Chi phí nâng cấp sân bay quốc tế Đà Nẵng có thể hơn 30.000 tỉ đồng
Ngày 21-11, UBND TP Đà Nẵng có Tờ trình số 189 gửi Bộ Giao thông Vận tải đề nghị thẩm định, phê duyệt quy hoạch điều chỉnh Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo tờ trình, tính cả chi phí quản lý dự án, giải phóng mặt bằng, dự phòng, tổng nhu cầu vốn đầu tư dự án lên đến 30.999 tỉ đồng. Việc huy động vốn sẽ chia làm 3 giai đoạn, trên cơ sở nhu cầu sử dụng của cảng hàng không và tiến độ xây dựng của từng hạng mục công trình.
Theo đề xuất của UBND Đà Nẵng, Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng là sân bay cấp 4E theo quy định của ICAO và sân bay quân sự cấp 1, công suất phục vụ đạt 25 triệu lượt hành khách/năm đến năm 2030, đạt 30 triệu lượt hành khách/năm đến năm 2050; công suất vận chuyển hàng hóa 200.000 tấn/năm; có 92 vị trí sân đỗ máy bay; máy bay khai thác là các loại từ mã E trở xuống như B747, B777, B787, A320, A321, A350 và tương đương, dự bị cho tàu bay mã F (B747-8), máy bay quân sự cấp I.
Cảng Hàng không quốc tế Đà Nẵng
Để đạt các mục tiêu quy hoạch nói trên trong thời kỳ sau 2030, Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng sẽ xây dựng mới đường cất hạ cánh 35L/17R có tim đường cách tim đường cất hạ cánh 35R/17L khoảng 375 m, kích thước 3.190 m x 45 m. Đối với sân đỗ máy bay, trong thời kỳ 2021-2030, UBND TP Đà Nẵng đề xuất mở rộng sân đỗ tàu bay về phía đông đạt 73 vị trí; giai đoạn sau 2030 sẽ xây dựng mới sân đỗ phía tây với 19 vị trí đỗ.
Về nhà ga hành khách, thời kỳ 2021-2030, chính quyền Đà Nẵng đề xuất giữ nguyên nhà ga T2 hiện hữu khai thác quốc tế; mở rộng nhà ga T1 về phía đông nam sân bay (2 nhà ga sẽ được kết nối với nhau bởi cầu nối dài 170 m). Thời kỳ sau năm 2030 sẽ xây dựng nhà ga quốc nội T3 về phía đông nam đạt năng suất phục vụ 15 triệu lượt hành khách/năm, diện tích xây dựng nhà ga là 9.475 m2, 2 cao trình; cải tạo nhà ga T1 kết hợp nhà ga T2 khai thác quốc tế.
Giai đoạn 2021-2022, UBND Đà Nẵng kiến nghị xây dựng nhà ga hàng hóa phía đông; thời kỳ sau năm 2030 sẽ xây dựng nhà ga hàng hóa phía tây kết hợp với khu logistics hàng không. Theo UBND Đà Nẵng, việc huy động vốn đầu tư trong khuôn khổ của đồ án quy hoạch được phân thành 3 giai đoạn.
Cụ thể, giai đoạn từ 2021-2025 có nhu cầu vốn là 6.623 tỷ đồng; giai đoạn từ 2025 đến năm 2030 là 9.455 tỷ đồng; giai đoạn sau năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là 7.921 tỷ đồng. Nếu tính cả chi phí quản lý dự án, giải phóng mặt bằng, dự phòng thì tổng nhu cầu vốn đầu tư theo quy hoạch điều chỉnh Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng lên tới 30.999 tỷ đồng.
Tính đến thời điểm hiện tại, sân bay Đà Nẵng là sân bay có cơ sở hạ tầng được đầu tư cơ bản hoàn chỉnh, đạt cấp 4E theo tiêu chuẩn ICAO. Với diện tích hơn 860ha, sân bay có 2 đường cất hạ cánh dài tương đương 3.500m, đủ sức khai thác các loại tàu bay lớn như B747, B777, B767-300, A300-600, A320/321... Sân bay còn có 17 đường lăn, riêng sân đỗ có khả năng bố trí được 35 vị trí cho tàu bay dân dụng, cùng nhiều hạng mục quan trọng khác, nên đủ để đáp ứng vận hành khai thác bay liên tục 24/7. Đi cùng với đó, nhà ga quốc tế T2 đạt tiêu chuẩn quốc tế 4 sao cũng là điểm cộng của sân bay này. Với cơ sở vật chất như trên, Cảng HKQT Đà Nẵng hiện đang được 35 hãng hàng không trong nước và quốc tế chọn làm điểm khai thác đường bay thường lệ và charter. Trong đó có 30 hãng hàng không quốc tế kết nối đến 39 địa điểm quốc tế tại các quốc gia và vùng lãnh thổ như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan, HongKong, Macau, Thái Lan, Quata, Campuchia, Malaysia, Singapore, Indonesia…