Nhà máy xử lý rác Cà Mau đóng cửa, đừng để doanh nghiệp lợi dụng thế độc quyền tạo áp lực
Nhà máy xử lý rác thải duy nhất của Cà Mau tạm ngừng nhận rác từ 16.6, địa phương lên phương án đem rác đi chôn.
Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt lớn nhất Cà Mau đóng cửa, rác sinh hoạt tập kết để đem chôn. Ảnh: Nhật Hồ
Đây là lần thứ 4 nhà máy xử lý rác đóng cửa, mỗi lần nhà máy đóng cửa là mỗi lần địa phương phải căng mình giải quyết rác ùn ứ, gây ô nhiễm môi trường.
Lần này, vì sao nhà máy lại đóng cửa?
Ông Huỳnh Thanh Dũng - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Cà Mau - cho biết, Công ty TNHH Xây dựng - Thương mại - Du lịch Công Lý (Công ty Công Lý) - đơn vị vận hành Nhà máy rác thành phố Cà Mau - chưa đáp ứng đầy đủ thủ tục theo quy định nên chưa trình phê duyệt đơn giá xử lý rác.
Về phía doanh nghiệp, ông Tô Hoài Dân - Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Công Lý cho biết, đơn giá xử lý rác thải từ mười năm không thay đổi khiến công ty vận hành thua lỗ, thu không đủ bù chi.
Trước đó, Công ty đã nhiều lần xin được điều chỉnh giá dịch vụ xử lý rác. Công ty đề xuất đơn giá xử lý rác 478 nghìn đồng/tấn nhưng chưa được đồng ý.
Nhà máy xử lý rác dừng hoạt động, tỉnh Cà Mau đưa ra phương án chôn rác tại nhiều nơi. Sở Nông nghiệp và Môi trường trao đổi với các địa phương để thống nhất tạm thời sử dụng bãi chôn lấp rác thải tại chỗ. Riêng huyện Phú Tân, Năm Căn và Ngọc Hiển cũ sẽ thu gom, vận chuyển về bãi rác xã Phan Ngọc Hiển để chôn lấp.
Tỉnh tự triển khai chôn lấp rác, nhưng vấn đề đặt ra là các xã, phường đã có các điểm chôn lấp được quy hoạch trước chưa.
Chôn lấp rác phải có chuyên môn, có doanh nghiệp được cấp phép hoạt động trong lĩnh vực xử lý rác, công nghệ chôn lấp cũng được các cơ quan quản lý chấp thuận, phê duyệt. Do đó, để cho các địa phương tự thu gom, vận chuyển, chôn lấp vẫn phải đảm bảo các quy định về xử lý rác thải.
Giao cho các địa phương tự thu gom, vận chuyển, chôn lấp rác cũng phải chi một khoản ngân sách, cách tính toán như thế nào, bao nhiêu tiền cho việc xử lý 1 tấn rác, đơn vị nào sẽ kiểm tra, giám sát?
Tỉnh Cà Mau cũng cần bàn bạc với Công ty Công Lý, thống nhất phương án giá phù hợp để nhà máy sớm hoạt động trở lại.
Nhưng địa phương cần mời gọi đầu tư xây dựng nhà máy xử lý rác để chủ động hơn. Chỉ một nhà máy xử lý rác, tỉnh Cà Mau bị doanh nghiệp tạo áp lực, muốn đóng cửa là đóng cửa, dẫn đến bị động trong xử lý rác thải.
Có nhiều nhà máy xử lý rác hoạt động, cạnh tranh sẽ tạo ra công bằng, tăng chất lượng và hiệu quả.