Việt Nam sớm trở thành “miền đất” thu hút ngành công nghiệp bán dẫn?
Việt Nam đang thu hút các dự án FDI về công nghiệp bán dẫn với giá trị hàng tỷ USD. Nhưng cần có sự chuẩn bị bài bản và đột phá để tận dụng hiệu quả cơ hội này.
Những dự án tỷ USD
Sự thiếu hụt chip bán dẫn đã diễn ra suốt trong năm 2022 và kéo dài sang những tháng đầu năm 2023. Quy mô thị trường lớn cùng xu hướng thiếu hụt nguồn cung đã khiến nhiều “ông lớn” nhảy vào lĩnh vực này. Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc đều tập trung phát triển công nghiệp bán dẫn. Các quốc gia Đông Nam Á cũng chạy đua thu hút đầu tư về công nghiệp bán dẫn. Đây được coi là “sự lựa chọn khôn ngoan” trong bối cảnh hiện nay.
Việt Nam đang thu hút các dự án FDI về công nghiệp bán dẫn với giá trị hàng tỷ USD. |
Mới đây, Tập đoàn Victory Giant Technology (Trung Quốc) vừa lựa chọn Khu công nghiệp Khu công nghiệp Việt Nam Singapore (VSIP Bắc Ninh) là địa điểm để triển khai dự án đầu tư xây dựng nhà máy mới ở Việt Nam. Victory Gaint Technology là doanh nghiệp lớn chuyên sản xuất, kinh doanh các linh kiện điện tử, chất bán dẫn, có nhiều đối tác, khách hàng lớn tại nhiều quốc gia trên thế giới.
Sau một thời gian tìm hiểu, Tập đoàn này quyết định lựa chọn Khu công nghiệp VSIP Bắc Ninh là địa điểm để triển khai dự án đầu tư xây dựng nhà máy với tổng mức đầu tư 400 triệu USD, khi đi vào hoạt động dự kiến cho giá trị sản xuất mỗi năm đạt khoảng 1 tỷ USD.
Thực tế, Việt Nam từ lâu đã giành được nhiều sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài, nhất là trong lĩnh vực công nghệ, bao gồm công nghiệp bán dẫn. Intel - một trong 3 nhà sản xuất bán dẫn hàng đầu thế giới, từ hơn 10 năm trước đã bắt đầu phát triển nhà máy sản xuất chip tại Việt Nam, với quy mô 1 tỷ USD. Năm 2021, Intel đã tăng vốn đầu tư dự án này lên gần 1,5 tỷ USD và đang có kế hoạch rót thêm hàng tỷ USD để mở rộng nhà máy tại Việt Nam.
Hay như kế hoạch sản xuất đại trà các sản phẩm lưới bóng chíp bán dẫn của Nhà máy Samsung Electro-Mechanics Việt Nam tại Thái Nguyên, vốn đầu tư trên 2,6 tỷ USD, nhiều khả năng sẽ được thực hiện vào cuối năm 2023, sau khi công tác sản xuất thử nghiệm được hoàn tất.
Tháng 6 vừa qua, công ty hàng đầu thế giới về các giải pháp bán dẫn cho hệ thống điện và IoT là Infineon Technologies AG cũng đã thông báo việc mở rộng quy mô hoạt động, thành lập một đội ngũ phát triển chip điện tử làm việc tại Hà Nội.
Chiến lược này nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về kiểm thử chức năng và thiết kế mạch tùy chỉnh cho các giải pháp về hệ thống trên chip (SoC) hàng đầu của Infineon. Mục tiêu của Infineon là đưa trung tâm tại Hà Nội thành một trung tâm R&D theo chuẩn quốc tế, như các trung tâm của tập đoàn này đặt tại Ấn Độ, Singapore, Đức…
Trong chuyến thăm làm việc tại Việt Nam mới đây, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cho hay, Mỹ mong muốn đẩy mạnh hợp tác kinh tế, thương mại với Việt Nam, trong đó mong muốn hỗ trợ Việt Nam nâng cao năng lực sản xuất chip bán dẫn. Tại buổi tiếp Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhất trí với đề xuất của phía Mỹ và nhấn mạnh việc mở rộng chuỗi cung ứng, sản xuất chip, chất bán dẫn cũng là ưu tiên trong chiến lược phát triển của Việt Nam.
GS. Nguyễn Mại- Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài nhìn nhận, thị trường sản xuất thiết bị chất bán dẫn ở Việt Nam năm 2023 rất sôi động. Cơ hội cho Việt Nam phát triển mạnh công nghệ bán dẫn đang đến rất gần.
Không thể chậm trễ hơn nữa...
Được biết quy mô của thị trường chip toàn cầu năm 2022 khoảng hơn 600 tỉ USD, dự báo đến năm 2029 sẽ lên 1.400 tỉ USD. Cơ hội dành cho Việt Nam trong chiếc bánh khổng lồ này rất lớn. Theo đó để thu hút đầu tư trong lĩnh vực bán dẫn, có lẽ Việt Nam cần có một sự chuẩn bị mang tính nền tảng hơn.
Để không bỏ lỡ cơ hội tỷ USD, Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch & Đầu tư nghiên cứu, xây dựng một đề án về thu hút đầu tư và phát triển công nghiệp sản xuất chip điện tử, nhằm tạo động lực phát triển mới.
Ông Đỗ Nhất Hoàng- Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch & Đầu tư) cho biết, để thu hút dòng vốn sản xuất chip, linh kiện và vật liệu bán dẫn, thời gian tới, Chính phủ sẽ ban hành những chính sách để thúc đẩy thu hút đầu tư trong một số lĩnh vực có tiềm năng, tạo sự bứt phá như công nghệ cao, bán dẫn, đổi mới sáng tạo.
Tuy nhiên, không dễ để Việt Nam trở thành “bến đỗ” mới cho ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu. Nhưng nhiều năm trước đây, cũng không ai nghĩ, Việt Nam có thể trở thành “cứ điểm” sản xuất cho ngành thiết bị di động. Điều gì cũng có thể xảy ra, vấn đề còn lại là chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện để có thể đón được các dự án quy mô lớn trong lĩnh vực này.
Một số chuyên gia kinh tế cho rằng, vấn đề chiến lược đặt ra với Việt Nam là làm thế nào để tận dụng được sự dịch chuyển của chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng toàn cầu đang diễn ra hết sức mạnh mẽ và để tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng toàn cầu của ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn.
Quan trọng tại thời điểm này chúng ta cần tiếp tục chú trọng các khâu thiết kế và đóng gói vi mạch bán dẫn, trong đó đẩy mạnh việc thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, đặc biệt là các nhà đầu tư chiến lược, có vai trò trọng yếu trong chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng toàn cầu là nhiệm vụ chiến lược. Bên cạnh đó, thúc đẩy hình thành các doanh nghiệp trong nước có khả năng phát triển các sản phẩm điện tử, vi mạch “Make in Viet nam” phục vụ cho các thị trường ngách trong nước, từng bước hướng đến xuất khẩu.
Một số chuyên gia cũng khuyến nghị, Việt Nam cần mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn. Đồng thời tăng cường đầu tư cho đào tạo, khoa học và công nghệ và thu hút đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học người Việt tại các nước tiên tiến, đặc biệt là tại thung lũng Silicon trở về trong nước để tham gia phát triển các ngành điện tử, vi mạch bán dẫn.
Còn nhớ hơn 2 năm trước, AT&T (Áo) thay vì lựa chọn Việt Nam, đã chọn Malaysia để đầu tư dự án 2 tỷ USD trong lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp bán dẫn và nguyên nhân xuất phát từ sự thiếu vắng nguồn nhân lực chất lượng cao. Đây là bài học quý giá cho Việt Nam.
Thực tế cho thấy, đầu tư cho nhân lực là bài toán vô cùng quan trọng với không chỉ Việt Nam, mà cả ngành bán dẫn toàn cầu nói chung. Sự thiếu hụt nhân lực trong lĩnh vực này đang “làm khó” ngành công nghiệp bán dẫn. Nhưng với Việt Nam, câu chuyện này còn cấp thiết hơn bao giờ hết. Chậm ngày nào, mất cơ hội ngày đó!
Theo một báo cáo của Gartner, doanh thu ngành sản xuất chip toàn cầu năm 2022 tăng khoảng 1,2% so với cùng kỳ năm 2021, đạt 601,7 tỷ USD. Dự báo, thị trường bán dẫn toàn cầu có quy mô khoảng 1.400 tỷ USD vào năm 2029. Điều này có nghĩa, tham gia thị trường bán dẫn toàn cầu, Việt Nam sẽ có được các cơ hội tỷ USD. |