hiện hiệu quả là những vấn đề mới với Hà Nội. Vì thế, việc tổ chức hội thảo không chỉ cung cấp thêm cho TP những căn cứ về lý luận khi triển khai cụ thể hóa Luật Thủ đô, mà còn thêm các căn cứ thực tiễn để triển khai Luật đi vào cuộc sống, bảo đảm yếu tố đặc trưng, đặc thù của Luật.

Trên cơ sở các ý kiến tham luận tại hội thảo, đồng chí Nguyễn Văn Phong đề nghị UBND, HĐND TP và các đơn vị liên quan tiếp thu một cách nghiêm túc để cụ thể hóa vào các nội dung của Luật thuộc thẩm quyền của TP.

“Trong thời gian tới, TP rất mong sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm, phối hợp chặt chẽ của Tạp chí Cộng sản trong việc nghiên cứu lý luận, rất mong nhận được sự quan tâm, đóng góp ý kiến của các đồng chí lãnh đạo, các cơ quan Trung ương, các chuyên gia, nhà khoa học vào việc xây dựng các văn bản pháp luật để cụ thể hoá, triển khai thi hành Luật Thủ đô”, đồng chí Nguyễn Văn Phong bày tỏ.

 

 
Link bài gốc Copy link
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật