A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

ECB và Ngân hàng Trung ương Anh đồng loạt tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản

Theo sau Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) vừa quyết định nâng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản (0,5%) vào hôm 2/2.

FED, ECB và BoE đều tăng lãi suất trong tuần này

ECB tăng lãi suất lần thứ 5 liên tiếp, dự kiến tăng thêm 0,5% vào tháng 3

Sau cuộc họp chính sách ngày 2/2, ECB quyết định tăng lãi suất cơ bản trong khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) thêm 0,5% từ ngày 8/2. Sau quyết định trên, ba loại lãi suất chính của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) là lãi suất tái cấp vốn, lãi suất cho vay và lãi suất tiền gửi đều tăng lên và lần lượt ở mức 3%, 3,25% và 2,5%. Đây là đợt tăng lãi suất thứ 5 liên tiếp của ngân hàng này sau 4 lần tăng lãi suất vào năm 2022, lần đầu tiên đưa lãi suất khu vực đồng euro ra khỏi vùng âm kể từ năm 2014.

Trong tuyên bố đưa ra sau quyết định, ECB cam kết duy trì lộ trình tăng lãi suất với tốc độ ổn định và dự định tăng thêm 0,5% nữa vào tháng 3 tới. Theo ECB, việc giữ lãi suất ở thắt chặt sẽ giúp kiểm soát lạm phát thông qua làm giảm nhu cấu. Quyết định của cơ quan này tại các cuộc họp trong tương lai sẽ phụ thuộc vào dữ liệu nền kinh tế.

Ước tính ban đầu của Cơ quan thống kê châu Âu (Eurostat) cho thấy, tháng 1/2023, lạm phát khu vực đồng euro ghi nhận tháng giảm thứ ba liên tiếp, tuy nhiên vẫn còn ở mức cao 8,5%. Lạm phát cơ bản, loại trừ giá năng lượng và lương thực, giữ nguyên ở mức 5,2%.

“Áp lực về giá cả vẫn còn nặng nề, một phần do chi phí năng lượng tăng cao đang lan rộng khắp nền kinh tế”, Chủ tịch ECB Christine Lagarde cho biết tại cuộc họp báo sau quyết định tăng lãi suất.

Chủ tịch ECB Christine Lagarde tại cuộc họp báo ngày 2/2, sau quyết định nâng lãi suất.

Đánh giá về bức tranh kinh tế của khu vực đồng euro, bà Christine Lagarde lưu ý, tăng trưởng đã chậm lại, chỉ đạt 0,1% trong quý IV/2024 và dự kiến sẽ vẫn yếu trong thời gian tới trong bối cảnh bất ổn địa chính trị vẫn đang tiếp diễn cũng như các điều kiện tài chính ngày càng thắt chặt hơn.

Tuy nhiên, Chủ tịch ECB cũng nhấn mạnh, những rủi ro đối với triển vọng tăng trưởng kinh tế đã trở nên cân bằng hơn, khi nguồn cung cấp khí đốt đã ổn định hơn, áp lực nguồn cung đang giảm bớt, niềm tin của người tiêu dùng được cải thiện.

“Nhìn chung, nền kinh tế đã chứng tỏ khả năng phục hồi tốt hơn dự kiến và sẽ cải thiện trong những quý tới”, bà Christine Lagarde nói và cho biết thêm, các chính phủ nên giảm hỗ trợ giá năng lượng để tránh làm tăng áp lực lạm phát trong trung hạn.

Sylvain Broyer, chuyên gia kinh tế trưởng khu vực EMEA (châu Âu, Trung Đông và châu Phi) tại S&P Global Ratings, nhận định, với tình hình hiện tại có vẻ như chu kỳ lãi suất của ECB sẽ đạt đỉnh trong phạm vi 3% đến 3,5%, song rất khó để dự đoán con số chính xác từ thông báo của cơ quan này.

“Diễn biến nền kinh tế châu Âu vẫn còn phức tạp khi phải đối mặt với nhiều áp lực đối lập và không đồng bộ. Sẽ là quá sớm để cho rằng ECB sẽ cắt giảm lãi suất vào cuối năm nay”, Broyer nói.

Bên cạnh nâng lãi suất, ECB cũng tuyên bố, quyết định về “thắt chặt định lượng” được đưa ra vào tháng 12/2022 là phù hợp. Trong cuộc họp tháng 12, ECB thông báo từ tháng 3, cơ quan này sẽ bắt đầu giảm bảng cân đối kế toán trị giá 5.000 tỷ euro (tương đương 5.490 tỷ USD) trung bình 15 tỷ euro mỗi tháng cho đến hết tháng 6/2023.

BoE nâng lãi suất lần thứ 10 liên tiếp, nâng dự báo tăng trưởng kinh tế

Cùng ngày 2/2, BoE quyết định tăng lãi suất thêm 0,5%, đợt tăng lãi suất lần thứ 10 liên tiếp và cải thiện dự báo về triển vọng nền kinh tế. Ủy ban Chính sách Tiền tệ (MPC) đã thông qua tăng lãi suất với biên độ 0,5% lần thứ hai liên tiếp, đưa lãi suất chính của BoE lên 4%, đồng thời phát tín hiệu có thể sẽ giảm tốc độ tăng lãi suất và kết thúc lộ trình thắt chặt tiền tệ trong các cuộc họp sắp tới.

BoE cũng không còn sử dụng từ “mạnh mẽ” trong tuyên bố của mình về việc tiếp tục tăng lãi suất khi cần thiết để kiềm chế lạm phát. Cơ quan này dự báo, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) dự kiến sẽ giảm xuống mức khoảng 4% vào cuối năm nay, thấp hơn nhiều so với dự báo trong báo cáo đưa ra vào tháng 11 năm ngoái.

Lạm phát tại Anh ghi nhận mức 10,5% trong tháng 12, giảm nhẹ so với mức 10,7% của tháng 11, do giá nhiên liệu giảm giúp giảm áp lực giá cả. Tuy nhiên, giá lương thực và năng lượng cao tiếp tục siết chặt ngân sách các hộ gia đình Anh.

Bên cạnh quyết định nâng lãi suất, BoE cũng nâng dự báo tăng trưởng nền kinh tế Anh so với dự báo trước đó. Kinh tế Anh dự kiến vẫn sẽ thu hẹp nhẹ trong suốt năm 2023 và quý đầu tiên của năm 2024 do giá năng lượng vẫn ở mức cao, đồng thời lãi suất tăng làm hạn chế chi tiêu. Nhìn chung, tăng trưởng kinh tế sẽ giảm 0,5% trong năm 2023, thấp hơn nhiều so với mức 1,5% đưa ra tại báo cáo tháng 11/2022.

Trái ngược với sự lạc quan của BoE, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hôm 30/1 đã hạ dự báo tăng trưởng GDP của Anh trong năm 2023 xuống còn âm 0,6%, khiến nước này trở thành nền kinh tế lớn hoạt động kém nhất thế giới, thậm chí đứng sau cả Nga.

Boris Glass, chuyên gia kinh tế cấp cao tại S&P Global Ratings đánh giá: “BoE đã liên tiếp tăng lãi suất từ mức gần như bằng 0 lên 4%. Động thái quyết liệt này vẫn chưa thể hiện hết tác dụng đối với nền kinh tế, cụ thể ở đây là tỷ lệ lạm phát.”

Boris Glass cũng lưu ý về tác động tiềm ẩn đối với thị trường bất động sản nhà ở, đặc biệt những bên nắm giữ thế chấp ở Anh hiện đang phải đối mặt với tình trạng “sức ép kép” của lạm phát cao và chi phí thế chấp cao hơn nhiều.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật