A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Sẽ thí điểm triển khai một số chính sách đặc thù tại Vùng Tây Nguyên

Để giúp vùng Tây Nguyên phát triển, Chính phủ sẽ mạnh dạn cho các địa phương trong Vùng Tây Nguyên thí điểm triển khai một số chính sách đặc thù thuộc thẩm quyền của Chính phủ.

Theo Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa chủ trì Hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh Vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và xúc tiến đầu tư Vùng với chủ đề "Phát triển xanh - Hài hòa - Bền vững".

Tại hội nghị, Thủ tướng đã chỉ ra những nguyên nhân khiến Tây Nguyên phát triển chưa tương xứng với vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, có nhiều tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của tỉnh. Theo đó, nguyên nhân chính là kết cấu hạ tầng còn bất cập, nguồn lực còn thiếu, kết nối vùng còn chưa tốt, chưa xây dựng được nhiều thương hiệu quốc gia, quốc tế.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. Ảnh VGP.

Định hướng nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới, Thủ tướng nhấn mạnh phải tập trung hoàn thiện thể chế, xây dựng cơ chế chính sách đặc thù. "Chính phủ sẽ mạnh dạn cho địa phương thí điểm triển khai một số chính sách đặc thù thuộc thẩm quyền của Chính phủ". "Thể chế chính sách phải xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo, nên các địa phương Tây Nguyên phải chủ động đề xuất", Thủ tướng cho biết.

Thứ 2, phải phát triển hạ tầng chiến lược, nhất là hạ tầng giao thông, để kết nối vùng, tạo không gian phát triển mới và phát triển hạ tầng y tế, giáo dục.

Thủ tướng cho rằng, giao thông phải kết nối, góp phần phát triển hành lang kinh tế Đông – Tây, hàng lang kinh tế Bắc – Nam, dựa vào các trục giao thông chính: Đường sắt, đường bộ, cao tốc Bắc – Nam.

Thứ 3, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trong đó, cần lưu ý phát triển hệ thống trường đại học, trường dạy nghề. "Các đồng chí phải chủ động chứ không ai làm thay được", Thủ tướng đề nghị.

Thứ 4, cần tập trung phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế rừng. Thủ tướng lấy ví dụ, tài nguyên bauxite có nhiều nhưng cần chú ý phát triển xanh, công nghệ cao. Khai thác bauxite có nhiều công đoạn, trước khi ra nhôm thì có nhiều phụ phẩm cần xử lý để bảo vệ môi trường, làm sao các sản phẩm liên kết chuỗi tuần hoàn, bảo đảm chất lượng đầu ra.

Thứ 5, phát triển công nghiệp chế biến, phát triển kinh tế nông nghiệp xanh, sạch.

Thứ 6, phát triển văn hoá gắn với du lịch.

Thứ 7, phát triển bao trùm, toàn diện, bền vững. Muốn vậy phải xuất phát từ bài toán quy hoạch với tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược.

Thứ 8, huy động nhiều nguồn lực cho phát triển, gồm đầu tư công, ngồn vốn xã hội, hợp tác công tư. Đầu tư công thì kết hợp cả nguồn lực Trung ương và địa phương.

Thứ 9, xây dựng thương hiệu để phát triển bền vững, ổn định, phải có truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông nghiệp.

 Nói phải đi đôi với làm, đã hứa, cam kết thì phải thực hiện

Đánh giá cao các ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, sát thực tiễn của các doanh nghiệp, nhà đầu tư, các đối tác phát triển, Thủ tướng nhấn mạnh xúc tiến đầu tư phải xuất phát từ quy hoạch, phải có trọng tâm, trọng điểm, phải dựa vào tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh.

Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp, đối tác phát triển, các nhà đầu tư trong và ngoài nước tiếp tục chung tay, đồng hành với Chính phủ, các địa phương; tích cực tham gia thực hiện quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh; khai thác, tận dụng cơ hội để phát triển, tham gia sâu vào những ngành kinh tế được xác định là trọng tâm, ưu tiên.

"Các nhà đầu tư đã nói phải làm, đã cam kết, đã hứa thì phải thực hiện, đã thực hiện thì phải có hiệu quả", Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần lợi ích hài hoà, rủi ro chia sẻ, cân bằng lợi ích Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.

Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương khẩn trương hoàn thành quy hoạch; thúc đẩy đầu tư công, cứ 10 ngày phải kiểm tra tiến độ các dự án, dứt khoát ai không làm được thì thay thế, không điều chuyển nguồn sang năm 2023, dành vốn cho các dự án giải ngân tốt. Cùng đó, hỗ trợ doanh nghiệp về vốn, thủ tục hành chính, vừa chống lạm phát vừa phải thúc đẩy sản xuất kinh doanh.

Thủ tướng cho biết đã chỉ đạo Bộ Tài chính rà soát, phân loại trái phiếu doanh nghiệp, doanh nghiệp nào làm tốt, làm đúng thì cần công khai, minh bạch để nhà đầu tư yên tâm; doanh nghiệp nào khó khăn thì có cách hỗ trợ để tiếp tục phát triển, "anh nào làm sai thì phải xử lý để bảo vệ người làm tốt, làm lành mạnh môi trường đầu tư".

Thủ tướng cũng nêu rõ việc ổn định kinh tế vĩ mô, vừa kiểm soát lạm phát vừa thúc đẩy tăng trưởng, tập trung thúc đẩy các động lực tăng trưởng: Tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu. Phát huy tinh thần tự lực, tự cường, không trông chờ ỷ lại, không hoang mang dao động, không lơ là, mất cảnh giác. Trước diễn biến nhanh của tình hình thế giới thì phản ứng chính sách cũng phải nhanh chóng, kịp thời.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật