Đề xuất thành lập sàn giao dịch vàng
Khi Việt Nam có sàn vàng, người dân sẽ thay đổi tâm lý. Về tiện lợi là không phải đi xa, không phải lo cất trữ vàng, không phải lo vàng có phải 9999 thật không,… vì chứng chỉ vàng sẽ bảo đảm giá trị đúng như thế và vàng sẽ nằm trên thị trường, hàng hóa được lưu thông trên thị trường.
Tại Toạ đàm “Giải pháp phát triển thị trường vàng an toàn và bền vững”, GS.TS. Hoàng Văn Cường, Đại biểu Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội cho biết vàng là một loại hàng hóa rất đặc biệt vì từ xưa tới nay, vàng có chức năng tích trữ, bảo toàn giá trị, chứ không chỉ đơn thuẩn sản xuất ra đồ trang sức.
Chính vì thế, chúng ta nhìn thấy khi thế giới biến động, chiến tranh xảy ra hay kinh tế có chiều hướng suy giảm… thì giá vàng tăng vọt, vì người ta giữ vàng để bảo vệ giá trị đồng tiền.
Người Việt Nam, tâm lý phòng ngừa rủi ro, phòng cho tương lai, tâm lý tích trữ rất cao, chính vì vậy, người dân có nhu cầu sở hữu, mua, bán vàng miếng.
“Đó là yêu cầu chính đáng mà nếu chúng ta không cho phát triển thị trường vàng miếng, giữ độc quyền chỉ có vàng miếng SJC, cung ít, cầu nhiều thì đương nhiên giá tăng, dẫn đến tâm lý lo sợ lại lao đi mua, lại đẩy giá lên”, ông Cường nói.
Ông Cường cho rằng thị trường vàng vật chất phải mở cửa, tạo điều kiện cho nhiều doanh nghiệp và không nên độc quyền một sản phẩm để tạo ra cung lớn hơn, rộng rãi, bình đẳng, cạnh tranh.
Khi càng cạnh tranh về cung thì càng có lợi cho người mua, giá sẽ ngang bằng, không còn chuyện giá phi lý.
Tuy nhiên, nếu chỉ duy trì thị trường vàng vật chất, mua về cất tủ, két ở nhà, thì chỉ an toàn cho người có tiền, nhưng có sinh lợi hay không và đồng tiền đó có được đưa vào lưu thông không là vấn đề, thậm chí cần chi phí cho việc bảo trữ.
Khi Việt Nam có sàn vàng, người dân sẽ thay đổi tâm lý. Về tiện lợi là không phải đi xa, không phải lo cất trữ vàng, không phải lo vàng có phải 9999 thật không,… vì chứng chỉ vàng sẽ bảo đảm giá trị đúng như thế và vàng sẽ nằm trên thị trường, hàng hóa được lưu thông trên thị trường.
“Như vậy, có thể chúng ta trong giai đoạn nhiều người cần vàng, nhưng vàng nằm trên thị trường, thì lưu thông mua bán được, không phải ngay lập tức mua vàng thế giới về đúc thành miếng rồi bán, vẫn có vàng để bán trên thị trường.
Công cụ để điều hòa về mặt cung vàng rất rộng rãi, đặc biệt, khi giao dịch vàng trên tài khoản sẽ giúp cả các công cụ phái sinh, bán vàng theo hợp đồng bán cho tương lai, không phụ thuộc việc nhập vàng về mới có bù cho thị trường, khi đó sẽ bảo đảm phản ứng rất kịp thời”, ông nói.
Ông cho rằng đây là yếu tố có lợi cho cả phía người dân yên tâm vẫn có vàng nếu muốn dự trữ và cả về phía thị trường, bảo đảm quản lý được ngoại tệ.
Thêm nữa, khi đưa vàng vào giao dịch trên thị trường, khớp lệnh công khai minh bạch, bất kể người nào tham gia vào sẽ biết ngay thị trường có bao nhiêu người bán, mua…
Thông tin minh bạch giúp người tham gia vào thị trường dễ đưa quyết định sáng suốt hơn, đặc biệt Nhà nước kiểm soát sẽ tốt.
Ông nói thêm, việc liên thông thị trường vàng trong nước và thế giới là cần thiết. Nếu Việt Nam có thị trường vàng giao dịch tài khoản trên sàn thì việc liên thông sẽ rất dễ, không nhất thiết phải nhập khẩu về mà có thể đặt lệnh mua bán là trao đổi được ngay vàng thế giới, việc đó tạo ra cân bằng giá với thị trường giao dịch thế giới.
“Việc lập sàn giao dịch vàng tôi cho rằng là rất cần tính đến. Tất nhiên, vàng là hàng hóa đặc biệt, không phải hàng hóa thông thường nên cần tính tới phương thức quản lý như thế nào. Những năm trước đây có tình trạng nhiều cá nhân, tổ chức giao dịch sàn vàng quốc tế, rủi ro xảy ra rất nhiều”, ông nhận định.
Theo ông Cường, giao dịch vàng cần nghiệp vụ rất sâu, không phải ai cũng tham gia được, nếu không cẩn trọng, có thể xảy ra khủng hoảng, thiệt hại cho dân. Các cơ quan cần tính tới mô hình sàn vàng như thế nào, không phải mô hình như bán hàng hóa thông thường, ai mua cũng được mà phải đưa vào từng cấp độ. Ví dụ, sàn sơ cấp, chỉ có một số nhà kinh doanh rất chuyên nghiệp mới giao dịch ở đó và thông qua liên thông quốc tế.
Còn sàn thứ cấp dành cho mua bán lẻ, có thể mua bán tự do trong nước, để chúng ta phòng ngừa rủi ro.
Ngoài ra, các cơ quan tính đến khuôn khổ pháp lý như thế nào để kiểm soát, công nghệ thông tin để bảo đảm hàng hóa trên sàn… Đó là những vấn đề cần quan tâm để tạo ra khung khổ pháp lý và điều kiện hoạt động để có thể phát triển lành mạnh cả thị trường vàng vật chất và thị trường vàng trên sàn.