A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nói về việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt với điều hòa

Dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9 có đề xuất đối tượng chịu thuế với mặt hàng điều hòa nhiệt độ.

Tiếp tục Kỳ họp thứ 9, ngày 9.5, Quốc hội hội đã nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) Phan Văn Mãi trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB).

Ngay sau đó, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về dự án Luật trên.

Liên quan đến đối tượng chịu thuế là điều hòa nhiệt độ, theo UBTVQH, hiện nay nhu cầu sử dụng điều hòa đã trở nên phổ biến để đáp ứng nhu cầu của người dân.

Do đó, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, UBTVQH thống nhất với đề xuất của Chính phủ để chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng quy định điều hòa nhiệt độ có công suất trên 18.000 BTU đến 90.000 BTU thuộc đối tượng chịu thuế TTĐB (không thu thuế với máy điều hòa có công suất nhỏ hơn 18.000 BTU và trên 90.000 BTU).

Thảo luận tại hội trường, đại biểu Nguyễn Trường Giang - ĐBQH tỉnh Đắk Nông cho rằng, cần nâng công suất lên 24.000 BTU đối với điều hòa phải chịu thuế TTĐB.

Theo đại biểu Giang, qua tham khảo các kỹ sư về điện lạnh, đại biểu được biết hiện nay tại các đô thị, một căn hộ có 3 phòng, nếu lắp đặt một điều hòa có công suất 24.000 BTU cho cả 3 phòng sẽ thì vừa tiết kiệm điện, vừa tiết kiệm chi phí của người dân.

"Chính vì vậy tôi đề xuất nâng lên, là điều hòa nhiệt độ có công suất trên 24.000 BTU đến 90.000 BTU thuộc đối tượng chịu thuế TTĐB", đại biểu Trường Giang nói.

Đại biểu Nguyễn Trường Giang - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông. Ảnh: Quochoi

Đại biểu Nguyễn Trường Giang - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông. Ảnh: Quochoi

Còn đại biểu Dương Khắc Mai - ĐBQH tỉnh Đắk Nông phát biểu, trong điều kiện khí hậu ngày càng nóng như hiện nay, đại biểu rất hoan nghênh cơ quan soạn thảo đã quy định không áp dụng thuế TTĐB đối với điều hòa nhiệt độ công suất từ 18.000 BTU trở xuống và trên 90.000 BTU.

Tuy nhiên, đại biểu Mai cho rằng, công suất điều hòa như trên chỉ phù hợp với nhu cầu sử dụng cho phòng cá nhân, hộ gia đình chứ không đáp ứng được những phòng rộng, đông người, như lớp học, phòng bệnh tập thể tại các bệnh viện. Đây là những đối tượng đặc biệt cần ưu tiên sử dụng.

Vì vậy, đại biểu Dương Khắc Mai đề nghị cân nhắc việc đưa điều hòa nhiệt độ công suất từ trên 18.000 BTU đến 90.000 BTU là đối tượng áp dụng thuế TTĐB.

Đại biểu Trần Văn Khải - ĐBQH tỉnh Hà Nam cho rằng, việc áp thuế với mặt hàng điều hòa như tờ trình của UBTVQH là không hợp lý, bởi mặt hàng này là thiết yếu.

Theo đại biểu Khải, nếu không áp dụng thuế với mặt hàng này, người dân, đặc biệt là công nhân nghèo, những người lao động trong các khu công nghiệp... sẽ giảm chi phí sinh hoạt, sức khỏe được bảo vệ tốt hơn trong thời tiết khắc nghiệt.

"Tôi đề nghị bỏ điều hòa dân dụng khỏi diện chịu thuế TTĐB, chính sách thuế hợp lý với điều hòa vừa thể hiện tinh thần nhân văn, vừa phù hợp xu hướng sử dụng thiết bị tiết kiệm điện, bảo vệ môi trường", đại biểu Trần Văn Khải nêu ý kiến.

Đại biểu Trần Văn Khải - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam. Ảnh: Quochoi

Đại biểu Trần Văn Khải - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam. Ảnh: Quochoi

Đại diện cơ quan trình và cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng trân trọng cảm ơn ý kiến đóng góp của đại biểu Quốc hội.

Liên quan đến việc áp dụng thuế TTĐB đối với điều hòa trên 18.000 BTU đến 90.000 BTU, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, hiện đã có một số ít các nước đánh thuế để tiết kiệm năng lượng, liên quan đến chất làm lạnh liên quan đến ô nhiễm môi trường.

Theo Bộ trưởng, mặt hàng này trước đây đã được đánh thuế. Tại phiên thảo luận hôm nay, nhiều đại biểu đề xuất nâng công suất lên. Do đó, cơ quan soạn thảo sẽ tiếp thu, nâng công suất này lên đến trên 24.000 BTU đến dưới 90.000 BTU để chịu thuế.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng phát biểu giải trình ý kiến của các ĐBQH. Ảnh: Quochoi

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng phát biểu giải trình ý kiến của các ĐBQH về áp dụng thuế TTĐB với điều hòa. Ảnh: Quochoi

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cũng dẫn quy định của Thủ tướng Chính phủ năm 2024 yêu cầu tới năm 2045 sẽ hạn chế, không sản xuất, không nhập khẩu điều hòa không khí gia dụng, điều hòa không khí nguyên cụm sử dụng chất HCFC và chất HFC - chất làm nóng ảnh hưởng tới tầng ozone. Điều này cho thấy rằng việc áp dụng thuế TTĐB đối với điều hòa cần tiếp tục quan tâm.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật