Các tài sản công dôi dư sau sáp nhập được tỉnh Thanh Hóa xử lý thế nào?
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thanh Hóa Lại Thế Nguyên vừa có chuyến “vi hành” và chỉ đạo các đơn vị có phương án chuyển đổi, sử dụng hiệu quả tài sản công.
Theo cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa, sau khi sát nhập, hiện tỉnh này có nhiều công sở, đơn vị hành chính dôi dư gồm: Trụ sở làm việc cấp xã, trung tâm văn hoá cấp xã, trạm y tế cấp xã, nhà văn hoá; trụ sở các đơn vị sự nghiệp công lập cấp huyện; trụ sở các cơ quan Nhà nước của Trung ương trên địa bàn.
Cảng cá xã Hoằng Phụ, huyện Hoằng Hoá, tỉnh Thanh Hóa bỏ hoang nhiều năm nay |
Do nhiều lý do, đến nay, các tài sản công dôi dư sau khi sắp xếp cơ quan, đơn vị hành chính vẫn chưa được sử dụng hợp lý. Nhiều tài sản không sử dụng trong thời gian dài đã bị hư hỏng, xuống cấp. Việc chuyển đổi công năng sử dụng, bàn giao công trình, tài sản công cho cơ quan, đơn vị khác quản lý, sử dụng chưa nhiều, gây lãng phí tài sản của Nhà nước. Nguyên nhân khách quan là do hệ thống văn bản hướng dẫn của Trung ương về xử lý tài sản công dôi dư sau sát nhập các đơn vị hành chính, đơn vị sự nghiệp chưa rõ ràng, cụ thể. Bên cạnh đó, quy trình, thủ tục xử lý nhà, đất, trụ sở của các cơ quan, đơn vị còn phức tạp. Trong đó, đối với các công trình nhà văn hoá thôn, xóm, tổ dân phố dôi dư có khó khăn do hồ sơ pháp lý, vì để chứng minh nguồn gốc tài sản không có, do nguồn vốn đầu tư xây dựng các công trình được huy động từ nguồn đóng góp của nhân dân.
Nguyên nhân chủ quan là do cấp uỷ, chính quyền các địa phương chưa tích cực, chủ động trong việc xây dựng phương án, cũng như tiến hành trình tự, thủ tục pháp lý để xử lý tài sản công dôi dư; các cơ quan chuyên môn của tỉnh chưa sâu sát, tích cực trong việc đôn đốc, hướng dẫn thực hiện xử lý tài sản dôi dư.
Để sớm có phương án chuyển đổi, sử dụng hiệu quả tài sản công dôi dư, mới đây, ông Lại Thế Nguyên, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Thanh Hóa - Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã tỉnh Thanh Hoá đã có chuyến “vi hành” và chỉ đạo, khẩn trương xây dựng văn bản hướng dẫn các đơn vị về quy trình, thủ tục chuyển đổi mục đích, công năng sử dụng các công trình. Trong đó, đề xuất giải quyết dứt điểm các nhà văn hoá thôn, bản, tổ dân phố dôi dư theo hướng bàn giao lại cho cộng đồng dân cư quản lý và sử dụng, tạo điều kiện cho người dân tổ chức các hoạt động sinh hoạt văn hoá tại cộng đồng.
Công sở UBND xã Nga Hưng, huyện Nga Sơn bị bỏ hoang sau khi sáp nhập. |
Đối với các huyện, kiểm tra và yêu cầu bố trí nhân lực trông coi, bảo vệ các công trình dôi dư hiện không sử dụng; chỉ đạo xử lý dứt điểm các công trình trụ sở làm việc của cấp xã dôi dư theo hướng công trình nào đã có phương án bàn giao cho cơ quan, đơn vị nhà nước, các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội ở địa phương quản lý, sử dụng thì thực hiện thủ tục để bàn giao và đưa vào sử dụng.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Thanh Hóa chỉ đạo sẽ khuyến khích bàn giao các tài sản công dôi dư chưa sử dụng cho lực lượng công an xã, thị trấn nhằm thực hiện chủ trương của Bộ Công an về xây dựng trụ sở làm việc cho lực lượng công an xã, thị trấn.
Ông Lại Thế Nguyên cũng yêu cầu, đối với các công trình, tài sản dôi dư khác thuộc quản lý của địa phương, thì xây dựng phương án chuyển đổi công năng, mục đích sử dụng cho phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của địa phương đã được phê duyệt, đảm bảo thiết thực, hiệu quả. Trong thời gian chưa xây dựng được phương án xử lý thì nghiên cứu giao cho các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể cấp xã quản lý, sử dụng để làm việc.
Để giải quyết dứt điểm tình trạng này, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lại Thế Nguyên giao Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đầu Thanh Tùng yêu cầu Sở Tài chính có văn bản tham mưu cho UBND tỉnh tổ chức quản lý các tài sản khoa học, không để tài sản bị xuống cấp, hư hỏng. Đề nghị Sở Tài chính có báo cáo tổng quát về thực trạng các loại tài sản dôi dư theo 3 nhóm trên địa bàn toàn tỉnh, đồng thời đề xuất hướng xử lý. Cùng với đó, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy yêu cầu các địa phương, sau khi có quy hoạch xây dựng, kế hoạch sử dụng đất, xây dựng phương án chuyển đổi phù hợp.
Trong đó, trước hết phải giải quyết dứt điểm tình trạng dôi dư các nhà văn hóa thôn, tổ dân phố theo phương án bàn giao cho cộng đồng để nhân dân quản lý, sử dụng.
Đối với nhóm công sở cấp xã, những cái nào đã có phương án bàn giao cho cơ quan Nhà nước khác quản lý, sử dụng thì bàn giao ngay. Đối với các cơ sở dôi dư còn lại, huyện cần xây dựng phương án xử lý phù hợp quy hoạch, phương án sử dụng đất nhằm phát huy hiệu quả kinh tế.
Được biết, giai đoạn 2019 -2021, tỉnh Thanh Hóa là địa phương có số lượng đơn vị hành chính cấp xã được sắp xếp lớn nhất cả nước với 143 xã, phường, thị trấn. Sau khi thực hiện sáp nhập, toàn tỉnh giảm 76 đơn vị, đồng thời cũng phát sinh việc các công sở, trường học, nhà văn hoá, trạm y tế bị dôi dư.
Tỉnh Thanh Hoá đã sắp xếp, xử lý được gần 60% tổng số cơ sở nhà đất dôi dư, chỉ còn lại hơn 600 cơ sở nhà đất của 27 huyện, thị xã, thành phố, trong đó có hơn 270 cơ sở là nhà văn hoá, 370 cơ sở là công sở, trường học, trạm y tế vẫn vướng các quy định để xử lý.