A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hàng tỷ USD vốn Nhật đang chờ để đầu tư vào Việt Nam

Các chuyên gia khẳng định, hàng tỷ USD vẫn đang chờ ở Nhật Bản để đầu tư vào Việt Nam.

Chuyển hướng mạnh vào tiêu thụ nội địa

Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 11 tháng năm 2022, Nhật Bản là nhà đầu tư lớn thứ hai trong số 107 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư vào Việt Nam; với hơn 4,6 tỷ USD, chiếm 18,3% tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn, mua cổ phần. Đáng chú ý, dự án vốn Nhật có quy mô lớn nhất thuộc loại hình mua bán và sáp nhập (M&A) trong lĩnh vực tài chính tiêu dùng. Đó là thương vụ Tập đoàn Sumitomo Mitsui Financial Group mua 49% cổ phần của VPBank tại FE Credit, quy mô 1,4 tỷ USD. Cho thấy sự quan tâm của các nhà đầu tư Nhật tới lĩnh vực tài chính tiêu dùng.

Trên thực tế, nhà đầu tư Nhật Bản đã có sự chuyển hướng lĩnh vực đầu tư trong mấy năm trở lại đây. Thay vì tập trung rót vốn vào công nghiệp chế biến chế tạo, nhà đầu tư Nhật Bản ngày càng dành nhiều sự quan tâm tới các lĩnh vực dịch vụ, trong đó có tài chính - ngân hàng.

hang ty usd von nhat dang cho de dau tu vao viet nam

Nhà đầu tư Nhật Bản sẽ đẩy mạnh đầu tư vào lĩnh vực bán lẻ tại Việt Nam

Kết quả khảo sát thực trạng của doanh nghiệp Nhật đầu tư tại nước ngoài, trong đó có thị trường Việt Nam, do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (Jetro) công bố, có tới 55,3% doanh nghiệp được hỏi cho biết có định hướng phát triển kinh doanh ở Việt Nam trong 1-2 năm tới. Tỷ lệ này đứng đầu khu vực ASEAN, chỉ xếp sau Ấn Độ, Bangladesh và Pakistan. Đặc biệt, khối doanh nghiệp phi sản xuất như bán lẻ, tiêu dùng đánh giá cao thị trường nội địa Việt Nam. Khảo sát của Jetro cho thấy các doanh nghiệp lớn trong ngành phi chế tạo có mong muốn lớn về việc mở rộng sản xuất tại Việt Nam, với gần 60% doanh nghiệp cho biết có mong muốn này.

Có thể thấy thị trường nội địa của Việt Nam đang được nhà đầu tư Nhật Bản đánh giá cao về tiềm năng tăng trưởng và phát triển. Số liệu khảo sát của Jetro cũng chỉ ra rằng tỷ lệ xuất khẩu trung bình trên doanh thu của các doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam năm 2021 là 50,9%. Tỷ lệ này đã giảm dần từng năm, từ mức gần 58% vào năm 2012. Điều đó cho thấy sự chuyển hướng chiến lược của nhà đầu tư Nhật Bản trong giai đoạn tới, đó là thay vì tập trung xuất khẩu thì tìm kênh tiêu thụ ngay tại thị trường nội địa.

Hàng tỷ USD vốn Nhật đang chờ thời cơ

Các chuyên gia khẳng định, hàng tỷ USD vẫn đang chờ ở Nhật Bản để đầu tư vào Việt Nam. Những khó khăn hiện tại của kinh tế toàn cầu chỉ đang “giữ chân” tạm thời dòng vốn này. Bên cạnh đó, một xu hướng cần lưu ý là giống như các quốc gia khác, vốn Nhật sẽ chuyển dịch sang hướng đầu tư gián tiếp hoặc đầu tư theo phương thức M&A nhiều hơn.

Ông Warrick Cleine, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc KPMG Việt Nam và Campuchia cho biết, trên thực tế thị trường ghi nhận xu hướng giảm giá trị thương vụ từ các nhà đầu tư Nhật Bản, Hàn Quốc… Vị này nhận định, chủ yếu do đồng nội tệ của các nước này biến động khiến cho việc đầu tư vào Việt Nam ở thời điểm hiện tại có thể đắt đỏ hơn.

Bà Trang Bùi, Tổng giám đốc Công ty Cushman & Wakefield Việt Nam chia sẻ, công ty này đã có 2 thương vụ tư vấn trong 9 tháng, trong đó 1 thương vụ đã xong thẩm định chuyên sâu với chi phí khoảng 150.000 USD. Tuy nhiên, bối cảnh thay đổi nên bên mua quyết định chờ thêm để thấy rõ hơn bối cảnh năm 2023, dù chấp nhận mất thời gian và chi phí đã bỏ ra. Bà Trang Bùi lý giải, với biến động tỷ giá như vừa qua, các quỹ đầu tư vào thị trường Việt Nam có thể mất khoảng 10% giá trị tài sản ròng. Điều đó cho thấy thị trường nhiều cơ hội nhưng cũng có rủi ro, khiến nhà đầu tư phải chậm lại quan sát thêm.

Song nhìn trong dài hạn, nhà đầu tư nước ngoài nói chung và Nhật Bản nói riêng sẽ không rời bỏ thị trường Việt Nam. Bởi nhìn vĩ mô trên toàn thế giới, Việt Nam vẫn đang có các lợi thế trong thu hút vốn và Việt Nam cũng đang nỗ lực để cải thiện môi trường đầu tư, thu hút nhiều hơn dòng vốn M&A.

Ông Masataka Yoshida, Giám đốc toàn cầu Dịch vụ M&A xuyên quốc gia, RECOF Corporation, Tổng giám đốc RECOF Việt Nam cho rằng, tác động từ kinh tế vĩ mô thế giới đến Nhật Bản là không đáng kể. Theo đó trên thị trường thế giới, sự giảm giá đồng Yên với USD có thể có tác động ngắn hạn với nhà đầu tư Nhật Bản, nhưng nhìn ở mặt ngược lại, lãi suất và đồng Yên thấp lại tích cực với nhà đầu tư ở khía cạnh khác và có liên quan đến Việt Nam.

Thứ nhất, các công ty Nhật Bản tích lũy ngoại tệ bằng đồng vốn là đồng Yên. Thứ hai, các công ty Nhật Bản nhận ra họ đã mất mát nhiều về thời gian và cơ hội đầu tư trong năm 2021 vì không tìm kiếm các thương vụ M&A nước ngoài. Thứ ba, ở Nhật Bản, các nhà đầu tư có thể tiếp cận nguồn vốn rẻ, với dự trữ tiền mặt lên đến 2.200 tỷ USD tích lũy trong 2 năm vừa qua, song lợi tức trên đầu tư tại thị trường Nhật thấp. Nhìn chung, nhà đầu tư Nhật Bản có nguồn vốn dồi dào song lại thiếu cơ hội sinh lời từ thị trường Nhật, thúc đẩy họ tìm cơ hội đầu tư ở các quốc gia khác.

Ông Masataka Yoshida chia sẻ thêm, đã có khoảng 60 giao dịch M&A giữa các nhà đầu tư Nhật Bản và Việt Nam trong khoảng 2 năm gần đây. Việt Nam vẫn là thị trường có nhiều thương vụ M&A với Nhật Bản nhất. Lĩnh vực thương mại, công nghệ thông tin, kỹ thuật số và bất động sản đã là lĩnh vực các nhà đầu tư Nhật quan tâm. Đồng thời trong những năm tới, thực phẩm và chế biến thực phẩm, công nghệ số, đặc biệt ngành bán lẻ sẽ là mối quan tâm của các nhà đầu tư Nhật Bản. Ngoài ra, tài chính tiêu dùng cũng sẽ được quan tâm. Đặc biệt, các nhà đầu tư Nhật cũng quan tâm tới các doanh nghiệp start-up ở bất kỳ ngành nào.

Trong mắt nhà đầu tư Nhật Bản, Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn vì đang trong thời kỳ dân số trẻ. Độ tuổi trung bình Nhật Bản và Việt Nam chênh nhau 17 tuổi; tầng lớp trung lưu tăng nhanh, đặc biệt Việt Nam là quốc gia có GDP tăng trưởng nhanh nhất Đông Nam Á. Điều này khiến các công ty Nhật Bản tin tưởng triển vọng. Khi các khó khăn, trở ngại lắng xuống thì nhà đầu tư Nhật Bản sẽ bước vào, còn trong bối cảnh hiện tại, họ vẫn đang theo dõi, nghiên cứu thêm diễn biến thị trường.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật