Dự án mở rộng quốc lộ 500 tỉ đồng tại Nghệ An vướng mặt bằng
Nghệ An - Dự án mở rộng Quốc lộ 46 đoạn Vinh – Nam Đàn vẫn đối mặt nhiều rào cản trong giải phóng mặt bằng, có nguy cơ chậm tiến độ.
Dự án mở rộng Quốc lộ 46 đoạn Vinh – Nam Đàn vẫn đối mặt nhiều rào cản trong giải phóng mặt bằng, có nguy cơ chậm tiến độ. Ảnh: Quang Đại
Giải phóng mặt bằng gặp khó
Dự án cải tạo, mở rộng Quốc lộ 46 đoạn từ xã Nam Giang đến thị trấn Nam Đàn (huyện Nam Đàn, Nghệ An), với tổng mức đầu tư 500 tỉ đồng từ nguồn vốn trung hạn Trung ương, hiện đang đứng trước nguy cơ chậm tiến độ do vướng mắc trong giải phóng mặt bằng (GPMB).
Theo UBND huyện Nam Đàn, đến nay mới bàn giao được khoảng 6km/10,69km chiều dài tuyến (đạt 56%). Phần mặt bằng còn lại đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, trong khi theo yêu cầu phải bàn giao đủ mặt bằng trong tháng 5, đảm bảo tiến độ hoàn thành dự án trong năm 2025.
Một trong những vấn đề nổi cộm hiện nay là cách xác định và áp giá bồi thường đối với phần đất vườn, ao gắn liền với đất ở. Theo quy định mới tại Quyết định số 33/2024/QĐ-UBND của tỉnh Nghệ An, phần đất này được tính bồi thường bằng ba lần giá đất nông nghiệp (tương đương 150.000 đồng/m²). Mức giá này thấp hơn nhiều so với chính sách cũ quy định tại Quyết định số 24/2022/QĐ-UBND – trong đó người dân còn được hỗ trợ thêm 50% chênh lệch giữa giá đất ở và giá đất nông nghiệp.
Lãnh đạo tỉnh Nghệ An yêu cầu hoàn thành giải phóng mặt bằng dự án trong tháng 5.2025. Ảnh: Quang Đại
Trong phạm vi dự án, có 202 hộ có thửa đất được công nhận hoàn toàn là đất ở, còn lại 338 hộ có cả đất ở lẫn đất vườn, ao.
Điều này khiến các hộ dân có đất vườn trong cùng thửa đất ở chưa đồng thuận vì cho rằng quyền lợi bị ảnh hưởng. Vướng mắc tiếp theo là cách xác định đất bị thu hồi là đất ở hay đất vườn trong trường hợp chỉ bị thu hồi một phần thửa đất.
Dù Nghị định 88/2014/NĐ-CP có đề cập vấn đề này, song còn thiếu hướng dẫn cụ thể. Quyết định 33/2024/QĐ-UBND tỉnh Nghệ An lại không quy định rõ, khiến quá trình kiểm đếm, xác định loại đất gặp nhiều tranh cãi, làm chậm trễ phê duyệt phương án bồi thường.
Không chỉ nhà dân, trong phạm vi GPMB còn có 5 tiểu dự án di dời hạ tầng kỹ thuật như điện chiếu sáng, điện trung – hạ thế, cây xanh đô thị, hạ tầng viễn thông và đường ống nước sinh hoạt. Các công trình này do nhiều đơn vị chủ quản khác nhau, mỗi đơn vị lại có quy trình, thẩm quyền riêng, khiến việc phối hợp triển khai rất phức tạp.
Đơn cử, hệ thống điện chiếu sáng hai bên đường dài khoảng 21km, nhưng đến nay mới di dời được 6km. Công trình điện trung, hạ thế dù đã ký hợp đồng với nhà thầu nhưng vẫn chưa thể triển khai do vướng mặt bằng. Tương tự, đường nước sinh hoạt và hạ tầng viễn thông vẫn đang được đôn đốc chủ động di dời, nhưng tiến độ chậm.
Kiến nghị giải pháp tháo gỡ
Một nguyên nhân khác được chỉ rõ là huyện Nam Đàn chưa có Trung tâm phát triển quỹ đất, việc GPMB chủ yếu do Phòng Nông nghiệp và Môi trường kiêm nhiệm. Trong khi đó, dự án lại ảnh hưởng đến hàng trăm hộ dân sinh sống, kinh doanh dọc Quốc lộ 46 – nơi có giá trị sinh lợi cao, dẫn đến tâm lý không muốn di dời hoặc yêu cầu bồi thường cao.
Ngoài ra, sự chuyển tiếp giữa Luật Đất đai cũ và Luật Đất đai 2024 (có hiệu lực từ 1.1.2025) khiến các văn bản quy phạm hướng dẫn, quy định đơn giá… ban hành chậm, không đồng bộ. Phải đến cuối tháng 10.2024, tỉnh Nghệ An mới ban hành các quyết định về bồi thường, hỗ trợ và đơn giá mới – ảnh hưởng lớn đến tiến độ triển khai các thủ tục pháp lý.
Để giải quyết tình trạng này, UBND huyện Nam Đàn đã đề xuất UBND tỉnh xem xét ban hành chính sách hỗ trợ bổ sung cho các hộ có đất vườn ao trong cùng thửa đất ở, đảm bảo quyền lợi tương đương quy định cũ.
Đồng thời, kiến nghị tỉnh báo cáo Bộ Nông nghiệp và Môi trường hướng dẫn rõ cách xác định loại đất trong các trường hợp thu hồi một phần diện tích thửa đất.