Hoàn thành cọc khoan nhồi đầu tiên trụ dây văng cầu Đại Ngãi 1
Sóc Trăng - Cọc khoan nhồi đầu tiên trụ dây văng cầu Đại Ngãi 1 đã hoàn thành, dự kiến hoàn tất toàn bộ cọc trong năm 2025.
Ngày 16.5, Ban Quản lý dự án 85 - Chủ đầu tư dự án cầu Đại Ngãi - cho biết, đến nay tiến độ thi công cầu Đại Ngãi 1 đạt khoảng 4%; về phần đường đã hoàn thành công tác đào bóc hữu cơ, đang triển khai công tác đắp cát.
Nhà thầu đã hoàn thành công tác đổ bê tông cọc khoan nhồi đầu tiên của trụ P24, cọc khoan nhồi của trụ P23 đã khoan được hơn 50 m. Đây là hai trụ dây văng chính của cầu Đại Ngãi 1. Mỗi trụ có 32 cọc khoan nhồi.
Theo kế hoạch, sau khi hoàn thành đổ bê tông cọc đầu tiên, các cọc tiếp theo sẽ được triển khai. Dự kiến toàn bộ phần cọc khoan nhồi của cầu sẽ hoàn tất trong năm 2025.
Kỹ sư, công nhân thi công cọc khoan nhồi cầu Đại Ngãi 1. Ảnh: Ban Quản lý 85 cung cấp
Trước đó, ngày 9.12, Ban Quản lý dự án 85 đã tổ chức Lễ triển khai thi công gói thầu 15-XL thi công xây dựng cầu Đại Ngãi 1 và đường dẫn 2 đầu cầu. Cầu có chiều dài hơn 3km, phần cầu chính dài 2,59km, rộng 21,5m đi qua luồng Định An của sông Hậu, khu vực gần cửa biển Đông, nối từ huyện Trà Cú (tỉnh Trà Vinh) sang huyện Cù Lao Dung (tỉnh Sóc Trăng).
Phần cầu chính dạng dây văng có 2 trụ tháp dạng chữ A cao 110m (tính từ mặt cầu), sơ đồ nhịp chính (210+450+210)m. Đây là cầu dây văng lớn thứ 2 Việt Nam, sau cầu Cần Thơ và bằng cầu Vàm Cống.
Sản lượng thi công cầu Đại Ngãi 1 đạt 4%. Ảnh: Ban Quản lý 85 cung cấp
Cùng thuộc dự án này, cầu Đại Ngãi 2 được khởi công từ giữa tháng 10.2023, hiện đã đạt trên 95% khối lượng thi công. Các nhà thầu đang tập trung hoàn thiện lớp mặt cầu, lắp đặt biển báo chỉ dẫn giao thông, hệ thống cảnh báo đường bộ và đường thủy, đồng thời đẩy nhanh các hạng mục phụ trợ để đảm bảo hoàn thành toàn bộ công trình trong tháng 6.2025.
Dự án đầu tư xây dựng cầu Đại Ngãi trên tuyến Quốc lộ 60 thuộc địa phận 2 tỉnh Sóc Trăng và Trà Vinh. Dự án có tổng mức đầu tư gần 8.000 tỉ đồng. Khi hoàn thành sẽ tạo thành trục giao thông chiến lược, góp phần nâng cao năng lực vận tải của vùng ĐBSCL. Tuyến Quốc lộ 60 từ đó sẽ trở thành tuyến đường huyết mạch, kết nối hiệu quả các tỉnh duyên hải phía Nam với TP.HCM, giúp rút ngắn thời gian di chuyển, giảm chi phí vận tải, mở rộng giao thương và giảm áp lực giao thông cho Quốc lộ 1A.