Kênh đẹp nhất TPHCM ô nhiễm trở lại, chờ dự án 10.600 tỉ đồng giải cứu
TPHCM - Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đang chìm trong ô nhiễm với cảnh cá chết, rác thải, chờ dự án hơn 10.600 tỉ đồng hoàn thành để được “giải cứu”.
Cá nổi lờ đờ giữa rác thải trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè (TPHCM). Ảnh: Minh Quân.
Những ngày gần đây, dọc tuyến kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, từ quận 1 đến Tân Bình, người dân không khỏi xót xa trước cảnh cá chết nổi trắng mặt nước, xen lẫn rác thải và lục bình trôi lềnh bềnh, tạo nên cảnh tượng nhếch nhác và mùi hôi nồng nặc lan rộng cả khu vực.
Cá chết và rác nổi lềnh bềnh trên mặt kênh. Ảnh: Minh Quân
Theo đánh giá ban đầu của cơ quan chức năng, trận mưa lớn đêm 7.5 là nguyên nhân chính dẫn đến sự cố này.
Do hệ thống cống thoát nước và nước thải hiện vẫn dùng chung, khi mưa lớn, nước thải chưa qua xử lý đã tràn ra kênh, làm giảm mạnh lượng oxy hòa tan trong nước, khiến cá không thở được và chết hàng loạt.
Đây không phải là lần đầu tiên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè rơi vào tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng. Năm nào, cứ đến đầu mùa mưa, hiện tượng cá chết lại tái diễn.
Tuyến kênh dài gần 10 km, chảy qua các quận 1, 3, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Tân Bình và đổ ra sông Sài Gòn, từng là niềm tự hào của TPHCM sau khi được cải tạo và đưa vào sử dụng từ hơn 10 năm trước.
Với mặt nước sạch, cảnh quan đẹp, đường dạo bộ và mảng xanh hai bên bờ, kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè trở thành nơi thư giãn của hàng ngàn người dân.
Tuy nhiên, sau hơn một thập kỷ, do hệ thống xử lý nước thải chưa hoàn thiện, tuyến kênh này vẫn thường xuyên bị ô nhiễm.
Vấn đề lớn nhất chính là chưa có nhà máy xử lý nước thải - phần cốt lõi để đảm bảo dòng nước chảy trong kênh thực sự sạch.
Công nhân môi trường TPHCM vớt rác và xác cá theo dọc kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Ảnh: Minh Quân
TPHCM đã triển khai Dự án Vệ sinh môi trường thành phố gồm hai giai đoạn, với mục tiêu cải thiện chất lượng nước tại kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè.
Giai đoạn 1, hoàn thành năm 2012, toàn bộ lượng nước thải của khoảng 1,2 triệu người ở 7 quận ven kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè được thu gom vào tuyến cống bao dài hơn 8 km đưa về trạm bơm trên đường Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh).
Tuy nhiên, do chưa có nhà máy xử lý, toàn bộ nước thải sau khi thu gom vẫn chỉ được bơm ra sông Sài Gòn để pha loãng.
Mặt khác, hệ thống cống này chung với hệ thống cống thoát nước mưa, vì vậy khi có mưa, một lượng nước thải hòa lẫn với nước mưa thoát ra ngoài kênh, góp phần làm các chỉ số ô nhiễm kênh tăng lên, dẫn đến cá chết.
Giai đoạn 2, khởi công từ năm 2015 với tổng vốn hơn 10.600 tỉ đồng, là “mảnh ghép cuối cùng” để hoàn thiện hệ thống.
Thi công nhà máy xử lý nước thải Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Ảnh: Minh Quân
Dự án bao gồm nhà máy xử lý nước thải Nhiêu Lộc - Thị Nghè (5.468 tỉ đồng) đặt tại phường Thạnh Mỹ Lợi (TP Thủ Đức), có công suất xử lý 480.000 m³/ngày - lớn nhất cả nước và khu vực Đông Nam Á.
Hệ thống cống bao dài khoảng 17 km sẽ gom toàn bộ nước thải từ các quận dọc hai bên kênh và cả quận 2 cũ về nhà máy.
Tại đây, nước sẽ được xử lý qua nhiều công đoạn, loại bỏ các chất ô nhiễm hữu cơ và khử trùng bằng tia UV. Nước sau xử lý sẽ đạt chuẩn loại A - an toàn trước khi đổ ra sông Sài Gòn và lưu vực hạ lưu sông Đồng Nai.
Tuy nhiên, sau gần 10 năm triển khai, dự án vẫn chưa hoàn thành. Theo báo cáo mới nhất từ Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TPHCM (chủ đầu tư), đến nay dự án mới đạt khoảng 75% khối lượng.
Riêng nhà máy xử lý nước thải mới thi công được 63,43%, dự kiến đến 30.9.2025 mới có thể hoàn thành và đưa vào vận hành thử nghiệm.
Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè nhìn từ trên cao. Ảnh: Anh Tú
Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè sẽ không thể sạch trở lại nếu nhà máy xử lý nước thải chưa hoạt động. Và với tiến độ hiện nay, ít nhất đến cuối năm 2025, người dân TPHCM mới có thể hy vọng dòng kênh này được “giải cứu” thực sự khỏi ô nhiễm.