A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ: Rất khó đánh giá, thống kê về chất lượng các đề tài khoa học

Đây là câu nói được Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt nhắc đến nhiều trong phiên trả lời chất vấn Quốc hội vào ngày 7/6.

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, sáng 7/6, Quốc hội tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn về nhóm các vấn đề thuộc lĩnh vực khoa học và công nghệ. Tại phiên chất vấn, liên quan đến 6 nhóm vấn đề lớn đã được đặt ra trong đó các đại biểu đã đề nghị Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt nói về trách nhiệm của Bộ Khoa học và Công nghệ cũng như cá nhân Bộ trưởng liên quan đến các vấn đề này.

Rất khó đánh giá, rất khó thống kê, rất khó xác định!

Đặt câu hỏi chất vấn Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt, đại biểu Đặng Thị Bảo Trinh - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quang Nam cho rằng, thực tế tính ứng dụng của nhiều đề tài khoa học còn thấp. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng làm rõ trách nhiệm và giải pháp trong thời gian tới?

Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ: Rất khó đánh giá, rất khó thống kê, rất khó xác định
Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt trả lời chất vấn ngày 7/6

Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho biết: Khoa học công nghệ là ngành đặc thù, rủi ro. Do vậy, rất khó để đánh giá thành công của các đề tài nghiên cứu. Các đề tài nghiên cứu sẽ có giá trị trong nhiều năm sau này. Có những đề tài phải mất nhiều thời gian mới có thể ứng dụng vào thực tế và đánh giá mức độ thành công. Do vậy không thể thống kê một cách đầy đủ và rất khó để thống kê hoàn chỉnh.

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho biết sẽ cung cấp số liệu một cách đầy đủ trong thời gian tới. “Tuy nhiên phải nói thêm rằng công tác thống kê này là khó”, ông Đạt nói thêm.

Khi được đại biểu Lê Thanh Vân – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau hỏi về số đề tài nghiên cứu sử dụng ngân sách Nhà nước được đưa vào ứng dụng, trong số đó có bao nhiêu đề tài mang lại kết quả thiết thực? Đâu là điểm kích nổ về chính sách để Việt Nam bứt phá về công nghệ, đặc biệt là trong lĩnh vực quản lý nhà nước, phát triển kinh tế và bảo vệ quốc phòng, an ninh của Tổ quốc?

Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho biết, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước, Quốc hội rất quan tâm đến hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Mặc dù kinh tế hết sức khó khăn nhưng Chính phủ cũng kiến nghị và Quốc hội đã bố trí kinh phí cho ngành khoa học công nghệ với tỉ lệ là 0,64% GDP (kinh phí dành riêng cho hoạt động sự nghiệp khoa học công nghệ).

Bộ trưởng cho biết hoạt động khoa học công nghệ có tính đặc thù, đi tìm những cái mới nên có thể thành công, có thể không thành công, có thể thành công sớm hoặc có thể thành công muộn. Do đó, việc tính toán cụ thể có bao nhiêu đề tài đã đưa vào ứng dụng là điều rất khó xác định. Theo Bộ trưởng, điều quan trọng là làm sao chúng ta xác định được những kết quả đó phục vụ cho phát triển kinh tế xã hội, nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học của bản thân các nhà nghiên cứu khoa học.

Giải pháp nào cho phát triển khoa học công nghệ?

Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh - Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình đưa ra vấn đề từ năm 2011 đến nay, bộ máy quản lý nhà nước về khoa học, công nghệ đã được kiện toàn từ Trung ương đến địa phương cùng với đó, Chính phủ cũng đã ban hành Chương trình phát triển thị trường khoa học và công nghệ quốc gia đến năm 2030. Mặc dù vậy, thị trường khoa học công nghệ Việt Nam hiện nay vẫn còn hạn chế. Đề nghị Bộ trưởng cho biết nguyên nhân và giải pháp để phát triển thị trường khoa học công nghệ?

Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ: Rất khó đánh giá, rất khó thống kê, rất khó xác định
Quốc hội nghe trả lời chất vấn sáng 7/6

Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho biết, trong thời gian qua, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành các quy định, thông tư để thúc đẩy hoạt động này. Kết quả đạt được là nhiều công nghệ mới, tiên tiến được triển khai trong các lĩnh vực viễn thông, xây dựng, giao thông vận tải. Một số ngành có sức cạnh tranh quốc tế, tham gia sâu vào chuỗi cung ứng, giá trị sản xuất, giá trị sản phẩm có lợi thế cạnh tranh. Những kết quả này là sự cố gắng từ các cơ quan lãnh đạo từ Bộ Khoa học và Công nghệ, các doanh nghiệp.

Tuy nhiên, ông Đạt cho rằng, ngoài những thành tựu cũng còn những khó khăn, hạn chế, nhất là cơ chế, chính sách chưa thực sự phát huy tốt, các hoạt động kết nối, dịch vụ hỗ trợ đi kèm chưa hiểu quả; Nguồn lực từ ngân sách, từ doanh nghiệp cho hoạt động này còn khiêm tốn, cơ sở hạ tầng, kỹ thuật còn hạn chế. Trong thời gian tới, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để điều chỉnh các cơ chế, chính sách. Bộ cũng sẽ điều chỉnh các quy định phù hợp với thực tiễn.

Chúng tôi sẽ thúc đẩy chương trình về tìm kiếm, chuyển giao, làm chủ phát triển công nghệ từ nước ngoài về Việt Nam, đây là giải pháp rất căn ”, ông nói.

Liên quan đến vấn đề tồn Quỹ phát triển khoa học công nghệ lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng, đại biểu Dương Minh Ánh- Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội chất vấn Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt và đặt câu hỏi giải pháp cho việc quản lý, sử dụng quỹ vì sau gần 10 năm thành lập quỹ, tình trạng thiếu tiền thừa quỹ, tồn quỹ đến hàng chục nghìn tỷ đồng, trong khi nguồn lực dành cho khoa học công nghệ còn nhiều khó khăn?

Cùng vấn đề này, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa- Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp cũng đề nghị Bộ trưởng làm rõ vấn đề giải ngân của Quỹ hỗ trợ vì sao còn chậm? Giải pháp của Bộ trưởng cho vấn đề này trong thời gian tới?

Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho biết, theo quy định của luật, Quỹ hỗ trợ phát triển khoa học, công nghệ khuyến khích doanh nghiệp ngoài Nhà nước, còn doanh nghiệp Nhà nước phải đạt đủ điều kiện bắt buộc với tỉ lệ từ 3-10%. Sứ mệnh của doanh nghiệp sử dụng Quỹ này như thế nào xin không trao đổi với đây, mà chỉ nói về hiệu quả và những khó khăn của Quỹ.

Theo số liệu thống kê, trong giai đoạn 2015-2021, tổng số doanh nghiệp trích Quỹ là 1.281 doanh nghiệp, với tổng số tiền là khoảng 24.000 tỉ đồng, chiếm 0,14% trên tổng số các doanh nghiệp của cả nước. Giải ngân đến nay chỉ đạt 60% trên tổng số tiền mà doanh nghiệp đã trích lập. Các doanh nghiệp lớn mới có tỉ lệ trích quỹ lớn, còn các doanh nghiệp vừa và nhỏ thì việc trích Quỹ rất khó khăn. Để quỹ này hoạt động hiệu quả cũng còn cũng còn những khó khăn, không thu hút được doanh nghiệp trích lập quỹ, ngay cả các doanh nghiệp FDI, mặc dù tiềm lực lớn nhưng họ chưa thấy sự hấp dẫn của quỹ...Thời gian tới cần thay đổi để thu hút được việc trích lập quỹ và sử dụng quỹ hiệu quả hơn”, Bộ trưởng nói.

Cũng theo Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt, việc sử dụng quỹ hiện nay rất khó, như vấn đề mua sắm trang thiết bị phục vụ cho đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất, hiệu quả của doanh nghiệp. Do vậy, muốn thu hút thì cần nghiên cứu, đề xuất Chính phủ, Quốc hội có những cơ chế, chính sách để doanh nghiệp trích lập quỹ và cho phép doanh nghiệp sử dụng quỹ để mua sắm thiết bị phục vụ đổi mới công nghệ, miễn giảm thuế cho các hoạt động này, có như vậy mới hấp dẫn được các doanh nghiệp tham gia quỹ.

Chi 100 đồng, chỉ có 13 đồng cho nghiên cứu, còn lại chi cho bộ máy

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Công Long - Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai cho biết: Trong gia đoạn 2016-2021, tổng kinh phí dành cho nghiên cứu chỉ khoảng 13% có nghĩa là khoản đầu tư cho các đề tài khoa học thì 100 đồng chỉ có 13 đồng cho nghiên cứu; còn lại cho bộ máy, chi thường xuyên. Đại biểu đặt câu hỏi về trách nhiệm của Bộ Khoa học và Công nghệ.

Về nội dung này, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt nhấn mạnh tính đặc thù về tài chính của lĩnh vực khoa học và công nghệ. “Nghiên cứu khoa học không thể tính toán một cách định lượng chính xác như các hoạt động sản xuất khác. Rất khó để chúng ta xây dựng các định mức cũng như tính toán hiệu quả, lợi nhuận. Trong quá trình xây dựng thuyết minh, quá trình quản lý đề tài, ngay cả việc nghiệm thu đề tài, việc xác lập lợi nhuận hiệu quả kinh tế nó phải ở trong tương lai”- Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt nói.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan