Bạc Liêu: Đẩy mạnh các mô hình lúa giảm phát thải
Nhằm giảm phát thải nhà kính và nâng cao hiệu quả canh tác, tỉnh Bạc Liêu đã xây dựng các mô hình sản xuất lúa chất lượng cao, lúa - tôm, lúa hữu cơ…
Giảm chi phí - tăng lợi nhuận
Bạc Liêu đang tập trung xây dựng các vùng chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp, với mục tiêu đến năm 2025 sẽ có 28.000ha và đến năm 2030 là 46.000ha. Đây là một phần trong Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030”.
![]() |
Mô hình sản xuất lúa theo Chương trình 1 triệu ha lúa chất lượng cao tại Bạc Liêu. Ảnh: M.Đ |
Với chiến lược này, Bạc Liêu đang từng bước xây dựng vùng chuyên canh lúa chất lượng cao, giảm phát thải thống nhất với các quy hoạch phát triển tỉnh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Việc kết hợp giữa mô hình sản xuất lúa thuận thiên và các tiêu chuẩn canh tác bền vững không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao mà còn tạo ra một nền nông nghiệp xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Trong giai đoạn 1 (từ năm 2024 - 2025), ngành nông nghiệp tỉnh Bạc Liêu sẽ tập trung rà soát, chọn vùng tham gia thực hiện Đề án, xây dựng kế hoạch đăng ký, triển khai thực hiện theo từng năm. Trong đó, chú trọng hoàn thiện các tiêu chí về quy hoạch và cơ sở hạ tầng; canh tác bền vững và tăng trưởng xanh; tổ chức sản xuất; doanh nghiệp tham gia liên kết.
Trong giai đoạn 2 (từ năm 2026 - 2030), ngành sẽ tập trung vào các hoạt động mở rộng diện tích, đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng cho những vùng diện tích mới, tổ chức lại sản xuất, xây dựng chuỗi giá trị, hoàn thiện ứng dụng hệ thống đo đạc - báo cáo - thẩm định, đồng thời duy trì sản xuất bền vững ở những vùng đã đạt các mục tiêu của Đề án giai đoạn 2024 - 2025.
Tại TP. Cần Thơ, vụ Đông - Xuân 2024 - 2025, mô hình lúa chuyên canh chất lượng cao, phát thải thấp này giúp giảm chi phí sản xuất từ 3 - 3,5 triệu đồng/ha so với canh tác truyền thống, đồng thời mang về lợi nhuận khoảng 30 triệu đồng/ha.
Mô hình được triển khai tại Hợp tác xã Tiến Dũng, xã Thạnh Phú, huyện Cờ Đỏ, TP. Cần Thơ, mô hình này đã giúp giảm chi phí từ 3 - 3,5 triệu đồng/ha so với phương pháp canh tác truyền thống, đồng thời năng suất lúa đạt từ 8,8 - 9,5 tấn/ha, cao hơn 0,1 - 0,72 tấn/ha so với ruộng đối chứng. Nhờ đó, lợi nhuận ước đạt khoảng 30 triệu đồng/ha, cao hơn từ 5,9 - 8,9 triệu đồng/ha so với phương pháp truyền thống.
Mô hình này không chỉ giúp nông dân giảm chi phí mà còn giảm thiểu phát thải khí nhà kính. Nhờ vào việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật như sạ thưa, bón phân vùi và sử dụng giống lúa chất lượng cao Đài Thơm 8, nông dân đã thực hiện việc tưới nước ngập - khô xen kẽ, giúp tiết kiệm nước và giảm lượng phân đạm. Việc giảm giống từ 120kg/ha xuống còn 60 - 70kg/ha, kết hợp với phương pháp sạ cụm và vùi phân, tăng hiệu quả sử dụng phân bón, là một phần của chiến lược giảm giá thành sản xuất và phát thải khí nhà kính.
Ứng dụng công nghệ, giảm phát thải
Bên cạnh mô hình xây dựng các vùng chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp, ngành Nông nghiệp Bạc Liêu đã và đang triển khai nhiều mô hình thí điểm ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng lúa gạo. Các mô hình như “3 giảm - 3 tăng”, “1 phải - 5 giảm”, tưới ngập khô xen kẽ, quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), cùng với việc áp dụng các tiêu chuẩn về sản xuất hữu cơ, sản xuất lúa sạch, lúa an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP đã được nhân rộng. Theo đó, nông dân áp dụng các mô hình này trên 80% diện tích gieo trồng mỗi năm, mang lại lợi nhuận tăng thêm từ 3 - 5 triệu đồng/ha/vụ.
![]() |
Bạc Liêu là một trong những địa phương tiên phong triển khai mô hình tôm lúa. Ảnh: Huyền Trang |
Điển hình là mô hình tưới ngập khô xen kẽ, được Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh phối hợp với Dự án GIZ triển khai trên cánh đồng lớn. Nhờ giảm chi phí, tăng năng suất lợi nhuận của mô hình này tăng thêm hơn 5 triệu đồng/ha”. Mô hình tưới ngập khô xen kẽ đạt hiệu quả cao nên được Hợp tác xã Nông nghiệp Nam Hưng (xã Vĩnh Hưng, huyện Vĩnh Lợi) nhân rộng ra toàn diện tích với 100% xã viên áp dụng vào sản xuất.
Ngoài mô hình tưới ngập khô xen kẽ, Hợp tác xã Thanh Sơn (xã Vĩnh Bình, huyện Hòa Bình) cũng xây dựng quy trình sản xuất lúa an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP. Hợp tác xã đã được Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc (FAO) cấp Giấy chứng nhận VietGAP trên diện tích 60ha với 42 hộ xã viên. Trong quá trình sản xuất, các xã viên luôn tuân thủ quy trình, tiêu chuẩn VietGAP, từ khâu đánh giá và lựa chọn vùng sản xuất, quản lý đất, lúa giống, phân bón, nước, đến việc ghi chép sổ nhật ký đầy đủ. Điều này không chỉ đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng mà còn giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường, góp phần xây dựng một nền nông nghiệp bền vững.
Bạc Liêu cũng chú trọng phát triển nông nghiệp theo chuỗi giá trị, liên kết sản xuất với tiêu thụ sản phẩm. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bạc Liêu - Huỳnh Hữu Trí nhấn mạnh: "Bạc Liêu là một tỉnh thuần nông, hàng năm có tổng sản lượng lúa gần 1,2 triệu tấn, đóng góp cho mục tiêu an ninh lương thực quốc gia và phục vụ xuất khẩu. Xác định nông nghiệp, trọng tâm là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nâng cao hiệu quả sản xuất tôm, lúa gạo là một trong 5 trụ cột phát triển kinh tế - xã hội, nên tỉnh tập trung nguồn lực đầu tư, tổ chức sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị, liên kết bao tiêu sản phẩm; ưu tiên các nguồn tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp…”.
Với những bước đi bài bản và quyết liệt, Bạc Liêu đang từng bước hiện thực hóa mục tiêu phát triển nông nghiệp thông minh, giảm phát thải khí nhà kính. Các mô hình sản xuất bền vững không chỉ giúp nông dân nâng cao thu nhập mà còn góp phần bảo vệ môi trường, hướng tới một nền nông nghiệp xanh và bền vững trong tương lai. |