A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Mở đường cho cà phê Việt vào Bắc Âu: Phát triển bền vững là 'tấm vé thông hành'

Trong bối cảnh thị trường Bắc Âu đang siết chặt các quy định về xuất khẩu cà phê bền vững, doanh nghiệp cần lưu ý các tiêu chuẩn mà thị trường này đặt ra.

Bà Nguyễn Thị Hoàng Thuý, Vụ trưởng, Trưởng Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển kiêm nhiệm thị trường Bắc Âu đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Công Thương xung quanh vấn đề này.

Bà Nguyễn Thị Hoàng Thuý, Vụ trưởng, Trưởng Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển

Bà Nguyễn Thị Hoàng Thuý, Vụ trưởng, Trưởng Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển

Tiêu chuẩn bền vững: Yếu tố “sống còn” cho cà phê Việt vào thị trường Bắc Âu

- Thưa bà, các quốc gia Bắc Âu như Thụy Điển, Đan Mạch hay Na Uy vốn nổi tiếng với những yêu cầu rất cao về phát triển bền vững. Vậy đâu là những tiêu chuẩn lớn mà doanh nghiệp cà phê Việt Nam cần đặc biệt lưu ý khi tiếp cận các thị trường này?

Bà Nguyễn Thị Hoàng Thuý: Đúng vậy, khu vực Bắc Âu đang đi đầu trong việc siết chặt các tiêu chuẩn nhập khẩu nông sản theo hướng phát triển bền vững. Trong đó, có ba yếu tố mà doanh nghiệp cà phê Việt Nam tuyệt đối không thể xem nhẹ nếu muốn giữ vững và mở rộng thị phần tại khu vực này:

Thứ nhất, cần tuân thủ Quy định chống mất rừng của EU (EUDR), có hiệu lực từ ngày 30/12/2025. Theo đó, tất cả cà phê nhập khẩu vào EU phải chứng minh không được trồng trên đất bị phá rừng sau ngày 31/12/2020. Điều này đòi hỏi doanh nghiệp phải có hồ sơ minh bạch về vùng trồng và cung cấp bản đồ địa lý rõ ràng, chứng minh không xâm hại rừng tự nhiên. Các thị trường như Thụy Điển đặc biệt khắt khe về yếu tố này.

Thứ hai, cần chủ động đáp ứng hai chỉ thị lớn của EU về phát triển bền vững, gồm Chỉ thị Thẩm tra Trách nhiệm Bền vững (CSDDD) và Chỉ thị Báo cáo Phát triển Bền vững (CSRD). Dù các quy định này ban đầu chỉ áp dụng cho doanh nghiệp lớn, nhưng sẽ tạo áp lực lan tỏa toàn chuỗi cung ứng. Do đó, doanh nghiệp Việt Nam cần chuẩn bị sẵn các nội dung về lao động, môi trường, sử dụng hóa chất, phát thải carbon, chính sách quản trị… Đây là cơ sở để nhà nhập khẩu Bắc Âu đánh giá mức độ tuân thủ trước khi đặt hàng.

Cuối cùng, là vấn đề đạo đức lao động và công bằng xã hội. Bắc Âu rất nhạy cảm với tình trạng sử dụng lao động trẻ em, cưỡng bức hay điều kiện làm việc kém. Đặc biệt, từ tháng 12/2027, EU sẽ chính thức cấm nhập khẩu các sản phẩm có liên quan đến lao động cưỡng bức, bất kể quy mô doanh nghiệp. Điều này đặt ra yêu cầu cấp thiết cho các nhà xuất khẩu Việt Nam trong việc minh bạch thông tin, thiết lập quy tắc và đào tạo người lao động ngay từ bây giờ.

Yếu tố truy xuất nguồn gốc ngày càng trở thành "chiếc vé thông hành" bắt buộc nếu doanh nghiệp muốn tiếp cận các nhà mua hàng có trách nhiệm tại Bắc Âu. Ảnh: TTXVN

Đầu tư hệ thống truy xuất: “Chiếc vé thông hành” không thể thiếu

- Truy xuất nguồn gốc đang là từ khóa "nóng" trong nhiều chuỗi cung ứng toàn cầu, nhất là đối với cà phê. Bà đánh giá như thế nào về vai trò của yếu tố này khi tiếp cận thị trường Bắc Âu?

Bà Nguyễn Thị Hoàng Thuý: Yếu tố truy xuất nguồn gốc ngày càng trở thành "chiếc vé thông hành" bắt buộc nếu doanh nghiệp muốn tiếp cận các nhà mua hàng có trách nhiệm tại Bắc Âu. Không chỉ dừng lại ở việc ghi chép thông tin, mà còn phải chứng minh được tính chính xác, minh bạch và không gây tổn hại đến rừng tự nhiên.

Hiện tại, nhiều quốc gia đã đi trước Việt Nam trong việc áp dụng công nghệ để đáp ứng yêu cầu này. Ví dụ, các hợp tác xã cà phê tại Kenya đang sử dụng ứng dụng TerraTrac để lập bản đồ vùng trồng với chi phí rất thấp, chỉ khoảng 0,3 USD/nông dân. Ở châu Âu, những nền tảng như Beyco, Farmforce, Koltiva, Satelligence, Meridia Verify, Single.Earth... đã được sử dụng phổ biến để hỗ trợ doanh nghiệp tuân thủ EUDR.

Việt Nam hoàn toàn có thể học hỏi mô hình này, nhất là khi chúng ta là quốc gia xuất khẩu cà phê lớn thứ hai thế giới. Tôi cho rằng, đầu tư vào hệ thống truy xuất từ sớm không chỉ giúp doanh nghiệp chủ động đáp ứng yêu cầu pháp lý, mà còn thể hiện trách nhiệm xã hội - yếu tố được đánh giá rất cao tại các thị trường như Thụy Điển, Đan Mạch hay Na Uy.

Cần hành động sớm, từ chuyển đổi vùng trồng đến xây dựng thương hiệu

- Bà có khuyến nghị gì cụ thể cho doanh nghiệp cà phê Việt Nam trong quá trình tiếp cận và mở rộng thị trường tại EU và Bắc Âu theo hướng phát triển bền vững?

Bà Nguyễn Thị Hoàng Thuý: Tôi có ba khuyến nghị then chốt mà doanh nghiệp Việt Nam cần nghiêm túc thực hiện:

Một là, cần chuyển đổi vùng trồng theo hướng minh bạch hóa và không xâm hại rừng. Điều này không thể làm trong một sớm một chiều, nên phải bắt tay ngay từ bây giờ. Việc sử dụng các công cụ bản đồ số, vệ tinh và hợp tác với nông dân là rất cần thiết.

Hai là, nên ứng dụng công nghệ số trong quản lý chuỗi cung ứng và thu thập dữ liệu về môi trường - xã hội - quản trị (ESG). Các dữ liệu này sẽ giúp doanh nghiệp không chỉ phản ứng kịp với yêu cầu từ phía EU mà còn tăng sức cạnh tranh với các nhà rang xay, siêu thị tại Bắc Âu vốn rất quan tâm đến cà phê sạch, công bằng, có trách nhiệm.

Ba là, đầu tư vào các chứng nhận xã hội và môi trường có uy tín quốc tế như Fairtrade, Rainforest Alliance, hoặc cao hơn nữa là B-Corp. Đơn cử như Sancoffee (Brazil) đã trở thành một thương hiệu rất được ưa chuộng tại Bắc Âu nhờ vào khả năng đo lường và công bố minh bạch tác động môi trường - xã hội.

Ngoài ra, tôi khuyến khích các doanh nghiệp Việt Nam tăng cường hợp tác với các đối tác nhập khẩu có trách nhiệm thông qua các hội chợ chuyên ngành, chương trình xúc tiến thương mại, hoặc kết nối trực tiếp với Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển. Chúng tôi sẵn sàng làm cầu nối, hỗ trợ tư vấn về thị trường, tiêu chuẩn và xu hướng tiêu dùng tại Bắc Âu.

Phát triển bền vững giờ đây không còn là sự lựa chọn, mà là điều kiện bắt buộc nếu cà phê Việt Nam muốn tiếp tục hiện diện tại những thị trường giá trị cao như Bắc Âu. Càng vào cuộc sớm, chúng ta càng có lợi thế.

Xin cảm ơn bà!

Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển, kiêm nhiệm thị trường Bắc Âu cho rằng, có nhiều lý do để các nước Bắc Âu là thị trường lý tưởng cho nhà xuất khẩu cà phê Việt Nam, đó là Bắc Âu luôn được xếp hạng cao nhất thế giới về mức tiêu thụ cà phê bình quân đầu người. Phần Lan đứng đầu danh sách toàn cầu, với mức trung bình mỗi người Phần Lan tiêu thụ khoảng 12 kg cà phê mỗi năm.

Sau Phần Lan, hai quốc gia là Na Uy và Thụy Điển có mức tiêu thụ cà phê cũng nhiều không kém, mỗi người dân tiêu thụ khoảng 9 - 10 kg mỗi năm. Nhu cầu cao này khiến các nước Bắc Âu trở thành thị trường sinh lợi cho các nhà xuất khẩu cà phê.

Bên cạnh đó, đam mê cà phê đã ăn sâu vào văn hóa Bắc Âu. Ở Phần Lan, khái niệm “kahvipaussi” (nghỉ giải lao) là một truyền thống hàng ngày được trân trọng, trong khi ở Thụy Điển, “fika” không chỉ là giờ nghỉ giải lao mà còn là khoảnh khắc để tạm dừng, giao lưu và tận hưởng cuộc sống với một tách cà phê và bánh ngọt. Ý nghĩa văn hóa này đảm bảo việc tiêu thụ ổn định cho các sản phẩm cà phê chất lượng cao.

Mặt khác, người tiêu dùng Bắc Âu có khẩu vị tinh tế và ngày càng đánh giá cao cà phê đặc sản. Khu vực này đã chứng kiến sự gia tăng các cửa hàng cà phê đặc sản, phản ánh nhu cầu ngày càng tăng đối với hạt cà phê chất lượng cao, hương vị độc đáo và cà phê có nguồn gốc đạo đức.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật