A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Ngày này năm xưa 14/6: Quốc hội ban hành Luật Thương mại 2005

Ngày này năm xưa 14/6: Quốc hội ban hành Luật Thương mại 2005; Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương.

Chuyên mục Ngày này năm xưa trên Báo Công Thương tổng hợp, giới thiệu những sự kiện trong nước, ngành Công Thương; sự kiện về Chủ tịch Hồ Chí Minh và các sự kiện quốc tế ngày 14/6.

Ngày này năm xưa 14/6: Quốc hội ban hành Luật Thương mại 2005

Sự kiện trong nước và ngành Công Thương

Ngày 14/6/2005: Quốc hội ban hành Luật Thương mại năm 2005. Sự ra đời của Luật Thương mại 2005 đã đáp ứng kịp thời yêu cầu hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, khắc phục những hạn chế của Luật Thương mại năm 1997 thông qua việc mở rộng phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, sửa đổi các quy định không còn phù hợp, bổ sung những hoạt động thương mại mới, đồng thời tập hợp các hoạt động thương mại cùng tính chất trong các chương riêng, thay vì quy định dàn trải như trước đây.

Ngày 14/6/2005: Chính phủ ban hành Quyết định số 143/2005/QĐ-TTg về Đề án tổng thể quan hệ Việt Nam - Liên minh châu Âu và Chương trình hành động của Chính phủ về phát triển quan hệ Việt Nam - Liên minh châu Âu đến năm 2010 và định hướng tới 2015.

Ngày 14/6/2006: Bộ Thương mại ban hành Thông báo số 0230/BTM-DM bổ sung, điều chỉnh thành tích xuất khẩu hàng dệt may.

Ngày 14/6/2006: Bộ Thương mại ban hành Thông báo số 0228/BTM-DM về dừng cấp giấy phép xuất khẩu (E/L) tự động đối với mặt hàng vải tổng hợp (Cat.35) xuất khẩu sang thị trường Thổ Nhĩ Kỳ năm 2006.

Ngày 14/6/2011: Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định số 44/2011/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Điều 3 Nghị định số 189/2007/NĐ-CP ngày 27/12/2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương.

Ngày 14/6/2016: Bộ Công Thương ban hành Thông tư số 06/2016/TT-BCT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 32/2014/TT-BCT ngày 9/10/2014 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định về trình tự xây dựng, áp dụng biểu giá chi phí tránh được và ban hành Hợp đồng mua bán điện mẫu cho các nhà máy thủy...

Ngày 14/6/2019: Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 1671/QĐ-BCT bổ sung danh mục máy móc, thiết bị, vật tư, nguyên liệu trong nước đã sản xuất được.

Ngày 14/61995: Đại diện Chính phủ Việt Nam và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) ký Chương trình Hợp tác Quốc gia Việt Nam - UNICEF.

Sự kiện quốc tế

Ngày 14/6/1736: Ngày sinh của nhà vật lý người Pháp Charles-Augustin de Coulomb, người đã đưa ra định luật cơ bản về lực tác dụng giữa các điện tích (định luật Coulomb). Ông còn được biết đến với những nghiên cứu về sự ma sát trong các máy, về cối xay gió, về tính đàn hồi của kim loại và sợi.

Ngày 14/6/1868: Ngày sinh của giáo sư người Mỹ gốc Áo Karl Landsteiner, người đã đoạt giải Nobel năm 1930 vì những khám phá của ông về nhóm máu. Những công trình nghiên cứu về nhóm máu của ông đã mang lại bước tiến quan trọng cho lịch sử truyền máu thế giới. Ngoài ra, Karl Landsteiner và nhà vi khuẩn học người Romania Constantin Levaditi đã phát hiện một vi sinh vật gây ra bệnh bại liệt và đặt cơ sở cho sự phát triển của vắc xin phòng bệnh bại liệt.

Ngày 14/6/1985: Hiệp ước Schengen được một số thành viên Liên minh châu Âu (EU) gồm Bỉ, Pháp, Tây Đức (sau này là Đức), Luxembourg và Hà Lan thông qua. Hiệp ước này bắt đầu có hiệu lực từ năm 1995, cho phép miễn thị thực xuất nhập cảnh đối với công dân của 26 nước châu Âu, bao gồm 22 nước thành viên EU cùng với Na Uy, Thụy Sĩ, Iceland và Liechtenstein. Công dân thuộc danh sách nói trên hoặc người có thị thực Schengen được cấp tại bất kỳ nước nào trong số 26 quốc gia nêu trên đều được đi lại tự do trong khu vực này.

14/6: Nhằm tri ân, tôn vinh và khuyến khích những người hiến máu, năm 2004, Tổ chức Y tế thế giới, Hiệp hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế, Hội Truyền máu quốc tế và Liên đoàn Quốc tế các tổ chức người hiến máu đã thống nhất lấy ngày 14/6 là Ngày quốc tế Người hiến máu (World Blood Donor Day).

Ngày này năm xưa 14/6: Quốc hội ban hành Luật Thương mại 2025
Hiến máu tình nguyện là một việc làm có ý nghĩa, thể hiện trách nhiệm với cộng đồng

Sự kiện về Chủ tịch Hồ Chí Minh

Ngày 14/6/1922: Nguyễn Ái Quốc được chấp nhận vào Hội Tam điểm (Franc-Maconnerie) và đã dự nghi lễ chấp nhận được tổ chức tại trụ sở của Liên hội quốc tế, số 94 đại lộ Đơ Xuypphơren (De Suffren), Paris. Nguyễn Ái Quốc vào hội với ý thức muốn tìm hiểu mặt tiến bộ của tổ chức này. Tuy nhiên, đến tháng 12 năm đó, Nguyễn Ái Quốc đã rút khỏi hội.

Ngày 14/6/1946, Báo Cứu quốc số 266 đăng bài viết Noi gương anh em Tự vệ chiến đấu Hoàng Diệu của Chủ tịch Hồ Chí Minh với bút danh Q.T. Trong bài viết, Người biểu dương những việc làm tốt của Tự vệ chiến đấu thành Hoàng Diệu về các mặt sinh hoạt, học tập, công tác và khen ngợi: "Anh em Tự vệ chiến đấu thành Hoàng Diệu thật đáng làm gương cho không những tự vệ các địa phương mà cho cả các hạng thanh niên nữa".

Ngày 14/6/1961: Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Hợp tác xã số 1 thôn Kiều Mai, xã Trần Phú (nay thuộc xã Phú Minh, huyện Từ Liêm, Hà Nội) giữa lúc bà con đang thu hoạch vụ chiêm, chuẩn bị vụ mùa. Ra thẳng cánh đồng Song, nơi các xã viên đang gặt lúa, Người thân mật hỏi chuyện mọi người và căn dặn bà con: "Muốn phát triển sản xuất tốt, trước hết các xã viên phải đoàn kết như anh em một nhà. Đoàn kết là sức mạnh. Đoàn kết thì khó khăn mấy cũng làm được, cũng vượt qua được. Cán bộ phải gương mẫu, ban quản trị làm việc phải chí công vô tư, sổ sách tài chính phải minh bạch và phải cố gắng thi đua với Đại Phong".

Ngày 14/6/1966, Bác gửi thư khen đồng bào, bộ đội và cán bộ tỉnh Quảng Bình với lời biểu dương: “Trước đây, Quảng Bình là tỉnh đầu tiên bắn rơi 100 máy bay Mỹ. Nay Quảng Bình lại là tỉnh đầu tiên bắn rơi 200 máy bay Mỹ”. Người nhắc nhở: “Địch càng thất bại thì càng điên cuồng hung dữ. Vì vậy, quân và dân tỉnh ta chớ vì thắng lợi mà chủ quan khinh địch; cần phải luôn luôn nâng cao cảnh giác, ra sức thi đua với quân và dân miền Nam anh hùng, cố gắng chiến đấu giỏi, sản xuất giỏi hơn nữa, cùng đồng bào cả nước kiên quyết chống Mỹ, cứu nước cho đến thắng lợi hoàn toàn”.

Ngày 14/6/1969: Tại Hội trường Ba Đình, Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh tham gia Đoàn Chủ tịch cuộc mít tinh chào mừng sự ra đời của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Người cùng các đồng chí trong Đoàn Chủ tịch đã hỏi thăm tình hình chăm sóc các cháu miền Nam đang học tập ở miền Bắc. Người căn dặn: Vì kháng chiến chống Mỹ mà các cháu phải xa gia đình, xa quê hương, nên ngoài việc nuôi dưỡng, dạy dỗ các cháu, cần có tình cảm, phải thật sự thương yêu các cháu.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan