Hà Nội: Thông qua Nghị quyết điều chỉnh kế hoạch đầu tư công
Sáng 4/7, tại kỳ họp thứ 17, HĐND thành phố Hà Nội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công cấp thành phố năm 2024 và định hướng Kế hoạch đầu tư công năm 2025 của thành phố Hà Nội; cập nhật, điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025 cấp thành phố.
Trước đó, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội Lê Anh Quân đã trình bày tờ trình về vấn đề này. Cụ thể, về phương án điều chỉnh Kế hoạch năm 2024, đối với nguồn vốn ODA, UBND thành phố đề xuất điều hòa 6,03 tỷ đồng nguồn ODA cấp phát và 2,97 tỷ đồng nguồn ODA vay lại của dự án tuyến đường sắt đô thị thí điểm thành phố Hà Nội, đoạn Nhổn - ga Hà Nội (Dự án tuyến 3.1) để bổ sung cho dự án tăng cường giao thông đô thị bền vững cho dự án đường sắt đô thị số 3 Hà Nội.
Phó Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách (HĐND TP Hà Nội) Vũ Ngọc Anh báo cáo thẩm tra |
Đối với nguồn ngân sách Trung ương, thành phố điều hòa kế hoạch vốn giữa các đơn vị được giao thực hiện nhiệm vụ giải phóng mặt bằng dự án thành phần 1.1 xây dựng Vành đai 4 - Vùng Thủ đô, cụ thể: Điều chỉnh giảm 100 tỷ đồng giao huyện Thanh Oai; 10 tỷ đồng của huyện Sóc Sơn và điều chỉnh tăng 110 tỷ đồng cho quận Hà Đông.
Đối với nguồn ngân sách thành phố, đề xuất điều chỉnh giảm 2.516,372 tỷ đồng của các nhiệm vụ, nguồn vốn; sử dụng nguồn này cho 202 nhiệm vụ, dự án do có khả năng thực hiện, giải ngân tốt. Sau phương án điều chỉnh, còn 6.184,342 tỷ đồng thực hiện theo cơ chế thanh toán linh hoạt (giải phóng mặt bằng, chuẩn bị đầu tư, quy hoạch, quyết toán dự án hoàn thành, thiết kế bản vẽ thi công) và hoàn trả vốn ứng cho Quỹ Đầu tư phát triển thành phố.
Về nguồn vốn đầu tư công năm 2025 dự kiến là 81.392,083 tỷ đồng, tăng 358,903 tỷ đồng so với năm 2024. Phương án dự kiến phân bổ Kế hoạch đầu tư công năm 2025 cấp thành phố (63.742,083 tỷ đồng): Bố trí vốn thu hồi ứng trước, hoàn trả Quỹ Đầu tư phát triển thành phố, vốn giải ngân theo cơ chế thanh toán linh hoạt, hỗ trợ địa phương bạn là 3.299,14 tỷ đồng; vốn phân bổ thực hiện dự án đầu tư công thành phố là 48.602,007 tỷ đồng; vốn bố trí thực hiện dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia là 1.431,51 tỷ đồng; ngân sách thành phố hỗ trợ mục tiêu cấp huyện là 10.409,426 tỷ đồng.
Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025 cấp thành phố đến nay đã phân bổ chi tiết cho các nhiệm vụ, dự án là 248.034,036 tỷ đồng, còn 6.281,69 tỷ đồng chưa phân bổ chi tiết. Kế hoạch đầu tư công trung hạn cấp thành phố đến nay đã bố trí hằng năm giai đoạn 2021-2024 là 144.878 tỷ đồng, chiếm 57% kế hoạch, còn lại phải bố trí là 109.437 tỷ đồng, chiếm 43% kế hoạch.
Chi tiết các phương án rà soát và đề xuất được UBND thành phố dự kiến: Phương án 1 (theo khả năng thực hiện dự án) giảm 14.000 tỷ đồng ngân sách trong nước; 2.567,095 tỷ đồng vốn ODA vay lại; tổng giảm là 16.567,095 tỷ đồng. Phương án 2 (theo khả năng thực hiện và khả năng cắt giảm để cân đối nguồn vốn) giảm 21.000 tỷ đồng ngân sách trong nước; 2.567,095 tỷ đồng vốn ODA vay lại; tổng giảm là 23.567,095 tỷ đồng.
Như vậy, sau điều chỉnh, Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025 cấp thành phố theo phương án 1 là 237.748,631 tỷ đồng; phương án 2 là 230.748,631 tỷ đồng.
Các đại biểu ấn nút thông qua Nghị quyết |
Điều hành nội dung thảo luận, biểu quyết, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Hà Nội Phùng Thị Hồng Hà nêu, chiều 1/7, trong thảo luận tại tổ, các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến về nội dung này. UBND thành phố có báo cáo giải trình làm rõ, cung cấp thêm thông tin tới đại biểu trình HĐND trong sáng 2/7.
Về căn cứ pháp lý, UBND thành phố đã trình và tuân thủ các quy định của Luật Đầu tư công; các văn bản hướng dẫn thi hành Luật, phù hợp với kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 của thành phố đã được HĐND thành phố thông qua.
Một số nội dung liên quan đến ngân sách tài chính, đầu tư công được UBND trình HĐND liên quan đến công tác chỉ đạo, điều hành gồm: Cho phép kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 kéo dài sang năm 2024 đối với danh mục đã được UBND thành phố quyết định tại Quyết định số 1650/QĐ-UBND ngày 27/3/2024; đối với các dự án sử dụng ngân sách cấp huyện của 12 huyện, cho phép quận Bắc Từ Liêm hỗ trợ huyện Phúc Thọ giai đoạn 2024-2025; tiếp tục thực hiện ứng vốn từ Quỹ Phát triển đất của thành phố ủy thác Quỹ Đầu tư phát triển thành phố để thực hiện các dự án chuyển tiếp từ năm 2020 về trước khi thực hiện giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch và đấu giá quyền sử dụng đất.
Cũng trong sáng 4/7, HĐND thành phố Hà Nội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư, phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư các dự án sử dụng vốn đầu tư công. Theo Nghị quyết, trong 26 dự án phê duyệt chủ trương đầu tư, phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư các dự án sử dụng vốn đầu tư công, có 22 dự án phê duyệt chủ trương đầu tư (13 dự án chuyển tiếp thực hiện trong 2 giai đoạn 2021-2025 và 2026 - 2030; 9 dự án thực hiện trong giai đoạn 2026-2030); 3 dự án điều chỉnh chủ trương đầu tư và 1 dự án dừng thực hiện chủ trương đầu tư; thuộc các lĩnh vực phục vụ hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước 2 dự án; giao thông, đô thị là 17 dự án; văn hóa - xã hội là 6 dự án; đê điều là 1 dự án. |