Logistics xanh là 'lá chắn kinh tế' giúp doanh nghiệp giảm gánh nặng chi phí dài hạn
Theo Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, việc chuyển hoá sang logistics xanh không chỉ là "lá chắn kinh tế" cần thiết mà còn giúp doanh nghiệp giảm gánh nặng chi phí dài hạn.
Phát biểu tại “Diễn đàn Logistics xanh - Sức bật trong biến động và kết nối cùng FIATA World Congress 2025” diễn ra chiều 11/7, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, cho biết việc đầu tư vào các phương tiện vận tải tiết kiệm nhiên liệu, sử dụng container thông minh, tối ưu hóa lộ trình và số hóa quản lý kho bãi không chỉ góp phần bảo vệ môi trường mà còn giúp doanh nghiệp giảm gánh nặng chi phí dài hạn.
Logistics xanh: 'Lá chắn kinh tế' và là hàng rào bắt buộc
Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương. (Ảnh: BTC).
Ông nhấn mạnh, trong bối cảnh giá dầu và chi phí vận chuyển thường xuyên biến động, đây thực sự là một "lá chắn kinh tế" cần thiết. Hơn nữa, với xu hướng phát triển bền vững toàn cầu, logistics xanh đang dần trở thành tiêu chuẩn mới của thị trường xuất khẩu và là yêu cầu từ khách hàng.
Tại Việt Nam, ngành logistics đang nhận được nhiều điều kiện thuận lợi từ Nhà nước, đặc biệt là sự quan tâm đầu tư và mở rộng hạ tầng giao thông, với hệ thống đường cao tốc trọng điểm giúp doanh nghiệp vận tải tiết kiệm thời gian và chi phí.
Bên cạnh đó, ngành logistics cũng đang đón nhận cơ hội lớn từ sự bùng nổ của thương mại điện tử. Năm 2024, quy mô thị trường thương mại điện tử bán lẻ Việt Nam ước đạt 25 tỷ USD, tăng 20% so với năm trước.
Tuy nhiên, ông Trần Thanh Hải cũng cho biết doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn gặp khó do hạ tầng chưa đồng bộ, chi phí đầu tư lớn và thiếu đội ngũ chuyên gia chuyển đổi xanh.
Vì vậy, đại diện Bộ Công Thương đề xuất là chuyển đổi sang phương tiện vận tải sử dụng năng lượng tái tạo như hydrogen, LNG, điện mặt trời; tối ưu vận hành bằng công nghệ số; đầu tư cảng, kho thông minh và bù trừ phát thải thông qua trồng rừng.
Ông Phạm Tấn Công Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI). (Ảnh: BTC).
Còn theo ông Phạm Tấn CôngChủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI),những tiêu chuẩn ESG, Net Zero, thuế biên giới carbon… đang dần trở thành hàng rào kỹ thuật buộc doanh nghiệp phải chuyển đổi để tồn tại.
Một khảo sát của Hội đồng vì sự phát triển bền vững thuộc VCCI cho thấy, các chuỗi cung ứng toàn cầu ngày càng đặt yêu cầu cao hơn đối với việc xanh hóa toàn bộ các mắt xích, bao gồm thiết kế, vận hành, thu mua, logistics và xử lý chất thải.
Vì vậy, logistics xanh không còn là lựa chọn, mà là điều kiện sống còn cho doanh nghiệp Việt Nam trong chiến lược phát triển bền vững toàn cầu.
Chi phí logistics của Việt Nam hiện khoảng 16 -18% GDP
Ông Đào Trọng Khoa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA). (Ảnh: BTC).
Từ góc độ doanh nghiệp, ông Đào Trọng Khoa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) cho biết, ngành logistics Việt Nam đã từng bước bắt đầu quá trình chuyển đổi này và đặc biệt trong giai đoạn gần đây, việc chuyển đổi ba yếu tố: Công nghệ - số hóa - xanh hóa đang được các doanh nghiệp thực hiện một cách tích cực và đích thực.
"Nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu chuyển sang sử dụng những năng lượng thân thiện môi trường và tái tạo, giảm thiểu sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch", ông Khoa cho biết.
Với từng ngành cụ thể, ông Khoa cho biết,trong lĩnh vực vận tải đường bộ, các doanh nghiệp đang áp dụng giải pháp tối ưu hóa lộ trình, giảm thiểu quãng đường rỗng, qua đó gián tiếp tiết kiệm năng lượng và giảm phát thải. Việc đầu tư vào phương tiện và phương thức vận tải xanh cũng là một trong những giải pháp trọng tâm.
Với lĩnh vực đường thuỷ, doanh nghiệp đã đầu tư vào đội tàu mới để thúc đẩy vận tải thủy nội địa, gia tăng thị phần vận tải thủy nhằm giảm thiểu vận tải đường bộ.
Nhấn mạnh với sự đầu tư mạnh mẽ của Chính phủ vào hạ tầng giao thông và việc doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ mới, chi phí logistics tại Việt Nam đang được cải thiện tích cực, ông Khoa cho biết, trung bình chi phí logistics của Việt Nam hiện ở mức khoảng 16-18% GDP.
Cùng đó, việc đầu tư vào hạ tầng, công nghệ và ứng dụng chuyển đổi số đang giúp cắt giảm đáng kể chi phí vận hành, từ đó giảm chi phí logistics tổng thể.
Chủ tịch VLA nhận định, ngành logistics Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn, đặc biệt là với đặc thù đa phần là doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME). Ngành logistics cần có những bàn tay nối dài, đồng lòng để hỗ trợ những doanh nghiệp bắt đầu công cuộc chuyển đổi số.
"Việt Nam chúng ta để nắm bắt được những công nghệ hay là những giải pháp mới và để làm ra chúng ta có thể chuyển đổi xanh nhanh chóng và mạnh mẽ nhất. Chuyển đổi xanh không chỉ là cam kết mà là một cuộc cách mạng trong ngành logistics Việt Nam", ông Khoa cho biết.