A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Doanh nghiệp Việt cần chú trọng làm thương hiệu trên môi trường trực tuyến

Xuất khẩu trực tuyến đã và đang gia tăng mạnh mẽ. Xây dựng thương hiệu trên môi trường này sẽ là cơ hội lớn để doanh nghiệp Việt gia tăng giá trị và doanh thu khi có thể tiếp cận tệp khách hàng toàn cầu với số lượng lên đến hàng tỷ người.

Ông Gijae Seong chia sẻ về cách làm thương hiệu trên môi trường trực tuyến. (Ảnh: PV)

Ông Gijae Seong chia sẻ về cách làm thương hiệu trên môi trường trực tuyến. (Ảnh: PV)

Cơ hội lớn từ xuất khẩu trực tuyến

Xuất khẩu (XK) trực tuyến đang ngày càng bùng nổ mạnh mẽ, tăng trưởng thần tốc và trở thành một trong những ưu tiên hàng đầu, nhân tố cốt lõi của nền kinh tế toàn cầu và là xu hướng tất yếu mà không một quốc gia nào có thể đứng ngoài cuộc.

Trong bối cảnh Việt Nam đang ngày càng hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới, cùng với cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, việc tham gia vào hệ thống XK là giải pháp hữu hiệu, mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp (DN) Việt Nam.

“XK trực tuyến không chỉ giúp DN mở rộng tệp khách hàng, tăng phạm vi tiếp cận thị trường mà còn góp phần đưa thương hiệu hàng Việt đến tay người tiêu dùng nhiều thị trường trên thế giới” - ông Tạ Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương) nói.

Theo Sách Trắng thương mại điện tử (TMĐT) năm 2023, doanh thu TMĐT bán lẻ tại Việt Nam năm 2023 tăng 25% so với năm 2022, đạt 20,5 tỷ USD. Qua đó, đưa Việt Nam vào nhóm 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng TMĐT hàng đầu thế giới. Thị trường TMĐT toàn cầu được dự báo sẽ có những bước tăng trưởng mạnh mẽ với mức doanh thu dự kiến đạt 7,4 nghìn tỷ USD vào năm 2025.

Thống kê của Amazon Global Selling cho thấy, số lượng sản phẩm do DN Việt Nam bán ra trên Amazon tăng hơn 300% trong 5 năm qua. Hàng nghìn DN vừa và nhỏ của Việt Nam hiện đang XK thông qua Amazon, với số lượng DN đạt doanh thu hàng năm trên 1 triệu USD tăng gần gấp 10 lần. Những thương hiệu của Việt Nam đã thành công khi tham gia XK thông qua Amazon như gốm sứ Minh Long, đồ dùng nhà bếp Sunhouse, nội thất BeeFunrni, nông sản Lafooco…

Thông qua nền tảng của Amazon, hàng hóa Việt Nam có cơ hội tiếp cận trực tuyến với hơn 2 tỷ người mỗi năm ở các thị trường khu vực Bắc Mỹ, châu Âu và rất nhiều quốc gia khác như Úc, Nhật Bản, Singapore, Ấn Độ…

Tuy nhiên, cơ hội lớn đi kèm với thách thức lớn và không chỉ DN Việt Nam mới phải đối diện với các thách thức này mà các DN, các nhà bán hàng toàn cầu từ các quốc gia khác cũng sẽ phải đối mặt với các thách thức nảy sinh. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia về thương mại, thị trường lớn và mở rộng với rất nhiều cơ hội xứng đáng để các nhà bán hàng và thương hiệu dấn thân.

Doanh nghiệp Việt cần chú trọng xây dựng thương hiệu

Ông Gijae Seong - Giám đốc điều hành (GĐĐH) Amazon Global Selling Việt Nam chia sẻ, theo quan sát của đơn vị này, trong thời gian qua, các DN và nhà bán hàng XK trực tuyến trên Amazon gồm 2 nhóm chính.

Thứ nhất là cộng đồng các nhà bán hàng từng kinh doanh online, có kỹ năng số, bán hàng trên môi trường số. Nhóm này thường bắt xu hướng rất nhanh, họ gần như ngay lập tức bắt nhịp các xu hướng mới nhất của bán hàng qua TMĐT. Tuy nhiên, theo ông Gijae Seong, nhóm này cần có tầm nhìn dài hạn, cần phải xây dựng kế hoạch kinh doanh XK trực tuyến lâu dài, nghiêm túc cùng với nỗ lực xây dựng thương hiệu.

“Trước đây, họ chỉ bán sản phẩm, tính lợi nhuận trên từng sản phẩm bán ra, chứ không xây dựng lộ trình hay kế hoạch kinh doanh dài hạn, gia tăng sức mạnh thương hiệu để tăng giá trị cho sản phẩm” - ông Gijae Seong nói.

Nhóm thứ hai được nhắc đến là các nhà sản xuất truyền thống hoặc chủ thương hiệu. GĐĐH của Amazon Việt Nam đánh giá: “Nhóm này có năng lực sản xuất, song chưa biết cách làm thương hiệu trên môi trường trực tuyến. Nhóm này thường có kinh nghiệm xây dựng thương hiệu ở môi trường trong nước nhiều hơn, thông qua các cách thức truyền thống. Tuy nhiên, khi bước vào môi trường online, thâm nhập các thị trường quốc tế như Mỹ, châu Âu, cách làm thương hiệu phải khác”.

Số liệu của Amazon Việt Nam cho thấy, trong 5 năm qua, số lượng các DN Việt Nam tham gia bảo vệ phát triển thương hiệu trên Amazon tăng gấp 35 lần. Điều này cho thấy sự nhìn nhận nghiêm túc của các DN trong câu chuyện XK trực tuyến. Bởi với DN XK trực tuyến không chỉ gói gọn trong câu chuyện bán sản phẩm, hay vận hành hoặc làm sao tối ưu doanh thu mà phải đạt được câu chuyện xây dựng thương hiệu để phát triển bền vững.

Theo đó, DN Việt có thể tận dụng các giải pháp để phân tách những nhóm khách hàng mục tiêu, những người theo dõi thương hiệu của họ để tạo ra những chương trình khuyến mãi riêng cho những follower (người theo dõi) và từ đó sẽ có mức độ hiệu quả hơn. Hoặc dựa vào cơ sở dữ liệu để tạo ra những chương trình khuyến mãi và những chương trình chăm sóc follower thương hiệu của mình một cách hiệu quả hơn.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật