Ngành Thuế nỗ lực về đích thu ngân sách
Lũy kế 11 tháng năm 2023, thu ngân sách do cơ quan thuế (CQT) quản lý đã đạt 1.336.002 tỷ đồng, bằng 96,7% so với cùng kỳ năm 2022… Rất nhiều đoàn công tác do lãnh đạo Tổng cục Thuế làm trưởng đoàn đã làm việc với các cục thuế về tiến độ thu ngân sách.
Ngành Thuế “chạy nước rút” về đích thu ngân sách. (Ảnh minh họa)
Thu ngân sách thấp so với cùng kỳ
Theo báo cáo của Tổng cục Thuế, tổng thu ngân sách nhà nước (NSNN) lũy kế 11 tháng năm 2023 do CQT quản lý đạt 1.336.002 tỷ đồng, bằng 96,7% so với cùng kỳ. Trong đó, thu từ dầu thô ước đạt 56.544 tỷ đồng, bằng 80% so với cùng kỳ năm 2022; Thu nội địa ước đạt 1.279.458 tỷ đồng, bằng 97,6% so với cùng kỳ năm 2022. Thu thuế, phí nội địa ước đạt 1.023.817 tỷ đồng, bằng 100,7% so với cùng kỳ năm 2022.
Mặc dù kết quả thu NSNN chưa bằng cùng kỳ năm trước (giảm 3,3%), song có thể nhận thấy tiến độ thu đã tăng lên rất nhiều (so với cùng kỳ, 8 tháng giảm 28,9%, 9 tháng giảm 8,3%, 10 tháng giảm 5,9%, 11 tháng giảm 3,3%).
Theo lãnh đạo Tổng cục Thuế, để có được kết quả trên là do ngành Thuế đã triển khai thực hiện nghiêm các nghị quyết của Quốc hội, quyết định của Chính phủ và các chỉ đạo của Bộ Tài chính về tổ chức thực hiện dự toán NSNN năm 2023.
Trong đó, Tổng cục Thuế đã yêu cầu các cục thuế tập trung triển khai quyết liệt thực hiện nhiệm vụ thu NSNN năm 2023, đồng thời phát động các phong trào thi đua phấn đấu hoàn thành vượt mức dự toán thu NSNN được giao ngay từ những ngày đầu năm.
Tính đến ngày 30/11/2023, Tổng cục Thuế đã tổ chức các đoàn công tác làm việc với 16 cục thuế bao gồm: Hà Nội, Lâm Đồng, Bắc Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu, Thanh Hóa, Hòa Bình, Bắc Ninh, Long An, Tiền Giang, TP HCM, Đà Nẵng, Tây Ninh, Đồng Nai, Hải Dương, Ninh Bình, Lạng Sơn. Tổng số thu do các cục thuế này quản lý chiếm 66,6% tổng thu toàn ngành Thuế.
Trên cơ sở báo cáo của các cục thuế, lãnh đạo Tổng cục đã đưa ra các định hướng, chỉ đạo kịp thời để các cục thuế thực hiện và hoàn thành nhiệm vụ thu NSNN năm 2023 đã được giao, tạo tiền đề thuận lợi cho công tác thu NSNN năm 2024.
Tính đến hết tháng 11 năm 2023, toàn ngành Thuế đã thực hiện được 62.343 cuộc thanh tra, kiểm tra; Tổng số tiền kiến nghị xử lý qua thanh tra, kiểm tra là 57.937 tỷ đồng, bằng 97,3% so với cùng kỳ năm 2022.
Bám sát tình hình, chủ động các giải pháp
Để hoàn thành nhiệm vụ được giao, Tổng cục Thuế yêu cầu các đơn vị tiếp tục bám sát và đánh giá tình hình kinh tế thế giới, trong nước; phân tích, nhận định những tác động từ những chính sách tài khóa tiền tệ mà các nước thực hiện đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN trong nước để nhận diện đúng những rủi ro, kịp thời tham mưu cho Bộ Tài chính, Chính phủ có kịch bản, giải pháp chủ động trong điều hành thu NSNN trong tháng 12 và quý IV năm 2023.
Tổng cục Thuế cũng yêu cầu các đơn vị tổng hợp cập nhật kết quả thu NSNN năm 2023 hàng ngày, hàng tuần, phục vụ chỉ đạo, điều hành thu của Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính; Đánh giá chi tiết ước thực hiện năm 2023, triển khai giao dự toán thu năm 2024 theo từng địa phương, từng khu vực, khoản thu, sắc thuế.
Cùng với đó là tiếp tục tổ chức quản lý thuế hiệu quả đối với các nhà cung cấp nước ngoài (NCCNN), rà soát, đôn đốc các NCCNN chưa thực hiện đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế trên Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế; Tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát, hoàn thiện các nội dung nâng cấp cổng thông tin điện tử dành cho nhà NCCNN bảo đảm thuận lợi trong quá trình thực hiện; Tập trung hoàn thành kế hoạch thanh tra, kiểm tra...
Ngoài ra, Tổng cục Thuế còn yêu cầu các đơn vị chức năng đẩy nhanh việc triển khai xác thực định danh điện tử để bảo đảm tính xác thực, hạn chế tối đa các gian lận, đảm bảo tính an toàn, bảo mật; làm sạch dữ liệu cá nhân thuế để bảo đảm chuyển đổi mã định danh cá nhân thành mã số thuế…
Đặc biệt là tiếp tục rà soát, tổng hợp các vướng mắc, bất cập về chính sách pháp luật liên quan tới công tác hoàn thuế GTGT tại các văn bản quy phạm pháp luật và đề xuất phương án để báo cáo Tổng cục, Bộ Tài chính trình cấp có thẩm quyền xem xét, sửa đổi, bổ sung, bảo đảm thông thoáng, dễ thực hiện, phân định rõ trách nhiệm của người nộp thuế và cán bộ, công chức thuế.