Đảng lãnh đạo toàn dân tiến hành thắng lợi Cách mạng Tháng Tám năm 1945
Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tâm năm 1945 đến từ sự chuẩn bị lâu dài, chu đáo, kỹ lưỡng về lực lượng chính trị, lực lượng vũ trang, căn cứ địa cách mạng cũng như sự sáng tạo, tài tình trong việc tạo thời cơ, nắm vững thời cơ để khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước của Đảng.
Chuẩn bị cho việc giành độc lập
Ngày 3/2/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam được Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, xây dựng và rèn luyện. Kể từ đó, đúng như đánh giá của Người: “Màu cờ đỏ của Đảng chói lọi như mặt trời mới mọc, xé tan cái màn đen tối, soi đường dẫn lối cho nhân dân ta vững bước tiến lên con đường thắng lợi trong cuộc cách mạng phản đế, phản phong”[1]. Sau 15 năm, trải qua các phong trào cách mạng các năm: 1930-1931, 1936-1939, 1939-1945, càng bị địch khủng bố, Đảng càng trưởng thành và phát triển. Đó là những cuộc tổng diễn tập, chuẩn bị tiền đề cho Đảng lãnh đạo nhân dân tổng khởi nghĩa giành chính quyền.
Mít-ting tại Nhà hát Lớn Hà Nội để giành chính quyền ngày 19/8/1945. Ảnh: Tư liệu lịch sử |
Ngày 28/1/1941, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã về nước trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng Việt Nam. Sau một thời gian chuẩn bị, Người triệu tập và chủ trì Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại lán Khuổi Nặm (Pác Bó) từ ngày 10 đến ngày 19/5/1941. Hội nghị khẳng định nhiệm vụ hàng đầu của cách mạng là giải phóng dân tộc.
Tại Hội nghị, Đảng quyết định thành lập Mặt trận Việt Nam Độc lập Đồng minh (gọi tắt là Việt Minh) để thực hiện việc đại đoàn kết toàn dân tộc chống ngoại xâm và giành lại độc lập dân tộc. Khi viết về thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám 1945, nhà sử học Pháp Philippe Devillers, trong cuốn sách “Lịch sử Việt Nam từ năm 1940 đến năm 1952” nhận định: “Nó còn là kết quả logic của Việt Minh trong mọi khu vực của đời sống đất nước”[2].
Bên cạnh đó, công tác xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng được Đảng đặc biệt coi trọng. Những trung đội Cứu quốc quân lần lượt ra đời: Trung đội Cứu quốc quân I được thành lập vào ngày 14/2/1941, Trung đội Cứu quốc quân II được thành lập vào ngày 19/5/1941, Trung đội Cứu quốc quân III ra đời vào ngày 5/2/1944. Bên cạnh đó, cuối năm 1941, Đảng còn quyết định thành lập Đội tự vệ vũ trang Pác Bó để chuẩn bị cho xây lực lượng vũ trang nhân dân và thúc đẩy cơ sở chính trị phát triển. Đảng cũng tổ chức các lớp tập huấn chính trị, quân sự, biên soạn các tài liệu về đánh du kích… Đặc biệt, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân đã được Đảng thành lập (ngày 22/12/1944). Tiếp đó, Việt Nam Giải phóng quân cũng được Đảng thành lập vào ngày 15/5/1945 trên cơ sở thống nhất từ các đơn vị Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân, Cứu quốc quân cùng các tổ chức vũ trang cách mạng tập trung của cả nước Việt Nam. Đây chính là lực lượng sẽ làm nhiệm vụ đấu tranh vũ trang giành chính quyền về tay nhân dân. Chiều 16/8/1945, dưới sự chỉ huy của Tư lệnh Võ Nguyên Giáp, một đơn vị Việt Nam Giải phóng quân từ Tân Trào (tỉnh Tuyên Quang) tiến về giải phóng thị xã Thái Nguyên (tỉnh Thái Nguyên), mở màn cho Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Sau này, Chủ tịch Hồ Chí Minh khen rằng: “Quân đội ta là quân đội anh hùng của một dân tộc anh hùng. Mới ra đời, với gậy tầy, súng kíp đã cùng toàn dân đánh Pháp, đánh Nhật, đưa Cách mạng Tháng Tám đến thành công”[3].
Tư lệnh Việt Nam Giải phóng quân Võ Nguyên Giáp với Việt Nam Giải phóng quân ở Hà Nội khi giành được chính quyền sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Ảnh tư liệu lịch sử |
Năm 1941, sau khi về nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh chọn Cao Bằng để xây dựng căn cứ địa cách mạng. Tiếp đó, thực hiện chỉ thị của Đảng, ngày 4/6/1945, Khu giải phóng Việt Bắc được thành lập bao gồm hai căn cứ lớn trên địa bàn 6 tỉnh: Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Hà Giang, Thái Nguyên và một số vùng thuộc ngoại vi tỉnh Bắc Giang, Vĩnh Yên, Phú Thọ, Yên Bái. Tân Trào được chọn là Thủ đô lâm thời của Khu giải phóng. Với 1 triệu người gồm nhiều dân tộc khác nhau, khu giải phóng đã thực sự là “hình ảnh nước Việt Nam mới”, cùng với hệ thống các chiến khu trong cả nước tạo thành hậu phương và bàn đạp cho thế trận tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong tháng 8/1945.
Đến khi Nhật đảo chính Pháp (ngày 9/3/1945), Chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” ngày 12/3/1945 của Ban Thường vụ Trung ương Đảng đã đề ra một Cao trào kháng Nhật cứu nước để làm tiền đề cho cuộc tổng khởi nghĩa. Cao trào ấy bao gồm từ hình thức bất hợp tác, bãi công, bãi thị cho đến những hình thức cao hơn như biểu tình thị uy vũ trang, du kích… Chỉ thị cũng nêu rõ nơi nào thấy so sánh lực lượng có lợi cho cách mạng thì tiến hành khởi nghĩa từng phần, giành chính quyền từng bộ phận và sẵn sàng chuyển qua hình thức tổng khởi nghĩa một khi đã đủ điều kiện[4].
Lãnh đạo toàn dân “đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”
Hội nghị Đại biểu toàn quốc của Đảng họp ở Tân Trào từ ngày 13 đến ngày 15/8/1945 đã quyết định phát động Tổng khởi nghĩa trong cả nước, giành lấy chính quyền trước khi quân Đồng minh vào Đông Dương. Ngày 15/8/1945, phát xít Nhật đầu hàng Đồng minh. Ngày 16/8/1945, Nghị quyết Quốc dân Đại hội nhấn mạnh: “Không phải Nhật bại là nước ta tự nhiên được độc lập. Nhiều sự gay go trở ngại sẽ xảy ra. Chúng ta phải khôn khéo và kiên quyết. Khôn khéo để tránh những sự không có lợi cho ta. Kiên quyết để giành cho được nếu hoàn toàn độc lập”[5]. Trong Thư kêu gọi tổng khởi nghĩa (18/8/1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi: “Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”[6].
Với 5.000 đảng viên, Đảng ta đã lãnh đạo toàn dân tiến hành cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945, lật đổ sự áp bức, bóc lột của chế độ thực dân đế quốc và phong kiến.
Nói về nguyên nhân thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Cách mạng Tháng Tám đã thành công vì có được ba điều kiện không thể thiếu được đối với bất cứ một cuộc cách mạng phản đế nào ở một nước thuộc địa; đó là sự lãnh đạo của giai cấp công nhân, sự thành lập một mặt trận dân tộc phản đế rộng rãi, khởi nghĩa vũ trang”[7] và “Đó là thắng lợi của đường lối giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc, dân chủ của giai cấp công nhân, kết hợp chặt chẽ hai nhiệm vụ chống đế quốc và chống phong kiến. Đó là thắng lợi của đường lối đoàn kết toàn dân, sử dụng bạo lực cách mạng để lật đổ ách thống trị của đế quốc và phong kiến. Đó là sự tài tình, sáng tạo của Đảng trong việc tạo thời cơ, nắm vững thời cơ, khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước”[8].
Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội), Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mở ra kỷ nguyên mới cho lịch sử dân tộc. Ảnh: tư liệu lịch sử |
Sự chuẩn bị lâu dài, chu đáo, kỹ lưỡng về lực lượng chính trị, lực lượng vũ trang, căn cứ địa cách mạng cũng như sự sáng tạo, tài tình trong việc tạo thời cơ, nắm vững thời cơ để khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước của Đảng ta đã được Giáo sư William J.Duiker, nhà sử học nổi tiếng của Mỹ, nhận định: “Chỉ riêng các điều kiện khách quan thì không làm nên một cuộc cách mạng, và ở đây công lao thuộc về những người Cộng sản. Họ đã có thể chớp lấy thời cơ được mở ra vô cùng thuận lợi vào lúc kết thúc cuộc chiến tranh... Chỉ có Đảng Cộng sản Đông Dương sở hữu ý thức về sự kịp thời và thấu hiểu được sự tinh tế có tính chiến lược của hoàn cảnh để vùng lên đúng lúc”[9].
Thomas Hodgkin, trong cuốn “Thế giới bàn về Việt Nam”, đánh giá Cách mạng Tháng Tám năm 1945 ở Việt Nam là một sự kiện “quan trọng nhất trong lịch sử thế giới từ sau Cách mạng Tháng Mười Nga”[10]. Tác giả đã viết rằng: “Đó là một cuộc cách mạng do Đảng Cộng sản lãnh đạo, một Đảng chỉ mới ra đời được 15 năm. Đó là cuộc cách mạng đầu tiên thành công trong việc lật đổ chính quyền của chế độ thuộc địa… Như vậy, cuộc Cách mạng Tháng Tám đã đánh dấu sự bắt đầu của một thời kỳ mới, nó vạch đường ranh giới của thời đại thực dân bắt đầu nhường chỗ cho thời đại phi thực dân hóa”[11].
[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 12, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 401
[2] Ph.Devillers, “Lịch sử Việt Nam từ 1940 đến 1952”, Nxb Seuil, Paris, 1952, tr 132. Dẫn lại từ cuốn “Tổng khởi nghĩa tháng Tám 1945 - Ðoàn thanh niên cứu quốc Hoàng Diệu”, Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, Nxb Lao động, Hà Nội, 1999, tr 473
[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 11, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr. 349
[4] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 7, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr. 367
[5] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 4, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr. 526
[6] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 3, Nxb.Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 596
[7] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 8, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr. 53
[8] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 6, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr. 629
[9] Duiker, William J., The Communist Road to Power in Vietnam, Boulder Co., Westview Press, 1981, tr. 100-101. Dẫn theo: GS.TS. Phạm Hồng Tung, “Cấu trúc quyền lực ở Việt Nam sau cuộc đảo chính ngày 9/3/1945 và vấn đề “khoảng trống quyền lực” trong Cách mạng Tháng Tám”, Trang thông tin của Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển (Đại học Quốc gia Hà Nội). Link: http://ivides.vnu.edu.vn/index.php/WebControl/viewnews/244
[10] Thomas Hodgkin, “Thế giới bàn về Việt Nam”, tập 2, Viện Thông tin Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1976. tr. 224
[11] Thomas Hodgkin, “Thế giới bàn về Việt Nam”, tập 2, Viện Thông tin Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1976. tr. 224