Làn sóng 'cá mập' ngoại liên tục rót tiền M&A loạt dự án năng lượng tái tạo ở Việt Nam
Việt Nam là một trong các quốc gia có tiềm năng về năng lượng tái tạo hàng đầu châu Á, vì thế đã thu hút được nhiều tập đoàn năng lượng quốc tế đặt chân đến. Trong đó, điểm chung các nhà đầu tư này khi rót tiền vào mảng năng lượng tại Việt Nam là mua lại cổ phần công ty địa phương sở hữu các dự án đã xây dựng xong hoặc mới đi vào vận hành.
Mới đây, AC Energy (Acen), công ty con của tập đoàn lâu đời nhất Philippines Ayala Corp thông báo đã bỏ ra 165 triệu USD để mua lại 49% cổ phần của Solar NT Holdings Pte.Ltd, - đơn vị đang sở hữu và vận hành 9 dự án năng lượng mặt trời có công suất 837 MW tại Việt Nam.
9 dự án này lần lượt là Lộc Ninh 1, Lộc Ninh 2 và Lộc Ninh 3, Văn Giáo 1, Văn Giáo 2, Thịnh Long AAA, Phan Lãm, Sinenergy Ninh Thuận và Bình An.
9 dự án này được Super Energy Corporation (Thái Lan) – công ty mẹ của Solar NT mua lại từ giữa năm 2018. Ngoài các dự án điện mặt trời vừa bán, công ty đến từ xứ chùa vàng còn đang triển khai 5 dự án điện gió với tổng công suất 471 MW.
Rầm rộ các thương vụ thâu tóm dự án năng lượng
Nhìn lại giai đoạn 2018 – 2020, đây là thời điểm nóng diễn ra rất nhiều thương vụ sang nhượng các dự án năng lượng tái tạo để kịp đóng điện trước ngày 1/1/2021 (đối với điện mặt trời) và 1/11/2020 (đối với điện gió) nhằm hưởng giá ưu đãi. Chỉ trong thời gian ngắn, những “cá mập” đến từ Thái Lan, Philippines, Trung Quốc, hay Nhật Bản... đã trở thành những ông chủ mới của các dự án năng lượng xanh tại Việt Nam.
Trong số các nhà đầu tư ngoại tham gia, các tập đoàn Thái Lan là bên hứng thú hơn cả. Như Super Energy, công ty bắt đầu thâm nhập vào thị trường Việt Nam từ năm 2017. Lúc đó, qua các cuộc thâu tóm, Super Energy đã sở hữu 6 dự án điện mặt trời tại Việt Nam với tổng công suất lên tới 286,72 MWp, bằng một nửa tổng công suất của 100 dự án điện mặt trời tại Thái Lan mà tập đoàn này sở hữu thời điểm đó gộp lại.
Đến tháng 3/2020, tập đoàn này công bố chi đến 456,7 triệu USD để mua cụm dự án điện mặt trời là Lộc Ninh 1 (200 MW), Lộc Ninh 2 (200 MW), Lộc Ninh 3 (150 MW) và Lộc Ninh 4 (200 MW) tại tỉnh Bình Phước. Khoản đầu tư 456,7 triệu USD mà Super Energy trả cho 4 dự án này ước tính bằng 26,23% tổng tài sản tổng tài sản của công ty thời điểm đó.
Nói thêm Lộc Ninh 1,2 và 3 là ba trong 9 dự án vừa được Super Energy bán cho đối tác Philippines kể trên.
Đầu năm nay, công ty năng lượng mặt trời lớn nhất của Thái Lan tính theo công suất cho biết đang có kế hoạch đầu tư 41,5 tỷ baht (khoảng 28.100 tỷ đồng) vào các dự án năng lượng tái tạo tại Việt Nam và Thái Lan giai đoạn 2023 - 2025, theo tờ Bangkok Post.
Riêng ngay trong năm nay, Super Energy sẽ giải ngân 12,4 tỷ baht (gần 8.400 tỷ đồng) vào Thái Lan và Việt Nam. Phần lớn số tiền sẽ dành phát triển dự án điện gió ngoài khơi với công suất 30 MW tại Sóc Trăng và dự án điện gió gần bờ 70 MW tại Bạc Liêu.
Sang năm 2024, Super Energy dự định giải ngân tiếp 5,5 tỷ baht, trong đó bao gồm vốn cho dự án điện gió 71 MW tại Sóc Trăng. Đến năm 2025, khoảng 23,5 tỷ baht sẽ được tập đoàn sử dụng đến. Trong đó tại Việt Nam, công ty sẽ đầu tư vào dự án điện gió Phú Yên công suất 200 MW và điện gió Đăk Song công suất 50 MW.
Tập đoàn năng lượng Thái Lan là Gulf Energy Development cũng sở hữu danh sách dự án điện mặt trời tại Việt Nam gồm TTC1 và TTC2 sau khi mua lại cổ phần của CTCP Đầu tư năng lượng xanh TTC - thuộc Tập đoàn Thành Thành Công (TTC Group) với số tiền khoảng 1.000 tỷ đồng.
Đồng thời nhà sản xuất điện tư nhân hàng đầu tại Thái Lan này cũng đã gián tiếp sở hữu 95% cổ phần tại CTCP Điện gió Mê Kông để sở hữu dự án Điện gió ngoài khơi Bình Đại, tỉnh Bến Tre.
Tính đến tháng 6/2019, Gulf Energy cho biết họ đã sử dụng gần 1,7 tỷ baht (55,4 triệu USD) từ số tiền thu được từ IPO năm 2017 để đầu tư vào các dự án điện ở Việt Nam và Oman (quốc gia tại Trung Đông).
Tháng 7/2020, Gulf tiếp tục công bố mua 2 nhà máy điện gió với tổng công suất 100 MW tại huyện Ia Grai của tỉnh Gia Lai với giá khoảng 200 triệu USD thông qua việc mua cố phiếu của CTCP Đầu tư Năng lượng Điện Xanh Gia Lai.
Với công suất lên đến 420 MW, dự án điện mặt trời Dầu Tiếng ở Tây Ninh của CTCP Năng lượng Dầu Tiếng Tây Ninh được coi là một trong những dự án lớn nhất Đông Nam Á thời điểm 2019 về năng lượng sạch. Từ cuối 2019, một phần dự án này được B.Grimm Power mua lại.
Các nhà đầu tư đến từ Đông Á cũng dành nhiều chú ý với thị trường năng lượng Việt Nam. Ngày 14/5/2021, Hitachi Sustainable Energy, thành viên của Tập đoàn Hitachi (Nhật Bản) đã mua 35,1% cổ phần của CTCP Điện gió Trung Nam, đơn vị sở hữu dự án cùng tên với tổng vốn đầu tư tương đương 4.000 tỷ đồng.
Cũng tới từ xứ sở mặt trời mọc, Renova Inc đã mua lại 40% cổ phần trong bộ đôi nhà máy điện gió Phong Nguyên và Phong Huy ở Quảng Trị từ CTCP Xây lắp Điện I.
Tại Khánh Hoà, CTCP Đầu tư và Kinh doanh Golf Long Thành đã bán 70% cổ phần trong bộ đôi dự án điện mặt trời KN Cam Lâm và Cam Lâm BN cho Hanwha Energy Corporation Singapore Pte Ltd - thành viên của Hanwha Group đến từ Hàn Quốc.
Một số nhà đầu tư Trung Quốc cũng đã tích cực M&A dự án điện tái tạo trong nước. Chẳng hạn, Vina Solar Technology, bên cạnh vai trò doanh nghiệp FDI hàng đầu trong lĩnh vực sản xuất tấm pin mặt trời, năm 2019 đã mua lại dự án điện mặt trời VSP Bình Thuận 2.
Cũng trong năm 2019, Reonyuan Power Singapore - công ty con của Ningbo Boway Alloy Material - một tập đoàn Trung Quốc hoạt động trong lĩnh vực vật liệu hợp kim đã mua lại dự án điện mặt trời HCG Tây Ninh công suất 100 MW.
Vì sao nhà đầu tư nước ngoài phải đi đường vòng?
Điểm chung của các thương vụ trên, là những tập đoàn năng lượng nước ngoài hiếm khi tự đi phát triển dự án tại Việt Nam để tránh các vấn đề pháp lý, thủ tục.
Trong khi đó, một số nhà đầu tư trong nước sẽ thành lập doanh nghiệp, tiến hành nghiên cứu, khảo sát, làm thủ tục đầu tư dự án. Sau đó, họ kêu gọi và chuyển nhượng lại cổ phần tại doanh nghiệp cho các nhà đầu tư có khả năng thực hiện dự án.
Bộ Công Thương cũng từng khẳng định việc chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án năng lượng tái tạo là hoạt động bình thường trong cơ chế thị trường và được quy định trong Luật Đầu tư. Cơ quan này nhấn mạnh việc nhà đầu tư nước ngoài thông qua các nhà đầu tư trong nước để tham gia các dự án là tín hiệu tốt trong việc thu hút đầu tư đối với ngành điện.
Bộ Công Thương cho hay việc đi đường vòng như trên là cách để các tập đoàn nước ngoài tránh, giảm các rủi ro, thời gian và chi phí ở giai đoạn phát triển dự án như đền bù giải phóng mặt bằng, xin phê duyệt của chính quyền, đối tác địa phương, trung ương. Trong khi đó, đây lại là thế mạnh của các nhà đầu tư trong nước. Việc kết hợp giữa nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài sẽ mang lại hiệu quả tốt hơn cho dự án và cho nhà đầu tư.
Khi giải thích về lý do chọn đối tác tại địa phương để liên kết, ông Fernando Fernando Zobel de Ayala, Chủ tịch và Giám đốc Điều hành Tập đoàn Ayala (đơn vị liên doanh với BIM Group làm điện mặt trời) trên một tờ báo của Philippines cho biết: "Tôi nghĩ rằng khó đơn vị nước ngoài có thể đến vùng đất khác mà giải quyết các thách thức mà không có một đối tác địa phương”.
Việt Nam ở đâu trên thị trường năng lượng tái tạo Đông Nam Á?
Số liệu trong khảo sát của Chương trình đánh giá về năng lượng cho châu Á của Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy, Việt Nam có tiềm năng gió lớn nhất khu vực Đông Nam Á với tổng tiềm năng điện gió ước đạt 599 GW. Việt Nam cũng được đánh giá nằm trong khu vực có nguồn tài nguyên năng lượng mặt trời dồi dào. Uớc tính khu vực giữa biển Đông và ven bờ Nam Trung Bộ có tổng năng lượng trực xạ và bức xạ khá lớn từ 3.000 đến 5.000 Wh/m2/ngày.
Theo Quy hoạch Điện VIII, năng lượng tái tạo sẽ trở thành một phần quan trọng trong cơ cấu nguồn điện của Việt Nam đến năm 2050.
Có nhiều yếu tố thúc đẩy ngành năng lượng tái tạo phát triển nhanh chóng tại Việt Nam. Đầu tiên là mức tiêu thụ điện trong nước cao. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), Việt Nam là quốc gia sử dụng điện nhiều thứ hai trong khu vực Đông Nam Á. Điều này mở ra cơ hội lớn cho các tập đoàn nước ngoài đầu tư vào ngành năng lượng tại Việt Nam nói chung hay năng lượng tái tạo nói riêng.
Thứ hai, Việt Nam có nhiều tiềm năng địa lý tự nhiên rất lý tưởng cho sự phát triển của ngành năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện mặt trời và điện gió.
Theo các nhà phân tích quốc tế, Việt Nam là một trong những nước có số giờ nắng cao nhất châu Á (trung bình 1.500 đến 1.700 giờ mỗi năm), đặc biệt là ở khu vực miền nam, nơi tập trung phần lớn các khu sản xuất trong nước. Cường độ bức xạ mặt trời cũng không thay đổi đáng kể trong năm.
Ngoài ra, nhờ địa hình dài và hẹp gồm 3.000 km đường bờ biển và hệ thống đồi núi đa dạng, Việt Nam sở hữu nguồn tài nguyên gió đáng kể. Theo World Bank, 39% diện tích Việt Nam có vận tốc gió hơn 6 mét/giây ở độ cao 65 mét, tương đương công suất 512 GW.
Cuối cùng, những hỗ trợ đến từ chính phủ bao gồm các ưu đãi thuế và áp dụng cơ chế giá hỗ trợ mua điện từ các dự án năng lượng tái tạo (giá FIT) cũng góp phần lớn vào sự phát triển của ngành năng lượng tái tạo của Việt Nam.
Theo các chuyên gia quốc tế, nếu tiếp tục mở rộng ngành năng lượng tái tạo, thì Việt Nam sẽ nhanh chóng đạt vị trí cao hơn trên thị trường, thậm chí có thể vượt qua các quốc gia như Australia hay Italia về các giải pháp đổi mới và phát triển năng lượng tái tạo.