"Phép màu kinh tế" Trung Quốc dành cho Việt Nam là gì?
Theo chuyên gia, các quốc gia như Việt Nam đang trở thành những trung tâm sản xuất hàng đầu trong quá trình dịch chuyển chuỗi cung ứng từ Trung Quốc.
Sau hơn 4 thập kỷ kể từ khi Trung Quốc cải cách và mở cửa nền kinh tế, quốc gia này đã xây dựng được những chuỗi cung ứng lớn nhất và quan trọng nhất toàn cầu. Phần lớn hoạt động cung ứng này diễn ra ở vùng đồng bằng sông Dương Tử và Châu Giang, nơi các khu công nghiệp và các cơ sở hạ tầng kết hợp cùng với lực lượng lao động lớn để sản xuất mọi mặt hàng: từ đồ may mặc cho đến điện thoại thông minh. Đặc biệt, chuỗi cung ứng đang phát triển nổi bật nhất tại các thành phố như Thâm Quyến, nơi ngành công nghiệp công nghệ cao của Trung Quốc đang thiết kế, sản xuất và vận chuyển các sản phẩm hàng đầu toàn cầu.
Nhưng ngay khi năng lực công nghiệp của Trung Quốc đang đạt đến đỉnh cao, các cấm vận thương mại từ phương Tây đã đẩy nhiều bộ phận trong chuỗi cung ứng đang dịch chuyển ra nước ngoài, định hình lại toàn bộ ngành công nghiệp nước này. Để duy trì doanh số bán hàng, các công ty Trung Quốc đang đầu tư số tiền khổng lồ và xây dựng cơ sở sản xuất ở những nước như: Việt Nam, Indonesia, Mexico và thậm chí là Mỹ.
Sản xuất đồ may mặc ở khu công nghiệp Thuận An, tỉnh Bình Dương. Nguồn ảnh: Brent Lewin, Bloomberg. |
Theo ông Chris Pereira, giám đốc điều hành công ty cố vấn doanh nghiệp iMpact, sự dịch chuyển này đang làm tăng trưởng nguồn vốn đầu tư và việc làm ở các quốc gia mà Trung Quốc chọn để xây dựng các cơ sở sản xuất. Việt Nam, nước có chung đường biên giới với Trung Quốc, đang được hưởng "phép màu kinh tế" từ sự dịch chuyển này.
Năm ngoái, công ty Strategic Sports của Trung Quốc - nhà sản xuất mũ bảo hiểm lớn nhất trên thế giới đã quyết định chi 30 triệu đô để xây dựng một nhà máy ở Việt Nam. Một khi hoàn thành, nhà máy này dự kiến sẽ tạo ra 400 việc làm mới và xuất khẩu 8 triệu mũ bảo hiểm mỗi năm.
Việt Nam đặc biệt là điểm đến hấp dẫn cho chuỗi cung ứng các sản phẩm công nghiệp chất lượng cao, đặc biệt là với các công ty công nghệ lớn như Apple, vốn đã đặt Trung Quốc là trung tâm chuỗi cung ứng của mình. Cuối tháng 12 năm ngoái, Apple đã phối hợp với nhà cung ứng BYD của Trung Quốc để chuyển nguồn lực thiết kế và phát triển iPad từ nước này đến Việt Nam. Theo Nikkei, việc xác minh kỹ thuật để sản xuất thử nghiệm mẫu iPad mới bắt đầu vào giữa tháng 2 năm 2024, và có thể sản phẩm sẽ được bày bán vào cuối năm nay.
Hơn nữa, theo ông Liu Kaiming, người đứng đầu Viện Quan sát Đương đại (Trung Quốc), các công ty nước này cũng đang tái xuất khẩu các nguyên liệu thô sang Việt Nam để sản xuất, qua đó thúc đẩy thương mại song phương hai nước. Ông nhận xét: “Một số lượng lớn các công ty Trung Quốc sẽ tiếp tục đầu tư vào năng lực ở nước ngoài để tồn tại. Xu hướng này sẽ không dừng lại.”
Trong bối cảnh Trung Quốc trở thành nước dẫn đầu toàn cầu về công nghệ và năng lượng sạch, và Mỹ đang tìm cách hạn chế và cấm vận Trung Quốc, việc chuyển giao kiến thức từ Trung Quốc sang các nước lân cận cũng sẽ có ý nghĩa quan trọng về lâu dài. Thực tế, theo ông Chris Pereira, những hoạt động sản xuất và đầu tư từng là yếu tố chính giúp Trung Quốc phát triển chuỗi cung ứng đẳng cấp thế giới, và cuối cùng đã dẫn đến sự ra đời của các công ty công nghệ ấn tượng như ngày nay. Chia sẻ với South China Morning Post, ông viết: “Chẳng có lý do gì mà điều tương tự lại không thể xảy ra với Việt Nam.”
Năm 2023, Trung Quốc trở thành nước có vốn đấu tư FDI lớn thứ 4 vào Việt Nam, với tổng vốn trong năm là hơn hơn 8,8 tỷ USD. Được biết, các nhà đầu tư Trung Quốc đã đầu tư vào Việt Nam tổng cộng là 4.161 dự án, với tổng vốn đăng ký trên 27 tỷ USD, đứng thứ 6 trong tổng số 144 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Riêng 11 tháng năm 2023, Trung Quốc dẫn đầu về số dự án cấp mới vào Việt Nam – 632 dự án, tổng vốn hơn 3 tỷ USD (cao thứ 2 về vốn đăng ký). |