A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cước vận tải container sang châu Âu tăng gấp đôi trong chưa đầy hai tháng

Tính đến ngày 20/6, cước vận tải container đi từ Thượng Hải đến cảng Rotterdam (Hà Lan) đã tăng gấp đôi so với hồi đầu tháng 5. Mức giá này tương đương khoảng 45% so với mức cao kỷ lục thiết lập hồi tháng 9/2021, thời điểm giá cước tăng phi mã do ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19.

Cước vận tải container tăng mạnh

Giá vận chuyển hàng hóa container bằng đường biển đi các nước Châu Âu và Mỹ đang có xu hướng tăng mạnh do tình hình tắc nghẽn cảng biển tại một số cảng tại Châu Á.

Xung đột địa chính trị, đặc biệt khu vực Biển Đỏ khiến các tàu lựa chọn đi vòng qua mũi Hảo Vọng khiến thời gian di chuyển kéo dài, chi phí tăng lên và thời gian quay vòng container kéo dài ra. Trong khi đó, quý II là cao điểm của vận tải hàng hoá bằng container.

Theo thống kê về chỉ số giá vận chuyển container của trang Drewry (Trung tâm nghiên cứu hàng hải độc lập cung cấp thông tin về thị trường hàng hải), giá dịch vụ vận tải container từ Châu Á đi Châu Âu, tăng mạnh bắt đầu từ tháng 5.

Tính đến ngày 20/6, cước vận tải container đi từ Thượng Hải đến cảng Rotterdam (Hà Lan) là hơn 6.800 USD/FEU (container loại 40 feet), tăng gấp đôi so với hồi đầu tháng 5. Mức giá này tương đương khoảng 45% so với mức cao kỷ lục thiết lập hồi tháng 9/2021 - thời điểm giá cước tăng phi mã do ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19.

Tương tự cước vận tải của chuyến đi từ Thượng Hải đến New York tăng khoảng 45% so với đầu tháng 5 lên 7.552 USD/FEU.

Cước vận tải tuyến từ Thượng Hải đến Mỹ và châu Âu (Nguồn: MacroMicro)

Giá cước vận tải biển container được điều tiết theo thị trường quốc tế, biến động theo cung cầu thị trường, Việt Nam là một mắt xích trong chuỗi cung ứng hàng hoá trên toàn cầu, do vậy giá cước vận tải của Việt Nam cũng bị điều chỉnh theo giá chung của thị trường thế giới.

Theo Cục Hàng hải Việt Nam, sản lượng hàng hoá container xuất nhập khẩu thông qua cảng biển Việt Nam trong 5 tháng đầu năm 2024 đạt 7,56 triệu TEU, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2023, đây là tốc độ tăng trưởng cao nhất trong 5 năm gần đây. Đồng thời đây là mức tăng trưởng này cao gấp 3 lần tốc độ trung bình trong 5 năm là 5,5%.

Cục Hàng hải Việt Nam cho biết theo báo cáo của một số hãng tàu, hiện tại thị trường Trung Quốc đang cần một lượng vỏ container lớn để phục vụ xuất khẩu hàng sang Mỹ trước ngày 1/8 nên hiện có tình trạng các hãng tàu có xu hướng chuyển vỏ container rỗng sang thị trường Trung Quốc, có thể ảnh hưởng đến tình hình cân bằng vỏ container rỗng, tuy nhiên dự báo tình hình này sẽ sớm chất dứt.

Việc cước tàu tăng ảnh hưởng tới một số doanh nghiệp xuất khẩu. Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Đức Huy -Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV xuất nhập khẩu 2-9 Đắk Lắk (Simexco DakLak) cho biết nhiều doanh nghiệp xuất hồ tiêu vừa qua chịu thiệt hại kép vì giá nguyên liệu và giá cước vận tải tăng.

“Chúng tôi phải chịu lỗ nhiều vì cước tàu tăng quá nhanh chỉ trong thời gian ngắn, cước tàu sang Châu Âu tăng gấp đôi”, ông Huy cho biết.

Cước vận tải có thể tiếp tục tăng

Tình trạng giá cước tăng được dự đoán sẽ còn kéo dài trong thời gian tới. Tại ĐHĐCĐ thường niên diễn ra sáng 25/6, lãnh đạo của CTCP Gemadept (Mã: GMD) cho biết sau thời điểm tăng nóng 2020-2022 thì đã hạ nhiệt và đến cuối 2023 mới hồi phục tốt trở lại. Hiện giá cước đi các tuyến vận tải đang tăng 300% so với cùng kỳ 2023.

“Chúng tôi tin tình trạng giá cước trên tất cả các tuyến sẽ tăng đến hết 2024 do các biến động tại Biển đỏ, xung đột chính trị, tình trạng thiếu tàu, thiếu thiết bị sẽ khó có thể khắc phục trong thời gian ngắn”, đại diện Gemadept cho biết.

Trong báo cáo phân tích mới đây, các chuyên gia của Chứng khoán SSI (SSI Research) cũng cho rằng căng thẳng địa chính trị đã được phản ánh một phần vào giá cước vận chuyển và giá thuê tàu định hạn đối với tàu chở dầu (do tác động của căng thẳng Nga-Ukraine từ năm 2022) trong năm 2023, và có thể là yếu tố hỗ trợ cho giá cước của ngành vận tải container trong năm 2024.

SSI Research nhận thấy vận tải container sẽ là mảng được hưởng lợi lớn nhất do tỷ trọng hoạt động nhiều ở Suez (22% giao dịch container đường biển được vận chuyển qua Suez). Nếu việc chuyển hướng khỏi kênh Suez kéo dài, cơ quan này cho rằng, sẽ có sự gián đoạn sâu rộng đối với chuỗi cung ứng toàn cầu và sẽ là động lực tích cực cho ngành vận tải container toàn cầu và nội địa như trong giai đoạn 2020-2022.

Để đối phó với tình hình hiện tại, trao đổi với chúng tôi, ông Trần Quốc Toản, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu cho biết hiện cơ quan này đang phối hợp với Bộ Tài chính triển khai các biện pháp giải quyết các vỏ container còn tồn đọng để lấy vỏ container rỗng, góp phần giảm giá cước vận tải.

Về dài hạn, Cục Hàng hải Việt Nam cho biết sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan trong đó có hải quan đẩy nhanh tiến độ giải phóng hàng hoá tồn đọng lâu ngày tại cảng biển.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật