A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thái Bình: Cho học sinh nghỉ học để tránh siêu bão Yagi

Để đảm bảo an toàn cho học sinh trước siêu bão Yagi, Thái Bình quyết định cho học sinh nghỉ học trong hai ngày 6 và 7/9.

Sáng 6/9, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thái Bình đã có văn bản về việc cho học sinh nghỉ học trong hai ngày 6 và 7/9.

Cụ thể, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thái Bình đề nghị, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện, thành phố chỉ đạo các cơ sở giáo dục thuộc thẩm quyền quản lý, Hiệu trưởng trường trung học phổ thông, Giám đốc trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên huyện, thành phố theo dõi diễn biến của bão, cho học sinh nghỉ học ngày thứ Sáu và thứ Bảy (ngày 6 - 7/9), đồng thời, thực hiện nghiêm túc Công văn số 1000/SGDĐT-KHTC của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh về việc phòng, chống cơn bão số 3 năm 2024.

Các cơ sở giáo dục tổ chức ứng trực 24/24 giờ, giữ liên hệ thường xuyên với các cơ quan chức năng, lực lượng cứu hộ địa phương để kịp thời ứng phó khi có sự cố xảy ra; đồng thời khẩn trương khắc phục các thiệt hại, dọn dẹp, vệ sinh trường, lớp ngay sau mưa bão, đảm bảo an toàn, phòng tránh dịch bệnh trong trường học.

Ngoài tỉnh Thái Bình, các đạo phương khác như thành phố Hải Phòng, các tỉnh Quảng Ninh, Bắc Giang cũng đã cho học sinh nghỉ học trong ngày 7/9 để tránh siêu bão Yagi.

Thái Bình: Cho học sinh nghỉ học để tránh siêu bão Yagi

Đến 10 giờ ngày 6/9 vị trí tâm siêu bão ở vào khoảng 19,3 độ Vĩ Bắc; 112,0 độ Kinh Đông, cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 130km về phía Đông Đông Nam; cách Quảng Ninh khoảng 570km về phía Đông Đông Nam (Ảnh: Windy.com)

Trước diễn biến phức tạp của cơn bão số 3 (bão Yagi), chiều ngày 5/9, ông Nguyễn Khắc Thận, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình đã chủ trì cuộc họp để triển khai các biện pháp ứng phó với bão số 3. UBND tỉnh Thái Bình yêu cầu các sở, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện để chủ động ứng phó với bão theo phương châm “4 tại chỗ”, không để bị động, bất ngờ, nhằm bảo đảm an toàn, tính mạng, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản cho người dân.

Tỉnh Thái Bình cũng yêu cầu các cấp ủy, chính quyền và toàn hệ thống chính trị tỉnh khẩn trương triển khai tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về diễn biến và tính chất hiểm, phức tạp của cơn bão số 3.

Tuyên truyền đến cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân nhận thức rõ mức độ nguy hiểm do cơn bão số 3 gây ra; tránh tư tưởng phó mặc công tác phòng, chống bão cho cơ quan chức năng, đặc biệt là tư tưởng chủ quan, lơ là do nhiều năm trên địa bàn tỉnh không có bão lớn.

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, hồi 10 giờ ngày 6/9, vị trí tâm siêu bão Yagi ở vào khoảng 19,3 độ Vĩ Bắc; 112,0 độ Kinh Đông, cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 130km về phía Đông Đông Nam; cách Quảng Ninh khoảng 570km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm siêu bão mạnh cấp 16 (184-201km/h), giật trên cấp 17, di chuyển theo hướng Tây, tốc độ 15-20km/h.

Từ khoảng chiều ngày 6/9, vùng biển phía Đông của vịnh Bắc Bộ (bao gồm huyện đảo Bạch Long Vỹ) có gió mạnh dần lên cấp 6-7. Từ tối và đêm 6/9, khu vực vịnh Bắc Bộ (bao gồm huyện đảo Bạch Long Vỹ, Cô Tô) gió mạnh dần lên cấp 8-9, sau tăng lên cấp 10-11, vùng gần tâm bão đi qua cấp 12-14, giật cấp 17; biển động dữ dội.

Trên đất liền, từ đêm 6/9 và gần sáng ngày 7/9, vùng ven biển từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa có gió mạnh dần lên cấp 6-7, sau tăng lên cấp 8-9, vùng gần tâm bão cấp 10-12, giật cấp 14; khu vực sâu trong đất liền phía Đông Bắc Bộ có gió mạnh cấp 6-8, giật cấp 9-11 (Thời điểm gió mạnh nhất trong khoảng từ sáng đến chiều tối ngày 7/9).

Ngày 6/9, ở khu vực phía Đông Bắc Bộ, khu vực từ Thanh Hóa - Thừa Thiên Huế có mưa dông do tác động vành ngoài hoàn lưu bão số 3.

Từ đêm 6/9 đến sáng 9/9, ở khu vực Bắc Bộ và Thanh Hóa có khả năng xuất hiện một đợt mưa lớn với tổng lượng mưa phổ biến từ 100-350mm, có nơi trên 500mm (mưa lớn nhất ở phía Đông Bắc Bộ tập trung trong ngày và đêm 7/9; phía Tây Bắc Bộ từ tối ngày 7/9 đến đêm 8/9).

Mưa lớn có khả năng gây ra tình trạng ngập úng tại các vùng trũng, thấp; lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc.

Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão rộng, cần đề phòng nguy cơ xảy ra dông, tố, lốc và gió giật mạnh trước khi bão đổ bộ.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan