A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam: Thấy gì từ chặng đường dài quá khứ?

Để có nguồn điện nền phục vụ phát triển bền vững, tránh phụ thuộc vào năng lượng nhập khẩu, phương án phát triển điện hạt nhân cũng cần được nghiên cứu, xem xét

Những ngày này, khi kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XV vẫn đang bàn thảo nhiều vấn đề quốc kế dân sinh cho hiện tại và tương lai thì câu chuyện điện hạt nhân lại 1 lần nữa được nhắc đến và đã trở thành đề tài nóng không chỉ trong nghị trường mà còn trên các diễn dàn khác nhau.

Câu chuyện từ hơn 10 năm trước

Nhằm đáp ứng nhu cầu điện cho phát triển kinh tế xã hội cũng như đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, trên cơ sở xem xét Tờ trình số 08/TTr-CP của Chính phủ ngày 30/9/2009; Báo cáo thẩm tra số 739/BC-UBKHCNMT 12 ngày 20/10/2009 của Ủy ban khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội và Tờ trình bổ sung của Chính phủ số 15/TTr-CP ngày 23/10/2009; các báo cáo khác của Chính phủ về việc xin chủ trương đầu tư Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận và ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, ngày 25/11/2009, tại kỳ họp thứ 6 khoá XII, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số: 41/2009/QH12 về chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.

Theo đó, Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, gồm 2 nhà máy với tổng công suất 4.000 MW. Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 (2x1.000 MW) đặt tại xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận; Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2 (2x1.000 MW) đặt tại xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận.

Tổng mức đầu tư: dự toán khoảng 200.000 tỷ đồng (tại thời điểm lập Dự án, quý IV năm 2008). Công nghệ chính: công nghệ lò nước nhẹ cải tiến, thế hệ lò hiện đại nhất, đã được kiểm chứng, bảo đảm tuyệt đối an toàn và hiệu quả kinh tế tại thời điểm lập dự án đầu tư.

Nhà máy 1 sẽ khởi công xây dựng vào năm 2014, đưa tổ máy đầu tiên vận hành vào năm 2020; Thời gian khởi công nhà máy 2 sẽ căn cứ tình hình thực tế, Quốc hội sẽ quyết định sau khi có báo cáo của Chính phủ.

Tại thời điểm trình, tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nên nhu cầu tăng trưởng điện là từ 17-20% nhưng nguồn năng lượng trong nước không đáp ứng được, nguồn năng lượng sơ cấp nhập khẩu rất cao.

Để được Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư, quá trình chuẩn bị phát triển điện hạt nhân đã trải qua rất nhiều năm với nhiều nghiên cứu kỹ lưỡng, đáp ứng các tiêu chí khắt khe của quốc tế. Sau khi có một bộ hồ sơ đầy đủ, ngày 3/9/2008, Chính phủ đã có quyết định số 1201/QĐ-TTg về việc thành lập Hội đồng thẩm định nhà nước thẩm định báo cáo đầu tư dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận.

Sau khi có Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ ngành, địa phương thực hiện các bước chuẩn bị đầu tư xây dựng dự án.

Ngày 17 tháng 06 năm 2010, Chính phủ có Quyết định số: 906/QĐ-TTg phê duyệt định hướng quy hoạch phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam giai đoạn đến năm 2030.

Trong thời gian này, các văn bản quy định về an ninh, an toàn, kỹ thuật, đào tạo nhân sự, xử lý môi trường, truyền thông…đã được ban hành. Các chương trình hợp tác quốc tế với các đối tác như Nga, Nhật Bản…được đẩy mạnh. Hàng trăm hội thảo tiếp tục được tổ chức.

Công tác đền bù, giải phóng mặt bằng; công tác xây dựng các công trình phụ trợ cũng được triển khai. Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cũng đã cử hàng nghìn sinh viên đi học tập tại các trường đại học chuyên ngành ở Nga, Nhật Bản…

Tuy nhiên, năm 2016, CP xin ý kiến QH dừng dự án này. Tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội XIV, sau khi xem xét Tờ trình số 513/TTr-CP ngày 03 tháng 11 năm 2016 của Chính phủ, Báo cáo thẩm tra số 18/BC-UBKHCNMT14 ngày 09 tháng 11 năm 2016 của Ủy ban khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội về việc dừng thực hiện chủ trương đầu tư Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận và ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, ngày 22/11/2016, Quốc hội đã biểu quyết dừng thực hiện chủ trương đầu tư Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.

Lý do được người phát ngôn Chính phủ đưa ra là: “Nguyên nhân dừng không phải do công nghệ mà do điều kiện kinh tế Việt Nam hiện nay. Việt Nam còn phải tập trung vốn đầu tư cho các dự án trọng điểm quốc gia như sân bay Long Thành, đường cao tốc Bắc-Nam, đường sắt Bắc-Nam và các dự án khác như xử lý biến đổi khí hậu, hạn hán miền Trung, Tây Nguyên, ngập mặn miền Tây Nam Bộ…

Ngày 20/4/2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (nay là Chủ tịch nước) đã kí quyết định thành lập ban công tác liên ngành xử lý công việc khi dừng đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.

Các Bộ, ban, ngành và Ninh Thuận đã cùng vào cuộc giải quyết những công việc cụ thể.

Đặc biệt, để hỗ trợ cho Ninh Thuận, trong Nghị quyết số 31/2016/QH14 ngày 22 tháng 11 năm 2016 về dừng thực hiện chủ trương đầu tư Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, Quốc hội giao Chính phủ 3 nhóm nhiệm vụ chính, thực hiện một số cơ chế, chính sách hỗ trợ tỉnh Ninh Thuận phát triển kinh tế - xã hội, ổn định sản xuất và đời sống Nhân dân và phát triển năng lượng tái tạo.

Báo cáo của Ninh Thuận cho thấy, qua 5 năm triển khai, tình hình kinh tế - xã hội duy trì ổn định và tăng trưởng khá, một số lĩnh vực có chuyển biến tích cực. Tốc độ tăng GRDP giai đoạn 2016-2020 bình quân đạt 10,2%/năm, quy mô nền kinh tế tiếp tục được mở rộng, tăng gấp 2,16 lần năm 2015; GRDP bình quân đạt 60,1 triệu đồng/người, tăng 2,17 lần so với năm 2015 thu hẹp nhanh hơn khoảng cách so với cả nước, từ bằng 60,6% bình quân của cả nước năm 2015, lên 88,5% năm 2020; thu ngân sách tăng nhanh, tăng bình quân 12,8%/năm, tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 78.015 tỉ đồng, tăng 2,35 lần so với giai đoạn trước.

Tại buổi làm việc với thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho ý kiến về báo cáo giám sát 5 năm thực hiện nghị quyết Nghị quyết số 31/2016/QH14, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, chủ trương dừng nhà máy điện hạt nhân là hoàn toàn đúng đắn.

Phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam: Thấy gì từ chặng đường dài quá khứ?
Địa điểm quy hoạt nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận

Hiện tại và tương lai

Kể từ sau năm 2016 cho đến năm 2020, câu chuyện điện hạt nhân dường như ít được nhắc tới cho đến khi Dự thảo Quy hoạch điện VIII được triển khai trong bối cảnh tình hình kinh tế trong nước và thế giới có nhiều thay đổi.

Tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội XV, câu chuyện điện hạt nhân được chú ý khi Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng, chúng ta mới chỉ dừng điện hạt nhân chứ không phải bỏ hẳn. Do đó không bỏ địa điểm xây dựng nhà máy điện hạt nhân như đã quy hoạch và chờ các cấp có thẩm quyền quyết định.

Liên quan đến vấn đề này, Bộ trưởng đã phân tích nhiều yếu tố khách quan, chủ quan của tình hình kinh tế - xã hội trong nước và thế giới để đưa ra những lập luận xác đáng.

Trước đó, tại thông báo của Văn phòng Chính phủ, nêu kết luận của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về quy hoạch điện VIII, lãnh đạo Chính phủ đồng ý "tiếp tục nghiên cứu chủ trương phát triển điện hạt nhân thành chuyên đề riêng, để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, cho ý kiến".

Trong báo cáo giám sát Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội thực hiện nghị quyết số 31/2016/QH14 cũng đề nghị Chính phủ xem xét tạm giữ Quy hoạch đối với các vị trí dự kiến xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2 cho đến khi cấp có thẩm quyền quyết định chính thức về vấn đề này.

Tại kỳ họp, nhiều đại biểu Quốc hội đã nêu ý kiến muốn giải quyết dứt điểm vấn đề điện hạt nhân nhưng chủ yếu là liên quan đến vấn đề giải quyết những khó khăn cho người dân ở vùng được Quy hoạch.

Trong khi đó nhiều đại biểu đồng tình với ý kiến của Bộ trưởng Bộ Công Thương.

Trên thực tế với tốc độ phát triển kinh tế nhanh hiện nay và tương lai, nhu cầu về điện của Việt Nam là rất lớn. Trong khi đó, các nguồn thuỷ điện hết tiềm năng mở rộng; điện than hạn chế phát triển, ảnh hưởng đến môi trường; điện khí và điện năng lượng tái tạo chưa bảo đảm khả năng phát triển bền vững. Bên cạnh đó, các yếu tố địa chính trị phức tạp trên thế giới cùng những biến đổi khó lường bởi dịch bệnh, biến đổi khí hậu …có thể làm đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu và có thể ảnh hưởng đến Việt Nam bất cứ lúc nào.

Quan điểm của Đảng và Nhà nước là “điện phải đi trước một bước” và tránh để phụ thuộc do đó việc phát triển điện hạt nhân trong tương lai gần cũng là điều cần xem xét. Đây cũng là xu hướng chung của nhiều nước trên thế giới.

Các chuyên gia cho rằng, với công nghệ tiên tiến, quy trình quản lý, vận hành nghiêm ngặt, điện hạt nhân không phải là mối lo ngại lớn.

Trong báo cáo của Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội cũng đã chỉ rõ. “Để bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia và phát triển kinh tế độc lập, tự chủ của đất nước, bảo đảm an ninh cho hệ thống điện với nhu cầu đa dạng nguồn phát, đặc biệt là bảo đảm nguồn phát nền cho nguồn điện tái tạo đang bùng nổ trong thời gian gần đây, theo lộ trình giảm phát thải tiến tới đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, điện hạt nhân là vấn đề cần được nghiên cứu, xem xét trong quá trình phát triển ngành năng lượng nước ta giai đoạn tiếp theo”.

Có lẽ, chủ trương phát triển điện hạt nhân tại Việt Nam không phải là câu chuyện mới và có lẽ cần “tái khởi động” trước đòi hỏi thực tiễn hiện nay.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan