A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Ngành Dệt may Việt Nam: Tăng trưởng và Thách thức

Quý I/2024, xuất khẩu dệt may đạt gần 9,5 tỷ USD, tăng 9,6% so cùng kỳ năm ngoái, đồng thời là quý đầu tiên xuất khẩu tăng trưởng trở lại sau 4 quý liên tiếp tăng trưởng âm. Song, dệt may cũng là ngành hàng có thể bị ảnh hưởng bởi việc cắt giảm nhân lực, thực hiện Thỏa thuận Xanh EU,…

Đó là một trong những nội dung đáng chú ý trong chương trình Tạp chí Phát triển Sản phẩm chủ lực - Được phát sóng trên kênh HN1, Đài Phát thanh Truyền hình Hà Nội với mục tiêu cập nhật nhanh nhất về sản phẩm, ngành hàng tiêu biểu. Chương trình có sự quan tâm, đồng hành của Tổng Công ty Khí Việt Nam - CTCP

Chương trình Phát triển Sản phẩm chủ lực đang được phát sóng trên kênh HN1 – Đài Phát thanh – Truyền hình Hà Nội

Hiệp hội Dệt may Việt Nam chỉ rõ, bắt đầu bước vào năm 2024, ngành dệt may có nhiều tín hiệu khởi sắc bởi các nhà sản xuất, chuỗi cung ứng hàng dệt may toàn cầu tiếp tục chọn Việt Nam là nơi sản xuất và đặt hàng. Trên thế giới, đặc biệt là các thị trường truyền thống, nhu cầu hàng dệt may hồi phục trở lại. Bên cạnh đó, các quốc gia cạnh tranh gặp nhiều vấn đề về lao động, xung đột vũ trang ở trong nước, trong khi Việt Nam là một điểm đến an toàn cũng là một động lực mới cho đơn hàng có khả năng quay lại Việt Nam tốt hơn. Kinh tế vĩ mô trong nước tiếp tục ổn định, dự báo tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa (GDP) cao hơn 2023. Việt Nam hiện vẫn giữ vị trí thứ 3 thế giới trong xuất khẩu dệt may, do đó, những tín hiệu này cho thấy triển vọng cho ngành dệt may Việt Nam trong năm 2024.

Năm 2024, các chuyên gia kinh tế dự báo, sẽ có nhiều điểm sáng cho ngành dệt may hồi phục trở lại, nhất là tại những thị trường xuất khẩu truyền thống. Việt Nam được đánh giá là điểm đến an toàn, kinh tế vĩ mô trong nước tiếp tục ổn định, dự báo tăng trưởng cao hơn năm 2023… là động lực mới cho đơn hàng có khả năng quay lại Việt Nam nhiều hơn.

Xuất khẩu dệt may quý I/2024 tăng trưởng trở lại sau 4 quý liên tiếp tăng trưởng âm.

Dù vậy, do phần lớn các doanh nghiệp dệt may trên địa bàn tỉnh vẫn hoạt động theo hình thức gia công, chưa có thương hiệu và giá trị gia tăng thu về còn hạn chế nên chưa tận dụng được cơ hội và dư địa do các FTA mang lại. Trong khi đó, thị trường thế giới vẫn biến động rất khó lường, khó khăn vẫn còn nhiều nên không được chủ quan, mà cần tiếp tục có giải pháp nâng cao sức chống chịu, nâng khả năng cạnh tranh trên thị trường.

Dệt may cũng là ngành hàng có thể bị ảnh hưởng bởi Thỏa thuận Xanh EU. Theo đó, kế hoạch hành động nền kinh tế tuần hoàn sẽ yêu cầu các sản phẩm dệt may phải được sản xuất bằng các vật liệu và quy trình thân thiện với môi trường, đồng thời đáp ứng các tiêu chuẩn bền vững và dán nhãn sinh thái nghiêm ngặt. Vì vậy, đã đến lúc các doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động đón đầu làn sóng chuyển đổi xanh, điều chỉnh quy trình sản xuất và đầu tư vào công nghệ mới để duy trì tính cạnh tranh, đồng thời tiến xa hơn trên chuỗi cung ứng toàn cầu.

Thách thức là vậy, nhưng nếu tuân thủ và thực hiện nghiêm túc các tiêu chuẩn xanh hóa trong ngành sản xuất sẽ giúp việc chuyển đổi sang sản xuất xanh được thực hiện một cách chủ động, đồng bộ và toàn diện.

Đây chính là cơ hội lớn cho doanh nghiệp và cũng là cách thức tốt nhất để doanh nghiệp có thể đi trước một bước, tiếp cận sớm thị trường các sản phẩm xanh đầy tiềm năng của EU với tệp khách hàng có ý thức tiêu dùng xanh đang gia tăng mạnh mẽ của khu vực này. Đồng thời, thích ứng sớm với các yêu cầu xanh ở EU cũng mang đến sự bảo đảm nhất định cho khả năng xuất khẩu của doanh nghiệp đi các thị trường phát triển khác như Hoa Kỳ, Anh, Nhật Bản, Australia…


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan