A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nỗ lực xây dựng thương hiệu Việt tại thị trường CPTPP

CPTPP là một trong những Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới được kỳ vọng sẽ mang lại hiệu quả tích cực cho hàng Việt Nam xuất khẩu.

Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chính thức có hiệu lực từ ngày 14/01/2019, được kỳ vọng là bước ngoặt tạo ra xung lực mới, thúc đẩy hợp tác thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và các nước đối tác thành viên. Những năm vừa qua, việc thực thi CPTPP đã đem lại tăng trưởng xuất khẩu ấn tượng cho Việt Nam, là động lực mở đường cho hàng hóa Việt Nam sang các thị trường tiềm năng và mới mẻ.

Đơn cử, với những thị trường mà nước ta chưa có chung FTA là Canada, Mexico và Peru, khi CPTPP có hiệu lực, xuất khẩu hàng Việt sang các thị trường này đã có luôn tăng trưởng 2 chữ số, kể cả trong thời kỳ Covid-19 hay thời kỳ có những biến động về địa chính trị trên thế giới. Ngoài ra thặng dư thương mại mà chúng ta có được từ hai thị trường này thường chiếm từ 1/3 cho đến 1/2 thặng dư thương mại của các quốc gia. Đây là điểm cần hết sức ghi nhận.

Với thị trường Peru, nhiều ý kiến cho rằng đây là thị trường khiêm tốn nhưng thực tế, dư địa tăng trưởng của thị trường này lại rất cao, có những năm tăng trưởng đến ba chữ số.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, dư địa để doanh nghiệp thâm nhập sâu hơn nữa vào các thị trường như Canada, Mexico và Peru còn rất lớn vì có những mặt hàng hiện nay chỉ chiếm khoảng 3–5% tại các thị trường đó. Một vấn đề nữa là hình ảnh về thương hiệu của Việt Nam tại các thị trường này còn tương đối khiêm tốn. Dù hàng Việt Nam xuất khẩu sang khối thị trường này nhiều, song để tìm được một thương hiệu riêng biệt trên thị trường thì rất khó khăn.

Nguyên nhân là bởi các doanh nghiệp xuất khẩu của nước ta chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ và vừa và hình thức xuất khẩu thông qua chuỗi cung ứng gia công xuất khẩu hoặc xuất khẩu ở dạng thô, nguyên liệu để làm đầu vào cho các nhà sản xuất, nhà chế biến ở nước ngoài. Họ thu mua về, chế biến lại, làm bao bì đóng gói và xuất khẩu bằng thương hiệu của họ. Bởi vậy nên giá trị gia tăng cũng như thương hiệu riêng của Việt Nam còn rất khiêm tốn.

Để xây dựng được thương hiệu tại Việt Nam đã khó, xây dựng được thương hiệu tại nước ngoài còn khó khăn hơn. Tuy nhiên, xây dựng thành công thương hiệu sẽ giúp giá trị hàng Việt tại thị trường tăng lên rất mạnh. Để làm được điều này, cần những giải pháp tổng thể từ cả cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp, thể hiện qua những chỉ tiêu về xuất khẩu được đề ra hàng năm.

Thực tế cho thấy, việc xây dựng thành công thương hiệu sẽ mang lại giá trị lớn cho doanh nghiệp. Ví dụ cùng 1 loại gạo, song Tập đoàn Lộc Trời ký hợp đồng bán gạo 1.500 Euro/tấn, gạo Trung An cũng bán khoảng hơn 1.000 USD/tấn, gấp đôi hoặc thậm chí gấp 2,5 lần so với giá trung bình. Còn cũng mặt hàng đó khi vào siêu thị là 4.500 Euro/tấn, cao gấp 9 lần so với giá bán thông thường của doanh nghiệp. Đây chính là giá trị của thương hiệu.

Từ đấy để thấy rằng, nếu doanh nghiệp chỉ đi theo con đường gia công thuần túy, trong giai đoạn ngắn hạn và trung hạn giúp ổn định về đơn hàng, nhưng về dài hạn không phải giải pháp tối ưu. Doanh nghiệp phải tính đến dài hạn đó là phải xây dựng một thương hiệu riêng. Để xây dựng thương hiệu riêng thực sự không dễ. Song doanh nghiệp phải xác định mục tiêu, từ đó triển khai các giải pháp phù hợp. Cùng với bàn đạp từ việc tận dụng hiệu quả các FTA đã ký kết và sự trợ giúp từ các cơ quan chức năng, trong đó có Bộ Công Thương, việc xây dựng thành công thương hiệu tại thị trường CPTPP nói riêng và các thị trường đã có FTA nói chung sẽ có thể thực hiện được.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan