Ngành công nghiệp chế tạo thiết bị toàn bộ ghi dấu ấn trên nhiều công trình trọng điểm
Các viện nghiên cứu thuộc Bộ Công Thương có đủ năng lực làm tổng thầu cho một số dây chuyền thiết bị toàn bộ cho các ngành công nghiệp quan trọng của đất nước.
Làm chủ công nghệ, ghi dấu ấn trên những công trình
Cách đây hơn 10 năm, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1791/QĐ-TTg phê duyệt cơ chế thực hiện thí điểm thiết kế chế tạo trong nước thiết bị nhà máy nhiệt điện giai đoạn 2012 - 2025. Theo đó, Viện Nghiên cứu Cơ khí (Bộ Công Thương) được giao nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với các doanh nghiệp cơ khí trong nước để thực hiện thiết kế, chế tạo thiết bị các nhà máy nhiệt điện. Vượt lên những khó khăn về điều kiện nghiên cứu, đến thời điểm hiện tại, nhiều đề tài khoa học đã ghi dấu ấn trên công trình trọng điểm.
Hệ thống vận chuyển than nhà máy nhiệt điện |
Dẫn chứng đề tài cấp nhà nước “Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, tổ hợp và đưa vào vận hành hệ thống bốc dỡ, vận chuyển than cho nhà máy nhiệt điện đốt than có công suất tổ máy đến khoảng 600 MW”, TS. Phan Đăng Phong - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Cơ khí khẳng định, đây là lần đầu tiên Việt Nam đã nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, tích hợp và đưa vào vận hành thành công hệ thống bốc dỡ, vận chuyển than cho nhà máy nhiệt điện Sông Hậu 1 với tỷ lệ nội địa hóa đạt 50,6% và thiết bị tương đương với thiết bị công nghệ từ các nước G7, mở ra hướng phát triển mới cho ngành cơ khí chế tạo trong nước.
Gây tiếng vang không kém là Dự án “Hoàn thiện thiết kế và công nghệ chế tạo, chế tạo thử nghiệm lọc bụi tĩnh điện công suất 1.000.000 Nm3/h” đã ứng dụng thành công tại Nhiệt điện Vũng Áng 1 và Thái Bình 1 với tỷ lệ nội địa hóa hơn 70%. Hiện tại, Viện Nghiên cứu Cơ khí đã được Tập đoàn Doosan (Hàn Quốc) tin tưởng trao hợp đồng cung cấp hệ thống lọc bụi tĩnh điện cho Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn 2 và dự kiến tiếp tục được giao thực hiện hợp đồng Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 2 trong năm 2022.
Tiếp đó, trong lĩnh vực thủy điện, Viện Nghiên cứu Cơ khí đã được giao nhiệm vụ chủ trì tiếp nhận chuyển giao công nghệ phần thiết kế, chế tạo thiết bị cơ khí thủy công cho các công trình thủy điện theo Quyết định 797/QĐ-TTg của Thủ tướng Chỉnh phủ cho dự án đầu tiên là thủy điện A Vương. Thành công của nhiệm vụ đã mang lại các hiệu quả kinh tế, xã hội cao, đóng góp vào thành công của phát triển ngành.
Đến nay, Viện đã cùng các đơn vị cơ khí trong nước tự lực trong việc thiết kế, chế tạo các thiết bị cơ khí thủy công cho hơn 29 công trình thủy điện vừa và lớn trong nước, trong đó có công trình thủy điện Sơn La (2.400 MW) và Lai Châu (1.200 MW).
Sự thành công của các dự án đã tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho ngành cơ khí trong nước với doanh thu từ mảng việc này mang lại khoảng 8.000 tỷ đồng, góp phần giảm giá thành sản phẩm từ 4,4 USD/1kg sản phẩm xuống còn 1,5 USD/1kg sản phẩm, góp phần phát điện sớm 3 năm với nhà máy thủy điện Sơn La và 01 năm với nhà máy thủy điện Lai Châu, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho các dự án.
Chưa dừng lại ở đó, trong lĩnh vực khai thác và chế biến khoáng sản, Viện Nghiên cứu Cơ khí đã đã tham gia thực hiện thành công tổng thầu EPCM cho 02 dự án Tân Rai và Nhân Cơ với công suất thiết kế 2 triệu tấn quặng tinh/năm. Trong đó, nổi bật là việc thiết kế và chế tạo đồng bố 02 tuyến băng tải với tổng chiều dài mỗi tuyến 5 km cho mỗi nhà máy.
Hiện nay các tuyến băng tải này đã bàn giao và đi vào vận hành đạt yêu cầu và được Chủ đầu tư cấp chứng chỉ nghiệm thu đưa vào sử dụng. Từ thành công của nhiệm vụ, các đơn vị trong nước tham gia trực tiếp vào nhiệm vụ đã được các chủ đầu tư tín nhiệm, tiếp tục giao cho các dự án khác như: Nhà máy tuyển quặng Bảo Lộc 200.000 tấn/năm, Nhà máy tuyển Lâm Đồng 1.700.000 tấn/năm, Nhà máy tuyển quặng Nhân Cơ 1.700.000 tấn/năm…
Trong lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng, Viện đã phối hợp với Tổng Công ty Lắp máy Việt Nam thực hiện Dự án khoa học công nghệ quy mô lớn: “Nghiên cứu, thiết, chế tạo các thiết bị chủ yếu cho dây chuyền đồng bộ sản xuất ximăng lò quay công suất 2500 tấn clinke/ngày, thay thế nhập ngoại, thực hiện tiến trình nội địa hóa” với 03 đề tài (máy đóng bao tự động, thiết bị lọc bụi công suất lớn và điều khiển tự động dây truyền thiết bị nhà máy), đã áp dụng thành công vào dự án xi măng lò quay Sông Thao, đạt tỷ lệ nội địa hóa khoảng 40% giá trị…
Ngoài ra, trong lĩnh vực năng lượng mới và công nghệ cao, Viện đã thành công trong thực hiện cung cấp trọn gói hệ thống phao nổi và neo cho dự án điện mặt trời Đa Mi với tổng công suất 47,5 MW. Viện đang xây dựng, phát triển các sản phẩm công nghệ cao theo hướng công nghệ 4.0, trọng tâm là tự động hóa các dây chuyền sản xuất công nghiệp, các kho chứa thông minh phù hợp với định hướng phát triển của nền kinh tế số.
Viện còn thiết kế chế tạo, ứng dụng thành công vào sản xuất nhiều dây chuyền, máy và thiết bị như dây chuyền chế biến chè, thiết bị nạo vét sông hồ cho chương trình thoát nước đô thị, thiết bị cho nhà máy sản xuất phân bón và hóa chất, dây chuyền lắp ráp ô tô, xe máy.
Cần ưu tiên cho đơn vị cơ khí trong nước
Theo TS. Phan Đăng Phong, những thành công trên của các viện nghiên cứu có được ngoài nỗ lực của bản thân các viện, thì nhân tố quan trọng là định hướng của Chính phủ, bộ, ngành. Vì nếu không có định hướng của Chính phủ về nội địa hóa và không có các đề tài nghiên cứu làm chủ khoa học và công nghệ do Bộ Khoa học và Công nghệ và Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương hỗ trợ thì chắc các viện sẽ rất khó khăn để có được những thành công kể trên.
Hệ thống thuyền xỉ tại nhiệt điện Nghi Sơn 2 |
“Cùng với chỉ đạo quyết liệt của Bộ Công Thương trong quá trình tái cơ cấu các viện nghiên cứu thuộc Bộ, sự đồng hành của các trường đại học, doanh nghiệp cơ khí trong nước và sự cố gắng của các nhà khoa học, chúng tôi tin tưởng rằng các viện nghiên cứu trong những năm tới sẽ trở thành các doanh nghiệp khoa học công nghệ đầu ngành trong các lĩnh vực mình phụ trách, góp phần vào thành công của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước” - TS Phan Đăng Phong bày tỏ.
Viện trưởng Viện Nghiên cứu Cơ khí cho rằng, trong những năm tới, theo quy hoạch phát triển các ngành công nghiệp điện, dầu khí, khai thác và chế biến khoáng sản, giấy, sản xuất vật liệu xây dựng, năng lượng mới và năng lượng tái tạo, dung lượng thị trường để phát triển thiết bị cơ khí còn rất lớn, đặc biệt là các dây chuyền thiết bị toàn bộ cho các ngành công nghiệp trong nước. Đây là cơ hội để phát huy tiềm lực nghiên cứu trong nước.
Khẳng định các viện nghiên cứu thuộc Bộ Công Thương đã đầu tư chuyên sâu vào các lĩnh vực thiết kế, chuyển giao công nghệ qua đó đủ năng lực làm tổng thầu cho một số dây chuyền thiết bị toàn bộ cho các ngành công nghiệp quan trọng của đất nước như nhiệt điện, thủy điện, khai thác và chế biến khoáng sản…, TS. Phan Đăng Phong thừa nhận, đến thời điểm hiện tại, hầu hết các dây chuyền thiết bị đồng bộ cho các ngành công nghiệp trong nước đều đang được cung cấp bởi nhà thầu nước ngoài, giá trị trong nước thực hiện đạt không quá 20%.
Ví dụ, trong lĩnh vực nhiệt điện, hầu hết các dây chuyền thiết bị nhiệt điện tại Việt Nam hiện nay đều do nhà thầu nước ngoài cung cấp theo hình thức tổng thầu EPC, phần lớn là các nhà thầu Trung Quốc do họ có giá bỏ thầu rẻ và có khả năng thu xếp vốn. Các công ty Trung Quốc khi trúng thầu hợp đồng EPC trong các dự án đã đem vào Việt Nam cả lao động phổ thông, các nguyên vật liệu thô, các vật tư, thiết bị mà Việt Nam đã hoàn toàn sản xuất được để thực hiện công việc.
Như vậy, chúng ta đầu tư các dự án nhiệt điện, nhưng đã không tạo được công ăn việc làm cho các doanh nghiệp, người lao động trong nước mà lại tạo công ăn việc làm và doanh thu cho ngành cơ khí Trung Quốc. Nguyên nhân các nhà thầu trong nước chưa được giao thiết kế, chế tạo, cung cấp thiết bị cho các dự án nhà máy công nghiệp được đầu tư trong nước gồm: Do tình hình huy động vốn đầu tư các dự án nhà máy nhiệt điện cần một lượng vốn lớn, nên các chủ đầu tư trong nước thường áp dụng thu xếp dự án hình thức ECA (Export Credit Agency).
Trong nước, mặc dù đã có một số đơn vị được giao thực hiện một số dự án nhiệt điện theo hình thức tổng thầu EPC, tuy nhiên các đơn vị này với tiềm lực kinh tế còn hạn chế và chưa làm chủ được công nghệ phần E, dẫn đến vẫn phụ thuộc vào công nghệ từ nước ngoài.
Một nguyên nhân nữa là do xu hướng một số doanh nghiệp, tập đoàn lớn sẽ chi tiền đầu tư để sở hữu công nghệ thiết kế hệ thống, các thiết bị chính nhằm chiếm lĩnh và làm chủ thị trường thiết bị toàn bộ (Hàn Quốc có Doosan, Huyndai; Nhật Bản có Marubeni, MHI, Sumitomo), từ đó chi phối chuỗi cung ứng toàn cầu bao gồm cả các thiết bị phụ trợ đi kèm. Như vậy, họ sẽ thu được lợi nhuận cao bằng việc thuê chế tạo một cách rẻ mạt từ các công ty trong chuỗi cung ứng, nhưng lại bán rất đắt cho chủ đầu tư vì là độc quyền.
“Theo đó, chỉ có nhà thầu nước ngoài mới đáp ứng được tiêu chí này và họ sẽ bao trọn gói từ thiết kế nhà máy, mua sắm thiết bị, xây dựng nhà máy, phía nhà thầu trong nước chỉ đảm nhận một phần kết cấu cơ khí theo thiết kế và hướng dẫn của họ” - TS. Phan Đăng Phong nêu.
Đề xuất việc cần tạo thị trường cho đơn vị nghiên cứu trong nước, khuyến khích sử dụng sản phẩm công nghệ được tạo ra tại Việt Nam, Tiến sĩ Phan Đăng Phong, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Cơ khí cho rằng, khi xây dựng quy hoạch, chiến lược phát triển các ngành kinh tế của đất nước cần nghiên cứu để lồng ghép các nội dung, mục tiêu khoa học và công nghệ cần đạt được và có cơ chế ưu đãi, lộ trình cụ thể để ưu tiên phát triển các sản phẩm khoa học và công nghệ cho các dây chuyền thiết bị liên quan.
Có như vậy, sau một số dự án đầu tiên, các doanh nghiệp Việt Nam mới có thể tự thực hiện được các dự án tương tự, giúp cho việc đầu tư các dự án tương tự trong tương lai ở trong nước sẽ tăng tính tự chủ, giảm nhập siêu và tránh bị o ép giá từ các nhà thầu nước ngoài. Ngoài ra, cần xây dựng các cơ chế ưu đãi có thời hạn đối với các dự án sử dụng các sản phẩm khoa học và công nghệ được nghiên cứu thành công nhằm khuyến khích các chủ đầu tư sử dụng kết quả nghiên cứu.
Cùng với đó, việc cấp bách trong thời gian tới là các viện nghiên cứu, các đơn vị cơ khí chuyên ngành cần xây dựng các chương trình nghiên cứu, đầu tư tiềm lực khoa học và công nghệ để nghiên cứu tiếp nhận chuyển giao công nghệ tiến tới làm chủ việc thiết kế, chế tạo các dây chuyền thiết bị toàn bộ trong các lĩnh vực này.
Để phát huy vai trò nòng cốt trong mạng lưới tổ chức khoa học và công nghệ ngành Công Thương, chiến lược phát triển của các viện những năm tới cần xây dựng phù hợp với định hướng phát triển và mục tiêu tái cơ cấu của từng ngành cũng như phù hợp với Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ quốc gia, ngành Công Thương giai đoạn 2021-2030, trọng tâm là xây dựng các viện nghiên cứu triển khai đủ mạnh có công nghệ nguồn tương ứng với từng lĩnh vực công nghiệp và đủ khả năng hoàn thành Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội lớn của đất nước đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045. |