A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Ngày này năm xưa 16/2: Phê duyệt điều lệ tổ chức Công ty Dệt - May Hà Nội

Ngày này năm xưa 16/2: Bộ Công nghiệp phê duyệt Điều lệ tổ chức, hoạt động của Công ty Dệt-May Hà Nội, Ngày truyền thống của lực lượng Cảnh vệ Công an nhân dân.

Chuyên mục “Ngày này năm xưa” trên Báo Công Thương tổng hợp, giới thiệu những sự kiện trong nước và ngành Công Thương; sự kiện về Chủ tịch Hồ Chí Minh và các sự kiện quốc tế ngày 16/2.

Sự kiện trong nước và ngành Công Thương

Ngày 16/2/2000, Bộ Công nghiệp ban hành Quyết định số 07/2000/QĐ-BCN về việc ban hành tiêu chuẩn ngành (bột giấy và carton).

Ngày 16/2/2005, ban hành Quyết định số 04/2005/QĐ-BCN của Bộ Công nghiệp phê duyệt Điều lệ tổ chức và hoạt động của Công ty Dệt - May Hà Nội.

Ngày này năm xưa 16/2: Phê duyệt điều lệ tổ chức Công ty Dệt-May Hà Nội
Ngày nay Công ty Dệt - may Hà Nội đã trở thành Tổng công ty lớn mạnh với thương hiệu Hanosimex

Ngày 16/2/2009, Ký Hiệp định thành lập Ủy ban liên Chính phủ về hợp tác giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ các Tiểu vương quốc Arập thống nhất.

Ngày 16/2/2002: Bộ truyện tranh Thần đồng đất Việt cho ra mắt tập đầu tiên.

Ngày 16/2/1981: Ngày mất Nhà thơ Vĩnh Mai. Ông sinh năm 1918, tên thật là Nguyễn Hoằng, quê ở tỉnh Quảng Trị. Những tác phẩm chính của Vĩnh Mai có: Người dân quân xã, Lên đường, Tiếng hát, Đất đen và hoa thắm….

Ngày 16/2/1962: Khai mạc Đại hội Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam lần thứ nhất. Tham dự đại hội có hơn 100 đại biểu đủ mọi tầng lớp xã hội, tôn giáo, dân tộc thuộc nhiều xu hướng chính trị khác nhau.

Ngày 16/2/1951: Ta đánh quân Pháp ở Tầm Vu (Cần Thơ) tiêu diệt hoàn toàn đoàn xe địch, có tên trung tá chỉ huy và thu toàn bộ vũ khí. Để ca ngợi chiến thắng này nghệ sĩ Quốc Hương đã thể hiện rất thành công bài hát Tầm Vu nổi tiếng.

Sự kiện quốc tế

Ngày 16/2/2005: Nghị định thư Kyoto về biến đổi khí hậu chính thức có hiệu lực. Nghị định thư Kyoto là một thỏa thuận về việc cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, gắn liền với Chương trình khung Liên hiệp quốc về Biến đổi khí hậu (United Nations Framework Convention on Climate Change - UNFCCC).
Nghị định thư buộc các nước tham gia phải cam kết đạt được các mục tiêu về thải khí nhà kính được xác định cụ thể cho từng nước. Nghị định thư được hoàn tất và mở ký vào ngày 11/12/1997 tại Kyoto, Nhật Bản, nhưng phải đến ngày 16/2/2005 mới chính thức có hiệu lực khi Liên bang Nga, quốc gia chiếm 17% lượng khí thải toàn cầu, phê chuẩn thỏa thuận này.

Ngày 16/2/1985: Hezbollah, tổ chức chính trị, vũ trang của người Liban theo đạo Hồi dòng Shi’a, được thành lập.

Ngày 16/2/1959: Fidel Castro tuyên thệ nhậm chức Thủ tướng Cuba sau khi đánh đổ chế độ độc tài Fulgencio Batista, mở ra kỷ nguyên độc lập, tự do và phát triển cho quốc gia vùng Caribe này.

Ngày 16/2/1945: Trong chiến tranh thế giới thứ hai: Quân đội Mỹ đổ bộ lên đảo Corregidor, Philippines.

Ngày 16/2/1862: Trong nội chiến Hoa Kỳ: Trận đồn Donelson kết thúc với chiến thắng của Liên bang miền Bắc.

Ngày 16/2/1923, nhà khảo cổ học người Anh Howard Carter phát hiện ra mộ thất và quách của Pharaoh Tutankhamun trong Thung lũng các vị Vua, nơi yên nghỉ của rất nhiều vị Pharaoh nổi tiếng trong lịch sử Ai Cập.

Sự kiện về Bác Hồ

Ngày 16/2/1969: (tức mồng một Tết nǎm Kỷ Dậu) Chủ tịch Hồ Chí Minh đi chúc tết cán bộ, chiến sĩ, quân chủng phòng không - không quân tại sân bay Bạch Mai, Hà Nội. Trưa cùng ngày, Bác Hồ đến thǎm và chúc tết nhân dân xã Vật Lại, huyện Ba Vì, Hà Tây.

Ngày này năm xưa 16/2: Phê duyệt điều lệ tổ chức Công ty Dệt - May Hà Nội
Bác Hồ thăm lực lượng Phòng không - không quân ngày 16/2/1969

Ngày 16/2/1953: Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký ban hành Sắc lệnh số 141/SL thành lập Cục Cảnh vệ từ một số chiến sỹ bảo vệ Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo Trung ương. Đây là sự kiện quan trọng đánh dấu sự trưởng thành của lực lượng Cảnh vệ. Sau này, ngày 16/2 được lấy là Ngày truyền thống của lực lượng Cảnh vệ Công an nhân dân.

Ngày 16/2/1923, luật sư Phan Văn Trường đã thuyết trình về lịch sử Việt Nam tại trụ sở của Hội Liên hiệp thuộc địa ở Paris, công khai đề cập tới “vấn đề các dân tộc tự định đoạt lấy tự do khi tất cả các dân tộc ấy hiểu được sự cần thiết của việc áp dụng lý thuyết cộng sản…”. Sau đó, Nguyễn Ái Quốc phát biểu rằng bổn phận mỗi người dân thuộc địa là “cần ủng hộ và làm công việc tuyên truyền chủ nghĩa cộng sản” và giới thiệu tờ “Le Paria” với cử tọa.

Ngày 16/2/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư tới Tổng thống Hợp chúng quốc Hoa Kỳ thông báo về sự ra đời của nước Việt Nam độc lập, lên án chủ nghĩa thực dân Pháp và đưa ra thông điệp: “Nhân dân Việt Nam chúng tôi, sau quá nhiều năm chịu sự cướp bóc và tàn phá, mới chỉ đang bắt đầu công cuộc xây dựng. Cần phải có an ninh và quyền tự do, trước hết là để đạt được phồn vinh và phúc lợi trong nước, và sau đó là góp phần nhỏ của mình vào việc xây dựng lại thế giới. An ninh và tự do chỉ có thể được bảo đảm bằng sự độc lập của chúng ta đối với bất kỳ một cường quốc thực dân nào, và bằng sự hợp tác tự nguyện của chúng ta với tất cả các cường quốc khác. Chính là với niềm tin vững chắc này mà chúng tôi yêu cầu Hợp chủng quốc với tư cách là những người bảo vệ và những người bênh vực công lý thế giới, thực hiện một bước quyết định ủng hộ nền độc lập của chúng tôi”. Đây là văn kiện mang tính nhà nước đầu tiên trong lịch sử quan hệ Việt - Mỹ.

Ngày 16/2/1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh tham dự chiêu đãi do Stalin tổ chức tại Mátxcơva để chào mừng “Hiệp ước tương trợ Xô - Trung” vừa được ký kết. Hồi ức của Đại tướng Võ Nguyên Giáp thuật lại câu chuyện Bác Hồ kể: “Qua Liên Xô, Bác có gặp đồng chí Stalin… Liên Xô phê bình ta chậm làm cải cách thổ địa. Đồng chí Stalin trỏ hai chiếc ghế rồi hỏi mình: “Ghế này là ghế của nông dân, ghế này là của địa chủ, người cách mạng Việt Nam ngồi ghế nào?”. Tới đây chúng ta phải làm cách mạng ruộng đất. Trung Quốc sẽ giúp ta kinh nghiệm về phát động quần chúng tiến hành cải cách ruộng đất”.

Ngày 16/2/1958, phát biểu tại cuộc họp báo trong khuôn khổ chuyến thăm Miến Điện, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: "Nước Việt Nam là một khối thống nhất không thể chia cắt được. Dân tộc Việt Nam từ lâu đã xây đắp Tổ quốc mình suốt từ Bắc chí Nam cùng chung một lịch sử, một tiếng nói, một nền kinh tế, cùng đứng lên đánh đuổi thực dân. Dân tộc Việt Nam kiên quyết đấu tranh thống nhất nước nhà”.

Lời Bác dạy ngày này năm xưa

Ngày 16/2/1954, trong bài viết “Vài ưu điểm và khuyết điểm của các Đội Phát động quần chúng” đăng ở chuyên mục “Nóinghe” trên Báo Nhân dân số 166, Bác chỉ ra một số khuyết điểm nghiêm trọng của các Đội Phát động quần chúng và nguyên nhân của các khuyết điểm đó. Người nhận xét:

“Xem thường việc chỉnh đốn chi bộ - Đó là vì cán bộ không hiểu đúng tầm quan trọng việc lãnh đạo của Đảng ở nông thôn…”

Chi bộ là nhân tố chính trị lãnh đạo việc thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; lãnh đạo thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ công tác của cơ quan, đơn vị, nâng cao trách nhiệm, tính tiền phong gương mẫu của đảng viên và khích lệ tinh thần nỗ lực, phấn đấu của quần chúng.

Quan điểm xuyên suốt trong tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác xây dựng Đảng luôn chỉ ra rằng, “Chi bộ là gốc rễ của Đảng ở trong quần chúng. Chi bộ tốt thì mọi chính sách của Đảng đều được thi hành tốt, mọi công việc đều tiến bộ không ngừng”. (Bài viết “Những chi bộ tốt và chi bộ chưa tốt”, đăng trên Báo Nhân dân, số ra ngày 31/10/1963). Đây là sự đánh giá, khẳng định của Bác về bản chất, nguồn gốc sức mạnh của Đảng, vai trò, mối liên hệ mật thiết giữa chi bộ với quần chúng.

Quán triệt và thực hiện lời dạy của Bác, từ khi thành lập đến nay, Đảng ta luôn nhận thức sâu sắc vị trí, vai trò của chi bộ, coi chi bộ là tế bào, là cơ sở của Đảng, là hạt nhân chính trị, lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ ở cơ sở; đảng viên là những người có trách nhiệm góp phần xây dựng đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng; đồng thời có trách nhiệm tổ chức thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách đó với tư cách vừa là người lãnh đạo, vừa là người đầy tớ của nhân dân. Do vậy, xây dựng chi bộ tốt, đội ngũ đảng viên tốt là nhiệm vụ thường xuyên, trọng yếu trong công tác xây dựng Đảng; làm cơ sở, nền tảng xây dựng Đảng ta xứng đáng với trọng trách là Đảng duy nhất cầm quyền, lãnh đạo toàn dân tộc thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan