A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nhiều ngân hàng rao bán tài sản đảm bảo với giá rất rẻ, chuyên gia nói gì?

Thời gian qua, các ngân hàng lớn như BIDV, Vietinbank, Vietcombank liên tiếp rao bán tài sản đảm bảo là các dự án bất động sản với giá rẻ để thu hồi nợ. Tuy nhiên, các nhà băng này lại gặp khó khăn trong việc phát mại tài sản thu hồi nợ dù bán giá rẻ.

Mới đây, VietinBank (HOSE: CTG) chi nhánh Quảng Nam thông báo bán đấu giá khoản nợ của CTCP Giải pháp công nghệ Tái tạo để xử lý nợ. Tài sản đấu giá là toàn bộ khoản nợ (bao gồm nợ vay gốc, nợ lãi, lãi phạt và các nghĩa vụ tài chính khác phát sinh đến thời điểm thực hiện giao dịch mua bán nợ) của doanh nghiệp trên. Theo hợp đồng tín dụng giữa doanh nghiệp và ngân hàng, ngày 19/6/2017, VietinBank cho doanh nghiệp vay 73,6 tỷ đồng, mục đích vay vốn nhằm thanh toán các chi phí hợp lý thực hiện dự án “Đầu tư xây dựng Nhà máy tái sử dụng nước”.

 Vietinbank liên tục phát mại tài sản để thu hồi nợ. Ảnh CTG.

Ngoài ra khoản nợ còn có tài sản bảo đảm là căn hộ số 4.12, chung cư Thái An, phường Trung Mỹ Tây, quận 12, TP HCM. Tài sản thế chấp còn là lô đất địa chỉ tại số 1A, ngõ Tức Mạc, phường Cửa Nam, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội. Tài sản gắn liền với khoản nợ còn là mạng lưới đường ống khu công nghiệp Tam Thăng (tỉnh Quảng Nam), quyền sở hữu, lợi ích đối với tài sản là hệ thống máy móc thiết bị hình thành trong tương lai, quyền sử dụng đất thuê và tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai tại thửa đất số 1463 trong khu công nghiệp Tam Thăng, xã Tam Thăng, TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam.

VietinBank cho biết khoản nợ hiện đang trong quá trình thi hành án. Giá khởi điểm đấu giá cho khoản nợ của CTCP Giải pháp công nghệ Tái Tạo là 85 tỷ đồng. Ngân hàng lưu ý giá khởi điểm trên không bao gồm các chi phí liên quan đến việc chuyển quyền sở hữu/sử dụng tài sản, phí đăng ký và các chi phí khác (nếu có) khi thực hiện mua khoản nợ, các chi phí này do người trúng đấu giá chịu. Việc mua bán khoản nợ không thuộc đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng.

Tương tự, Vietcombank (HOSE: VCB) bán nợ hơn 35 tỷ đồng có tài sản đảm bảo là nhà mặt tiền quận 1 TP HCM. Vietcombank chi nhánh Kỳ Đồng thông báo bán đấu giá khoản nợ của Công ty TNHH Thương mại Thép Sài Gòn (Công ty Thương mại Thép Sài Gòn).

Tính đến ngày 15/5, tổng dư nợ của Công ty Thương mại Thép Sài Gòn là 35,4 tỷ đồng, trong đó nợ gốc là 23,6 tỷ đồng, còn lại là nợ lãi và lãi phạt. Hiện khoản nợ đang được ngân hàng liệt kê vào danh sách nhóm nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5).

Tài sản đảm bảo liên quan đến khoản nợ là quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất tại địa chỉ 148 đường Nguyễn Văn Thủ, phường Đa Kao, quận 1, TP HCM. Khu đất có diện tích 72,1 m2, là đất ở đô thị lâu dài. Nhà ở trên đất là nhà cấp 3 có diện tích sàn 110,4 m2 (gồm 1 tầng và gác gỗ).

Vietcombank cho biết đây là lần thứ hai khoản nợ này được rao bán, ở lần rao bán thứ hai giá khởi điểm giảm 10% so với lần đầu xuống còn 32,4 tỷ đồng.

Trong khi đó, BIDV (HOSE: BID) cũng đã thông báo lựa chọn đợn vị thẩm định giá tài sản đảm bảo cho khoản nợ của hai doanh nghiệp là CTCP Thủy điện Đức Nhân Đắk Psi và Công ty TNHH Hoàng Nhi.

Tạm tính đến ngày 17/8, tổng dư nợ của CTCP Thủy điện Đức Nhân Đắk Psi tại BIDV chi nhánh Gia Lai là 572,4 tỷ đồng. BIDV cho biết tài sản bảo đảm khoản nợ là nhà máy thủy điện Đắk Psi có địa chỉ tại xã Đăk Pxi, huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum.

Khoản nợ thứ hai liên quan đến Công ty TNHH Hoàng Nhi, tính đến 17/8 dư nợ của doanh nghiệp này tại BIDV chi nhánh Gia Lai là hơn 430,5 tỷ đồng. Tài sản bảo đảm cho dư nợ vay là nhà máy sản xuất vật liệu xây dựng tại khu công nghiệp Trà Đà (tỉnh Gia Lai), 66 động sản là các thiết bị thi công xây dựng và 13 bất động sản, tài sản của bên thứ ba như nhà máy làm việc của CTCP Vật liệu và xây lắp cùng cổ phiếu chưa niêm yết của ông Hồ Sỹ Thái tại hai công ty là CTCP Thủy điện Đức Nhân Đắk Psi và CTCP Thủy điện Nước chè...

 Xử lý tài sản đảm bảo và nợ xấu của hệ thống ngân hàng tưởng đối ổn 

  TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn - Chính sách Tiền tệ Quốc gia. Ảnh DNVN.

Chia sẻ tại Tại tọa đàm “Phát triển nguồn vốn cho bất động sản: Dư địa và gợi ý các giải pháp bền vững” diễn ra ngày 24/8, TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn - Chính sách Tiền tệ Quốc gia đã đưa ra những đánh giá về năng lực xử lý tài sản đảm bảo là bất động sản của các ngân hàng trong thời gian vừa qua, nhiều ngân hàng rao bán tài sản đảm bảo với giá rất rẻ nhưng thanh khoản không có.

TS. Cấn Văn Lực cho biết: Thời gian vừa qua, nhờ Nghị quyết 42 nên việc xử lý tài sản đảm bảo của hệ thống ngân hàng khá tốt và thị trường bất động sản  khoảng 2 – 3 năm vừa qua phục hồi rất tốt. Do đó, chuyên gia này cho rằng việc xử lý tài sản đảm bảo và nợ xấu của hệ thống ngân hàng đến thời điểm hiện nay là tương đối ổn.

"Nợ xấu nội bảng khoảng 1,5%, nợ xấu gộp theo tính toán của NHNN đâu đó khoảng 3 – 3,5%. Sắp tới cả kể nợ xấu tiềm ẩn tăng lên, theo tôi vẫn trong tầm kiểm soát. Lưu ý thêm, một số khoản khó bán thì khó bán từ lâu nay rồi chứ không phải bây giờ mới khó bán. Và nếu khó bán đương nhiên sẽ phải bán đi bán lại", ông Lực nói. "Còn khoản nào dễ bán là ngân hàng bán được ngay. Không riêng gì BIDV, cả kể các ngân hàng khác có phát mại tài sản đảm bảo cũng gặp khó khăn hơn vì thanh khoản thị trường bất động sản đang trầm lắng".

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan