A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chưa đến 10% doanh nghiệp Nghệ An phản hồi khảo sát của VCCI

Nghệ An - Năm 2024, VCCI gửi đến doanh nghiệp 1.800 phiếu khảo sát các chỉ số PCI nhưng chỉ thu về 173 phiếu.

Chưa đến 10% doanh nghiệp Nghệ An phản hồi khảo sát của VCCI

Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Nghệ An Trịnh Thanh Hải trả lời chất vấn việc thực hiện các cơ chế, chính sách cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; khắc phục các hạn chế và nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Ảnh: Thành Cường

Sáng 10.7, kỳ họp 31 khóa XVIII HĐND tỉnh Nghệ An tiến hành phiên chất vấn tại hội trường. Đại biểu Hà Thị Phương Thảo đặt câu hỏi về việc đánh giá, khảo sát chỉ số PCI (năng lực cạnh tranh cấp tỉnh) trong 3 năm gần đây (2021 - 2024) có phản ánh đúng thực tế hay không.

Trả lời câu hỏi của đại biểu, Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Nghệ An Trịnh Thanh Hải cho biết, để xem kết quả đánh giá, xếp hạng PCI của Nghệ An trong ba năm qua có sát đúng thực tế hay không thì cần nhìn lại kết quả khảo sát.

Theo đó, năm 2024, VCCI gửi đến doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Nghệ An 1.800 phiếu khảo sát nhưng chỉ thu về 173 phiếu, chiếm 9,6% - xấp xỉ 1% tổng số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Theo Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Nghệ An, tỉnh rất trân trọng kết quả PCI, xem đây là một kênh tham khảo tích cực để tỉnh nhìn lại mình, đánh giá mình đang đứng ở đâu để khắc phục, tiến bộ hơn.

Tuy nhiên, cần thẳng thắn nhìn nhận rằng, việc phát ra 1.800 phiếu mà thu về 173 phiếu, tỉ lệ dưới 10% là hoàn toàn không bình thường.

Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Nghệ An cho hay, một số năm trước, kết quả cũng tương tự.

Từ kết quả trên, ông Trịnh Thanh Hải rất băn khoăn, đặt vấn đề phải chăng phần lớn doanh nghiệp Nghệ An vẫn chưa quan tâm đến các cải cách, chính sách điều hành của chính quyền.

Từ nội dung trên, Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Nghệ An nêu ra một số giải pháp về vấn đề cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, phục vụ tốt hơn cộng đồng doanh nghiệp.

Thứ nhất, phối hợp hỗ trợ quá trình khảo sát trên nguyên tắc tôn trọng tính độc lập. VCCI là đơn vị độc lập thực hiện khảo sát, nhưng cũng cần lắng nghe góp ý của chính quyền về thời điểm, đối tượng khảo sát cho sát thực tế.

Thứ hai, nâng cao chất lượng phục vụ tại cấp cơ sở -nơi doanh nghiệp tiếp xúc nhiều nhất với chính quyền. Dù ít doanh nghiệp phản hồi, thì phản ánh của họ vẫn rất quý giá. Nếu chính quyền phục vụ tốt, doanh nghiệp sẽ ghi nhận.

Thứ ba, chính quyền phải phản hồi có trách nhiệm đối với kết quả khảo sát, tổ chức đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp, hiệp hội để cùng phân tích chỉ số thành phần, xác định trách nhiệm rõ ràng ở từng cấp, từng cơ quan.

Cũng tại phiên chất vấn sáng nay, Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Nghệ An cung cấp thông tin trong 6 tháng đầu năm 2025, toàn tỉnh Nghệ An có 1.070 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, giảm 10,2% so với năm trước. Cùng thời gian, có 1.635 doanh nghiệp rút khỏi thị trường, tăng 11,8%. Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động cũng chỉ đạt 317 đơn vị, giảm 6,5% so với cùng kỳ năm 2024.

Người đứng đầu ngành Tài chính - Kế hoạch đầu tư tỉnh Nghệ An cũng khẳng định chủ trương điều hành của tỉnh là nhất quán, không phân biệt đối xử giữa doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp nhỏ, thậm chí doanh nghiệp vừa và nhỏ được hỗ trợ nhiều hơn.

Năm 2024, Nghệ An đạt 66,48 điểm PCI, tăng nhẹ 0,76 điểm so với năm 2023. Tuy nhiên, tỉnh vẫn giữ nguyên vị trí thứ 44/63 trên bảng xếp hạng toàn quốc.

Dù đã duy trì vị trí thứ 3 khu vực Bắc Trung Bộ, xếp sau Thừa Thiên Huế (nay là thành phố Huế) và Thanh Hóa nhưng khoảng cách giữa Nghệ An với các tỉnh dẫn đầu là khá lớn. So với Hải Phòng, địa phương đứng đầu cả nước, Nghệ An kém 8,36 điểm; so với Bà Rịa - Vũng Tàu (top 5), Nghệ An kém 4,69 điểm.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật