Việt Nam tăng trưởng bán hàng TMĐT xuyên biên giới nhanh nhất thế giới
Năm 2022, số lượng nhà bán hàng Việt Nam trên Amazon tăng trưởng cao hơn tất cả thị trường khác của tập đoàn này. Đây là một con số ấn tượng được lãnh đạo Amazon Global Selling Việt Nam chia sẻ với chúng tôi.
Ngày 9/6, Hội nghị Thương mại Điện tử xuyên biên giới do Amazon Global Selling và Cục Thương mại điện tử & Kinh tế số Việt Nam (iDEA) thuộc Bộ Công Thương phối hợp tổ chức tại TP HCM, đã cung cấp nhiều thông tin về chuyển động của hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới tại Việt Nam.
Trao đổi với chúng tôi, ông Gijae Seong, Giám đốc điều hành Amazon Global Selling Việt Nam tiết lộ tốc độ phát triển của Amazon Global Selling tại thị trường Việt Nam là cao nhất thế giới, so với các nước khác.
"Tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam có thể không phải là cao nhất nhưng tốc độ phát triển bán hàng xuyên biên giới, số lượng nhà bán hàng của Việt Nam tham gia Amazon đang là cao nhất hiện này và nhận được sự chú ý, hỗ trợ từ phía tập đoàn để phát triển mảng xuất khẩu trực tuyến", ông Gijae Seong chia sẻ.
CEO Amazon Global Selling Việt Nam cho rằng không có nhiều nước châu Á sở hữu mô hình xuất khẩu trực tuyến như Việt Nam. Đáng chú ý, nước ta đang có sự chuyển dịch lớn từ các nhà bán hàng cá nhân sang những doanh nghiệp, nhà sản xuất truyền thống.
Ông Gijae Seong nói: "Thời điểm chúng tôi vừa tham gia thị trường Việt Nam vào năm 2019, các nhà bán hàng chủ yếu là những bạn trẻ có kỹ năng về bán hàng online, kiến thức về digital marketing. Tuy nhiên, những năm gần đây, hồ sơ nhà bán hàng trở nên đa dạng hơn với sự tham gia của các doanh nghiệp sản xuất truyền thống như LAFOOCO, Sunhouse... Bên cạnh đó là các startup với sự đầu tư bài bản, nghiêm túc hơn."
Lý giải về sự tăng trưởng nhà bán hàng "thần tốc" của Việt Nam, ông Gijae Seong cho rằng Việt Nam có cộng đồng nhà bán hàng online lớn, tốc độ thích ứng nhanh khi có xu hướng kinh doanh mới. Ngoài ra, thế mạnh của Việt Nam là năng lực sản xuất dồi dào với hệ thống nhà máy, công xưởng sản xuất đáp ứng được nhu cầu.
"Khi một doanh nghiệp sản xuất tham gia bán hàng trên Amazon, quá trình hỗ trợ của chúng tôi có thể kéo dài hơn, lên tới một năm. Chúng tôi đã thực hiện hỗ trợ trong giai đoạn 2019-2022 và năm ngoái, tỉ lệ các doanh nghiệp tham gia nhiều hơn, kéo theo mức tăng trưởng nhà bán hàng vượt bậc của thị trường Việt Nam", ông Gijae Seong giải thích.
Hiện tại, nhà bán hàng trên Amazon được chia làm hai nhóm chính là các nhà sản xuất truyền thống và nhóm doanh nghiệp khởi nghiệp - những người xây dựng thương hiệu cho sản phẩm trên Amazon chứ không nhất thiết phải trực tiếp sản xuất ra sản phẩm. Như đã nêu, sự tăng trưởng tại thị trường Việt Nam đã làm đa dạng hơn nhà bán hàng Việt Nam.
"Vấn đề hiện nay là các nhà bán hàng cần có tâm thế kinh doanh bền vững trên Amazon. Dù họ trực tiếp sản xuất hay không thì nhà hàng cũng cần tận dụng thế mạnh của công nghệ để hiểu được nhu cầu thay đổi rất nhanh của thị trường toàn cầu. Một điểm nữa là các nhà sản xuất có thế mạnh về sản phẩm, chi phí đầu ra thì cũng cần tập trung cho câu chuyện thương hiệu, không chỉ tập trung hoàn toàn vào sản xuất. Họ cần phải có sự chuyển dịch từ nền kinh tế sản xuất sang kinh tế thương hiệu", đại diện Amazon Global Selling nói thêm.
Trong báo cáo do Access Partnership cung cấp, xuất khẩu bán lẻ từ doanh nghiệp tới người tiêu dùng (B2C) qua thương mại điện tử sẽ đóng góp đáng kể cho nền kinh tế Việt Nam với tiềm năng đạt giá trị 296,3 nghìn tỷ đồng vào năm 2027 nếu các doanh nghiệp MSME đẩy nhanh tốc độ áp dụng thương mại điện tử để xuất khẩu sản phẩm và dịch vụ.
Năm 2022, xuất khẩu thương mại điện tử B2C của Việt Nam đạt giá trị 80,7 nghìn tỷ đồng, đứng thứ 7 trong số các loại hình xuất khẩu của Việt Nam.
Bất chấp việc các cửa hàng truyền thống gần đây đã mở cửa trở lại do nới lỏng các hạn chế COVID-19, các doanh nghiệp Siêu nhỏ, Nhỏ và Vừa (Micro, Small, and Medium Enterprises - MSME) vẫn tin rằng nhu cầu mua sắm trực tuyến sẽ tiếp tục mang đến những cơ hội đáng kể trong hoạt động xuất khẩu của họ ra nước ngoài.
Báo cáo cũng chỉ ra 86% MSME tin rằng họ sẽ không thể xuất khẩu nếu không có thương mại điện tử. Các MSME Việt Nam dự định tận dụng thương mại điện tử để tiếp cận thêm các thị trường quốc tế. Trong đó, Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Liên minh châu Âu là các thị trường xuất khẩu trọng điểm trong vòng 5 năm tới, kế hoạch đến năm 2027.