Vietbank đặt mục tiêu tăng vốn hơn 1.000 tỷ, kiểm soát nợ xấu dưới 2%
Theo tài liệu chuẩn bị cho họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) vừa được công bố, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (Vietbank - mã VBB) đặt kế hoạch tăng vốn điều lệ lên gần 5.780 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế tăng 71% và kiểm soát nợ xấu dưới 2%.
Về kế hoạch tăng vốn điều lệ, nhằm nâng cao năng lực tài chính, năng lực hoạt động và năng lực cạnh tranh của ngân hàng để hướng đến các mục tiêu chiến lược giai đoạn 2021 - 2025, Vietbank trình ĐHĐCĐ thông qua kế hoạch tăng vốn điều lệ thêm 1.003 tỷ đồng trong năm 2022 lên 5.779,8 tỷ đồng. Tính đến ngày 31/12/2021, vốn điều lệ của VietBank là 4.776,8 tỷ đồng.
Vietbank dự kiến 100% nguồn tăng vốn điều lệ từ nguồn cổ đông góp mới. Ngân hàng có kế hoạch phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, số lượng phát hành 100,3 triệu cổ phiếu, giá phát hành 10.000 đồng/ cổ phiếu, tổng giá trị 1.003 tỷ đồng.
Tỷ lệ phân phối cổ phiếu phát hành dự kiến 21% số cổ phiếu đang lưu hành tại thời điểm 31/12/2021. Theo đó, cổ đông hiện hữu được quyền mua cổ phiếu phát hành thêm với tỷ lệ phân phối là 100:21, tức cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu sẽ được mua 21 cổ phiếu phát hành thêm.
Tờ trình ĐHĐCĐ của Vietbank nêu rõ toàn bộ phần vốn tăng thêm dự kiến sử dụng toàn bộ cho việc mở rộng mạng lưới hoạt động, bảo đảm tuân thủ các tỷ lệ an toàn trong hoạt động, sinh lợi cho hoạt động kinh doanh của Vietbank, bảo đảm quy định của NHNN về tỷ lệ đầu tư tài sản cố định với tổ chức tín dụng.
Về một số mục tiêu kinh doanh khác, Vietbank cũng dự kiến trình cổ đông kế hoạch tăng quy mô tổng tài sản lên 133.000 tỷ đồng, tức tăng 28,7% so với cuối năm ngoái. Tổng dư nợ cho vay tăng 15% lên 65.200 tỷ đồng. Huy động từ khách hàng (gồm giấy tờ có giá) tăng 37,1%, đạt 102.000 tỷ đồng.
Đặc biệt, Vietbank đặt mục tiêu kiểm soát nợ xấu dưới 2% và tăng lợi nhuận trước thuế 71% (từ mức thực hiện 636 tỷ đồng năm 2021) lên 1.090 tỷ đồng trong năm nay.
Tính đến 31/12/2021, tổng tài sản của Vietbank đạt 103.780 tỷ đồng, tăng 13,4% so với thời điểm đầu năm. Tổng dư nợ tín dụng là 56.678 tỷ đồng, trong đó dư nợ cho vay khách hàng là 50.530 tỷ đồng, tăng 12,8% so với năm 2020. Huy động từ khách hàng đạt 74.391 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế đạt 636 tỷ đồng, tăng 58% so với năm 2020 và vượt kế hoạch tối thiểu (390 tỷ đồng) nhưng chỉ đạt 58% kế hoạch phấn đấu (1.100 tỷ đồng).
Năm 2021, Vietbank cũng đặt mục tiêu tỷ lệ nợ xấu dưới 2%. Tuy nhiên, đến hết năm, dư nợ xấu của Vietbank đã tăng mạnh từ mức 785 tỷ vào ngày 31/12/2020 lên 1845 tỷ vào 31/12/2021, tức tăng 135%. Mức tăng chủ yếu đến từ nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) và nợ nhóm 4 (nợ nghi ngờ), qua đó kéo tỷ lệ nợ xấu nội bảng từ mức 1,75% lên 3,65%. Trong năm nay, Vietbank tiếp tục đặt mục tiêu kiểm soát nợ xấu dưới 2%.
Để đạt những mục tiêu kinh doanh tham vọng trong năm nay, Vietbank lên kế hoạch kiểm soát nợ quá hạn dưới 3.5% tổng dư nợ theo quy định; đồng thời tập trung tăng trưởng huy động, đặc biệt là nguồn vốn từ tổ chức kinh tế và dân cư, vốn huy động không kỳ hạn, phát hành giấy tờ có giá. Ngoài ra, Vietbank dự kiến từng bước chuyển dịch mô hình kinh doanh theo hướng bán lẻ, giảm sử dụng vốn vào các ngành nghề nhiều rủi ro…
Về kế hoạch phân phối lợi nhuận, Vietbank trình cổ đông thông qua phương án giữ toàn bộ lợi nhuận còn lại sau thuế và trích quỹ năm 2021 là 430,7 tỷ đồng làm lợi nhuận giữ lại, không chia để tăng vốn tự có. Mục tiêu đến năm 2025, tổng tài sản của ngân hàng đạt 300.000 tỷ đồng, nằm trong nhóm 15 ngân hàng có tổng tài sản lớn nhất hệ thống.