Ưu tiên vốn tín dụng cho lĩnh vực lâm sản, thủy sản
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa qua đã ban hành Công văn số 4458/NHNN-TD về việc triển khai chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 167/TBVPCP về các giải pháp tín dụng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản.
Theo đó, NHNN đề nghị các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (TCTD), NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố thực hiện một số nội dung sau:
Đối với các TCTD, thứ nhất, ưu tiên vốn tín dụng vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng của nền kinh tế theo chủ trương của Chính phủ, đặc biệt tín dụng cho lĩnh vực lâm sản, thủy sản; xem xét duy trì hạn mức tín dụng đã cấp cho các doanh nghiệp lâm sản, thủy sản để tiếp tục duy trì hoạt động sản xuất trong giai đoạn hiện nay.
Thứ hai, tiếp tục tiết giảm chi phí để giảm lãi suất cho vay; rà soát, xem xét miễn giảm các loại phí dịch vụ nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh.
Thứ ba, chủ động, linh hoạt trong việc áp dụng cơ chế bảo đảm tiền vay, đa dạng hóa các chương trình, sản phẩm tín dụng phù hợp với đặc thù hoạt động của doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh lâm sản, thủy sản.
Thứ tư, khẩn trương ban hành và triển khai quy định nội bộ về cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo quy định tại Thông tư 02/2023/TTNHNN và Chỉ thị 02/CTNHNN về tăng cường công tác tín dụng và triển khai chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo quy định tại Thông tư 02/2023/TT-NHNN.
Thứ năm, tiếp tục tích cực triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất từ nguồn ngân sách nhà nước đối với các khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP, không để bất cứ một doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh nào thuộc đối tượng hỗ trợ lãi suất và có nhu cầu mà không được hỗ trợ kịp thời.
Thứ sáu, tiếp tục triển khai có hiệu quả chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo quy định tại Nghị định 55/2015/NĐ-CP và các văn bản sửa đổi, bổ sung và các chương trình, chính sách tín dụng khác theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Thứ bảy, phối hợp với các Hiệp hội ngành hàng để thông tin về các giải pháp, chương trình, chính sách tín dụng của ngành Ngân hàng cho các doanh nghiệp hội viên để hiểu đúng về các chính sách của ngành và tham gia khi có nhu cầu. Đồng thời, phối hợp và đề nghị các Hiệp hội, trong đó có Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cung cấp danh sách các doanh nghiệp là hội viên của các Hiệp hội có nhu cầu vay vốn phục vụ cho sản xuất kinh doanh lĩnh vực lâm sản, thủy sản để các TCTD tiếp cận, nghiên cứu xem xét cho vay theo quy định.
Thứ tám, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quan hệ tín dụng với khách hàng. Trường hợp phát sinh khó khăn, vướng mắc vượt thẩm quyền, cần thông báo với NHNN và các cơ quan có thẩm quyền để được xem xét, xử lý.
Đối với NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố, chỉ đạo các tổ chức tín dụng, chi nhánh tín dụng trên địa bàn ưu tiên vốn tín dụng vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng của nền kinh tế theo chủ trương của Chính phủ, đặc biệt tín dụng cho lĩnh vực lâm sản, thuỷ sản; xem xét duy trì hạn mức tín dụng đã giao để tiếp tục tục duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh cho các doanh nghiệp lâm sản, thuỷ sản.
Triển khai có hiệu quả chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo quy định tại Nghị định 55/2015/NĐ-CP ngày 9/6/2015 của Chính phủ và các văn bản sửa đổi, bổ sung và các chương trình, chính sách tín dụng khác nhau theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Thực hiện nghiêm chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn theo quy định tại Thông tư 02/2023/TT-NHNN ngày 23/4/2023 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Chỉ thị 02/CT-NHNN ngày 23/5/2023 về tăng cường công tác tín dụng và triển khai chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo quy định tại Thông tư 02/2023/TT-NHNN.
Quyết liệt thực hiện chương trình hỗ trợ lãi suất từ nguồn ngân sách nhà nước đối với các khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP, không để bất cứ một doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh nào thuộc đối tượng hỗ trợ lãi suất và có nhu cầu mà không được hỗ trợ kịp thời.
Công văn cũng nêu rõ, NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố cần phối hợp với các cấp chính quyền địa phương tổ chức các hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp theo hình thức phù hợp để kịp thời nắm bắt các khó khăn, vướng mắc và có giải pháp phù hợp, tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp lĩnh vực lâm sản, thủy sản tiếp cận vốn tín dụng.